Làn sóng đình công ở Đức liệu có kìm hãm tăng trưởng kinh tế?

05:30' - 21/03/2024
BNEWS Các cuộc đình công của giới công nhân Đức đang lan rộng, gây ra những lo ngại về những tác động rộng lớn hơn đối với nền kinh tế Đức.

Theo tờ DW, tình trạng bất ổn lao động đang lan rộng khắp nước Đức, tràn vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, như hàng không, vận tải và chăm sóc sức khỏe. Điều này sẽ tác động lớn đến thế nào đối với mức tăng trưởng vốn đã yếu kém của đầu tàu kinh tế châu Âu?

Kể từ đầu năm đến nay, Liên minh Lái tàu Đức (GDL) đã liên tục tổ chức đình công mà đi đầu trong những cuộc đình công tập thể này là những lái tàu trong lứa tuổi 30, với khoảng hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Deutsche Bahn, nhà điều hành đường sắt hàng đầu nước Đức.

Tâm trạng chung của những lái tàu này là bất mãn và mặc dù đã làm việc nhiều năm với Deutsche Bahn, họ luôn có mâu thuẫn với giới chủ nên đã tham gia nhiều cuộc đình công trong những tháng gần đây. Họ cho rằng trong khi tàu thì ngày càng nhiều nhưng nhân viên lái tàu thì lại ngày càng ít vì thế hệ trẻ không hứng thú với công việc này, đơn giản là do điều kiện làm việc không hấp dẫn.

Tình hình chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nhiều lái tàu lớn tuổi sớm nghỉ hưu. Các lái tàu cho rằng sự bất mãn hiện tại là do Deutsche Bahn không ngừng thúc đẩy năng suất gây sức ép lên lực lượng lao động.

Gánh nặng từ các ca làm việc kéo dài

Trọng tâm của vấn đề là tính chất mệt mỏi của công việc theo ca, vốn là truyền thống của ngành đường sắt. Những người lái tàu hoạt động theo lịch trình khắt khe, thường phải làm nhiều hơn thời gian làm việc chính thức 38 giờ một tuần, thậm chí có lúc lên tới 55 giờ một tuần.

 
Cách làm việc như vậy, theo họ là gây tổn hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên lái tàu. Sự căng thẳng thể hiện rõ hơn khi ngày càng có nhiều lái tàu "không chịu nổi vì kiệt sức hoặc lựa chọn công việc khác". Hậu quả không chỉ trong công việc mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống và nguyện vọng cá nhân của các lái tàu. Công việc theo ca ảnh hưởng đến đời sống xã hội, các mối quan hệ và thậm chí cả những cân nhắc về việc lập gia đình và sinh con.

GDL đang yêu cầu giảm thời gian làm việc theo ca từ 38 giờ xuống còn 35 giờ một tuần cho các nhân viên, với mức lương cao hơn và thời gian dừng nghỉ 48 giờ giữa các ca làm việc dài.

Tranh chấp lao động và nền kinh tế suy giảm

Các lái tàu trong Liên minh GDL không phải ngoại lệ trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi ở Đức hiện nay. Trên khắp đất nước, tình trạng bất ổn lao động đang gia tăng, với các cuộc đình công lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm hàng không, vận tải khu vực và chăm sóc sức khỏe. Chất xúc tác là áp lực kinh tế ngày càng gia tăng, làm trầm trọng thêm bởi lạm phát.

Với đồng lương eo hẹp, người lao động Đức giờ phải tính toán chi tiêu kỹ càng hơn, dẫn đến sự bất mãn lan rộng trong nhiều ngành nghề. Các cuộc đình công lan rộng đang gây ra những lo ngại về những tác động rộng lớn hơn đối với nền kinh tế Đức.

Nhà kinh tế học Moritz Schularik gần đây đã cảnh báo nước Đức sẽ lún sâu hơn vào khủng hoảng, trở thành cái mà ông gọi là “bảo tàng phúc lợi”.

Nhà kinh tế Clemens Fuest thì phát biểu trên đài truyền hình công cộng ARD của Đức rằng ông lo ngại làn sóng tranh chấp lao động kéo dài hiện nay có thể "làm chệch hướng con đường phục hồi của kinh tế Đức và làm xói mòn khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước này".

Nhiều đình công hơn sẽ dẫn đến năng suất lao động kém hơn?

Vấn đề về năng suất lao động càng làm phức tạp thêm tình hình hiện nay. Mặc dù các cuộc đình công chắc chắn gây ra tổn thất kinh tế nhưng tác động lên năng suất vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Theo dữ liệu do Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cung cấp, năng suất lao động ở châu Âu sụt giảm mạnh trong quý cuối cùng của năm ngoái, làm dấy lên mối lo ngại về khoảng cách năng suất ngày càng lớn với Mỹ, nơi có năng suất cao gấp đôi châu Âu.

Nhìn chung, một ngày đình công khiến nền kinh tế Đức thiệt hại khoảng 100 triệu euro (109 triệu USD), theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (IW) tại Cologne (Köln). Nhưng chuyên gia Steffen Müller thuộc Đại học Nghiên cứu Kinh tế Leibniz ở Halle, Đức, lại lưu ý rằng các thước đo năng suất lao động theo giờ vẽ nên một bức tranh nhiều sắc thái.

Ông nói: "Năng suất lao động là giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị. Vì người Mỹ thường làm việc nhiều hơn người Đức nên rõ ràng số liệu trên mỗi nhân viên ở đó cao hơn". Tuy nhiên, ông cho biết thêm, quan trọng là sản lượng được tạo ra mỗi giờ là bao nhiêu và con số này lại không có nhiều khác biệt giữa Đức và Mỹ trong hơn 30 năm qua.

Mặc dù vậy, chuyên gia Müller cũng lưu ý rằng khoảng cách năng suất giữa Đức và Mỹ thực sự đã tăng lên kể từ đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng sau cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nói: “Nền kinh tế Đức hoạt động giống như một cỗ máy được bôi dầu tốt miễn là mọi thứ không thay đổi nhanh chóng. Nhưng hiện tại, khủng hoảng này nối tiếp khủng hoảng khác và nước Đức lại không thích ứng tốt”.

Ông lưu ý rằng các cuộc đình công chưa quan trọng bằng các vấn đề về cơ cấu, chẳng hạn như giá năng lượng cao, tình trạng thiếu lao động và bộ máy quan liêu quá tải. Theo ông Müller, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức có thể tăng yếu hơn một chút so với khi không có đình công nhưng không thể tính toán một cách rõ ràng được ảnh hưởng của đình công đến nền kinh tế sẽ ở mức nào.

Đối với những người lái tàu thì suy luận đơn giản hơn nhiều. Họ cho rằng nếu điều kiện làm việc vẫn như cũ thì không ai muốn làm việc cho ngành đường sắt nữa và vì thế, khi số người về hưu tăng lên trong vài năm tới, hệ thống đường sắt chắc chắn sẽ sụp đổ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục