Làn sóng doanh nghiệp Anh tìm đến Hà Lan tăng nhanh hậu Brexit

08:00' - 22/04/2022
BNEWS Làn sóng các công ty có trụ sở tại Anh đến Hà Lan đã tăng nhanh khi doanh nghiệp nước này vật lộn với sự gián đoạn do thủ tục hải quan qua Biển Bắc.

Trong khi chính phủ Anh đang tìm kiếm các cơ hội sau Brexit (chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu - EU), thì các doanh nghiệp nước này đã tìm ra cơ hội đó: đó là làm chủ các kho hàng ở Hà Lan.

Làn sóng các công ty có trụ sở tại Anh đến Hà Lan đã tăng nhanh khi doanh nghiệp nước này vật lộn với sự gián đoạn do thủ tục hải quan qua Biển Bắc.

Theo cơ quan của chính phủ Invest in Holland (Đầu tư vào Hà Lan), từ năm 2017 đến nay, hơn 90 nhà đầu tư đã xây dựng hoặc thuê mặt bằng tại Hà Lan để phân phối sản phẩm. Chỉ tính riêng năm 2021 đã chiếm một nửa con số này. 

Trong số các nhà đầu tư này có Huboo, công ty cung cấp dịch vụ logisistics cho các nhà bán lẻ trực tuyến. Giám đốc điều hành Huboo, ông Martin Bysh, cho biết công ty đưa ra quyết đầu tư vào Hà Lan vì mất khoảng 10% doanh thu từ các khách hàng rời nước Anh đến châu Âu sau khi diễn ra Brexit.

Vương quốc Anh và EU đã đạt một thỏa thuận về thương mại miễn thuế, không hạn ngạch vào ngày 24/12/2020. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ đưa ra các biện pháp kiểm soát hải quan, an toàn thực phẩm và thuế sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài một năm.

Ông Bysh cho biết công ty không biết phải làm gì và hầu như không nhận được tư vấn từ chính phủ. Nhiều công ty nhỏ phải ngừng cung cấp cho EU do không nắm được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ, khiến họ lo ngại sẽ phạm luật.

Huboo từng tìm cách thuê một nhà kho ở Đức, song kế hoạch thất bại do dịch COVID-19 và thủ tục hành chính phức tạp. Công ty đã chuyển sang Hà Lan và đến tháng 6/2021, cơ sở của Huboo ở  Eindhoven đã đi vào hoạt động với 40 nhân viên. Ông Bysh cho hay: “Hà Lan là một nơi tuyệt vời để thành lập doanh nghiệp. Họ sẵn sàng giúp đỡ và nước này gần rất nhiều thị trường trọng điểm".

Nhà kho rộng 32.000 m2 của Huboo có hơn 300 khách hàng, bao gồm số lượng ngày càng tăng các công ty đến từ Hà Lan. Các công ty ở Anh có thể gửi và giữ các kiện hàng ở nhà kho của Huboo, thay vì phải gửi trực tiếp tới người tiêu dùng từng mặt hàng riêng lẻ với mỗi mặt hàng gửi cần một mẫu khai hải quan riêng.

Snag, công ty bán quần áo và quần tất sản xuất tại Italy  trực tuyến hồi tháng 7/2021 đã đưa ra quyết định để đáp ứng tốc độ tăng trưởng: xây dựng một trung tâm phân phối mới ở nước Anh hoặc EU, thị trường chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu bán hàng của công ty.

Giám đốc điều hành Tom Martin quyết định chọn EU. Sau khi nghiên cứu một số thị trường, Martin chọn Hà Lan và tìm được một kho hàng ở thị trấn Venlo gần biên giới Đức. Hành lang từ cảng Rotterdam ở phía Tây đến Venlo ở phía Đông có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông đưa hàng hóa đến và đi từ các kho hàng. Ông Martin cho biết Đức là thị trường EU lớn nhất của Snag và giờ đây công ty có thể giao hàng đến đó ngay ngày hôm sau.

Hà Lan từ lâu đã là một trung tâm thương mại, với cảng lớn nhất châu Âu ở Rotterdam, và tuyến đường trên sông Rhine vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Đức.

Từ năm 2017, diện tích mặt bằng nhà kho tại cảng Rotterdam đã tăng gấp đôi lên 4 triệu m2. Giám đốc phụ trách dỡ hàng, ông Danny Levenswaard cho biết nhu cầu về mặt bằng tại cảng rất lớn và Brexit là một nguyên nhân. Ngoài ra, nhiều công ty quốc tế cũng muốn có kho dự trữ hàng do gián đoạn chuỗi cung ứng gây nên bởi đại dịch.

Rotterdam, cảng ghi nhận lưu lượng hàng container cao kỷ lục 15,3 triệu TEU trong năm 2021, đã sẵn sàng cho Brexit sau khi nâng cấp hệ thống xử lý hàng hóa và cập nhật thông tin cho doanh nghiệp.

Các chủ xe tải, công ty giao nhận hàng hóa và đại lý hải quan phải đăng ký với Portbase, một công ty phi lợi nhuận, thực hiện thông quan trước tất cả hàng hóa. Kiểm tra hải quan chỉ thực hiện duy nhất với thực phẩm và động vật, hoặc khi hải quan có nghi ngờ. Giám đốc quan hệ kinh doanh Marty van Pelt cho biết, Brexit khiến khối lượng công việc của công ty tăng 20%. Ông cho biết khách hàng không phải chờ đợi quá dài. Thời gian chờ lâu nhất là bốn phút, là thời gian nhân viên hải quan quyết định liệu có phải kiểm tra hàng hay không.

Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều công ty Anh và quốc tế lựa chọn Hà Lan cũng phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có việc tuyển dụng nhân sự. Tỷ lệ thất nghiệp của Hà Lan chỉ ở mức 3,4%. Việc thuê nhân công tạm thời, vốn rất quan trọng trong thương mại điện tử khi các đơn đặt hàng tăng cao vào thời gian trước Giáng sinh cũng khó hơn.

Ở nước Anh, công nhân hầu như sẵn sàng làm việc khi được yêu cầu, song Hà Lan có phúc lợi xã hội cao hơn. Ông Martin cho biết lương cho nhân viên biên chế cao hơn 10% so với Anh, nhưng chi phí cho lao động tạm thời lại cao gấp đôi. Người sử dụng lao động ở Hà Lan cũng phải đài thọ chi phí đi lại cho nhân viên. Mặc dù vậy, ông Martin cho rằng hoạt động ở Hà Lan vẫn kinh tế hơn nhiều.

Theo ông Roos Vermeij, phụ trách kinh tế tại Hội đồng thành phố, Rotterdam đã thu hút được 40 khoản đầu tư từ các công ty hoạt động tại Anh kể từ năm 2016.

Thành phố có dịch vụ chuyển phát nhanh dành riêng cho người nước ngoài bằng tiếng Anh. Giám đốc điều hành các công ty nước ngoài được thị trưởng thành phố chào đón tại bữa tiệc trải thảm đỏ hàng năm.

Ông Bysh cho biết nhiều doanh nhân Anh hiện đã thích nghi với cơ chế giao dịch mới. Ông đã mở các trung tâm phân phối ở Tây Ban Nha và Đức và đang tìm cách mở rộng hoạt động ở Hà Lan.

Cải tiến mới nhất của Bysh là cho phép khách hàng ở Anh niêm yết hàng hóa bằng đồng euro trên Bol.com, một nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Hà Lan, chỉ bằng một cú nhấp chuột. Ông tin rằng nhiều doanh nghiệp vừa của Anh đã sẵn sàng tiếp tục xuất khẩu./.

>>Các doanh nghiệp Anh “mệt mỏi” với quy tắc hậu Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục