Làn sóng đình công có nguy cơ chặn đứng sự bùng nổ của ngành đóng tàu Hàn Quốc

18:07' - 31/07/2024
BNEWS Các quan chức chỉ ra rằng việc giao hàng chậm sẽ khiến các công ty đóng tàu của Hàn Quốc phải trả hàng tỷ won cho khách hàng để bồi thường và sẽ làm tăng cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.

Theo các quan chức ngành công nghiệp, Hàn Quốc đang đối mặt với mối lo ngại ngày càng cao về khả năng xảy ra một cuộc tranh chấp lao động có thể kìm hãm sự bùng nổ được mong đợi từ lâu trong ngành đóng tàu, khi các công nhân đóng tàu đang chuẩn bị cho một cuộc tổng đình công vào tháng Tám.

 

Công đoàn HD Hyundai Heavy Industries (HHI) đã đảm bảo được quyền hợp pháp để ngừng hoạt động vào đầu tuần này, khi Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia dừng quá trình trọng tài giữa người lao động và ban quản lý của công ty đóng tàu, sau khi các thành viên công đoàn chấp thuận đình công trong cuộc bỏ phiếu kéo dài ba ngày vào tuần trước.

Phía người lao động cho biết, ban quản lý vẫn im lặng trước yêu cầu tăng lương cơ bản hàng tháng trong năm nay thêm trung bình 159.800 won (116 USD), sửa đổi các quy định về tiền thưởng dựa trên hiệu suất và kéo dài tuổi nghỉ hưu lên 64.

Sau khi kỳ nghỉ Hè kéo dài hai tuần kết thúc vào tuần tới, công đoàn sẽ thảo luận về thời điểm và cách thức đình công. Mặc dù công nhân vẫn sẵn sàng đối thoại với ban quản lý, họ đã bắt tay với các công đoàn của bảy công ty đóng tàu khác của Hàn Quốc để tiến hành cuộc tổng đình công vào tháng Tám. Tuần trước, công nhân tại hai đơn vị đóng tàu khác của HD Hyundai - HD Hyundai Mipo và HD Hyundai Samho - đã chấp thuận đề xuất đình công thông qua phiếu bầu của họ. Ngày 22/7, hội đồng lao động của Samsung Heavy Industries cũng đã chấp thuận một cuộc đình công.

Trước đó, công đoàn Hanwha Ocean đã tổ chức cuộc đình công kéo dài 7 giờ vào ngày 15/7, khi 86% thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ động thái này. Công nhân tại đơn vị đóng tàu của Hanwha Group tuyên bố rằng ban quản lý đã bỏ qua yêu cầu đàm phán của họ về việc thanh toán cho các đơn vị cổ phiếu hạn chế (RSU).

RSU là chế độ bồi thường cho nhân viên dựa trên cổ phiếu không được chuyển nhượng hoàn toàn cho đến khi đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Năm 2023, Hanwha Ocean đã hứa sẽ trả cho công nhân đóng tàu RSU tương đương 300% tiền lương của họ, nhưng công ty đã không thực hiện vào đầu năm nay sau khi không có lãi vào năm 2023. Công nhân Hanwha Ocean có kế hoạch tiếp tục biểu tình cho đến khi ban quản lý chấp nhận yêu cầu của họ.

Nếu tranh chấp lao động kéo dài, các công ty đóng tàu Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc giao tàu cho khách hàng đúng hạn và mất đi lòng tin của khách hàng toàn cầu. Một quan chức ngành đóng tàu cho biết: "Một cuộc tổng đình công sẽ gây ra sự chậm trễ trong sản xuất do tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài".

Các quan chức trong ngành chỉ ra rằng việc giao hàng chậm trễ sẽ khiến các công ty đóng tàu trong nước của Hàn Quốc phải trả hàng tỷ won cho khách hàng để bồi thường và sẽ làm tăng cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục