Doanh nghiệp Anh gặp khó do quy tắc nhập cảnh mới vào EU sau Brexit

18:27' - 28/03/2022
BNEWS Các doanh nghiệp nhỏ tại Vương quốc Anh đang gặp khó khăn, khi bị cản trở bởi các quy tắc mới phức tạp ở châu Âu hậu Brexit, trong bối cảnh các quy định hạn chế đi lại do dịch COVID-19 đã được dỡ bỏ.

Bà Netty Miles, một nhà sản xuất sự kiện tự do, cho biết, trước khi Brexit, doanh nghiệp nhỏ của bà thường xuyên tổ chức các chuyến lưu diễn hoặc triển lãm đến Brussels mà không gặp bắt cứ trở ngại nào.

 

Nhưng kể từ sau Brexit, bà Miles và nhóm kỹ thuật hiện đang phải đối mặt với hàng loạt các thủ tục phức tạp để có thể tổ chức được triển lãm tác phẩm nghệ thuật “Mặt Trời” tại Bỉ.

Để được tổ chức sự kiện tại châu Âu, bà Miles và các nhân viên cần phải xin “Thẻ chuyên nghiệp” để hoạt động ở Brussels, với yêu cầu thực hiện kiểm tra y tế bắt buộc trị giá 250 bảng Anh/người, kiểm tra hồ sơ lý lịch trị giá 100 bảng Anh/người và trải qua vòng phỏng vấn tại Đại sứ quán, với thời gian xin thị thực (visa) có thể lên đến tám tuần.

Tuy vậy, bà Miles phát hiện do tác phẩm trưng bày là sản phẩm đồng sáng tạo giữa một nghệ sĩ và một nhà khoa học năng lượng Mặt Trời, nên đoàn triển lãm có thể sử dụng quyền miễn trừ tạm thời cho phép “nghệ sĩ và trợ lý” được phép sang châu Âu làm việc mà không phải trả lệ phí.

Với việc dỡ bỏ các hạn chế của COVID-19 và việc đi công tác đến châu Âu được nối lại, các nhóm thương mại cảnh báo rằng nhiều nghìn doanh nghiệp nhỏ của Anh đang phải đối mặt với những cơn đau đầu quan liêu tương tự khi cung cấp dịch vụ của Anh tại EU.

Russell Antram, Đại diện thương mại EU tại Hiệp hội Công nghiệp Anh (CBI) cho biết, sự đa dạng của các quy tắc trên 27 quốc gia là “một thách thức thực sự đối với các doanh nghiệp lớn, chưa nói đến các doanh nghiệp nhỏ”.

Ông nói: “Khi các hạn chế về dịch COVID-19 được gỡ bỏ, sự phức tạp mà các công ty đang phải đối mặt ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Điều cần thiết là Anh và từng quốc gia thành viên EU phải đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán song phương để giảm bớt các hạn chế.”

William Bain, người đứng đầu chính sách thương mại tại Phòng Thương mại Anh, cho biết Hiệp định Thương mại và Hợp tác EU-Anh (TCA) có hơn 1.000 hạn chế đối với thương mại dịch vụ xuyên biên giới.

Ông cho biết, cần phải có các thỏa thuận song phương với từng nước thành viên EU nhưng cũng cần có sự linh hoạt ở cấp độ EU để xóa bỏ những quy tắc không rõ ràng mà người sử dụng lao động, nhân viên và nhà thầu phải đối mặt khi đi công tác ngắn ngày tại EU. Ông Bain nói thêm: “Các doanh nghiệp không thể đợi đến khi TCA đánh giá lại vào năm 2026”.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, thương mại dịch vụ của Anh với EU trị giá 121 tỷ bảng Anh mỗi năm, trong đó 13,8 tỷ bảng Anh từ các công ty có ít hơn 250 nhân viên và 9,4 tỷ bảng từ các công ty có ít hơn 50 nhân viên.

Trong TCA, công dân Anh có thể đến EU mà không cần thị thực và lưu trú đến 90 ngày trong mỗi 180 ngày. Quyết định của Liên minh châu Âu về việc áp dụng chương trình miễn thị thực điện tử kiểu Mỹ mới, hay còn gọi là ETIAS, từ tháng 01/2023 dự kiến sẽ giúp các nước EU dễ dàng theo dõi du khách và bắt bất kỳ ai ở quá hạn.

Andy Corrigan, giám đốc Viva La Visa, một công ty chuyên tư vấn về thị thực cho ngành công nghiệp âm nhạc, nói rằng một số nhà điều hành nhỏ hơn, chẳng hạn như các nhà tư vấn tự do hoặc các nhạc sĩ tự kinh doanh, đang chọn cách mạo hiểm nhập cảnh “chui” và làm việc mà không được phép. Tuy nhiên, nhiều người cũng đã phải chọn giải pháp ngừng hoạt động hoàn toàn ở EU.

Theo Deborah Annetts, giám đốc điều hành của ISM, hiệp hội chuyên nghiệp dành cho các nhạc sĩ, những lời mời cho giới nghệ sĩ Anh sang làm việc ở châu Âu đang giảm đi vì những quy tắc chắp vá hiện nay đang gây ra hoang mang trên khắp châu Âu.

Một số quốc gia như Hy Lạp và Croatia không cho miễn thị thực, nhưng một số quốc gia khác như Thụy Điển hoặc Đan Mạch cho phép miễn trừ thị thực có giới hạn thời gian, tùy thuộc vào tầm quan trọng của nghệ sĩ.

Ở một số quốc gia EU, chẳng hạn như Bỉ, các quy tắc thậm chí khác nhau giữa các khu vực. Bà Annetts bày tỏ “Chúng tôi rất cần tính di động cao hơn cho các nhạc sĩ và nhạc cụ”.

Còn đối với Craig Hellen, Giám đốc của Bexmedia, một công ty của Anh chuyên quay phim cho các đội thể thao lớn tại châu Âu, lo ngại về thủ tục giấy tờ và nguy cơ vi phạm luật EU có thể ảnh hưởng đến hướng đi trong tương lai của doanh nghiệp: “Các quy tắc mới đã thay đổi trọng tâm của chúng tôi. Chúng tôi phải đang xem xét lại chiến lược hoạt động kinh doanh tại Liên minh châu Âu”.

Đối với các công ty nhỏ phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với EU, chẳng hạn như Infinity Engineering Services, chuyên cung cấp dịch vụ phát điện tuabin khí, khó khăn là thuyết phục các khách hàng EU về các dịch vụ của công ty.

Richard Lemin, giám đốc điều hành của Infinity, cho biết công ty đã nhắm mục tiêu đến EU để giúp tăng doanh thu từ 750.000 bảng Anh lên 1 triệu bảng Anh vào năm 2022, nhưng đang phải thuyết phục khách hàng, để họ có được các tài liệu cần thiết.

Ông lo ngại rằng, với các giấy phép và thủ tục thị thực có thể lên tới tám tuần, công ty sẽ khó cạnh tranh hơn với các đối thủ lớn hơn với các văn phòng đại diện được đặt ngay tại EU.

Ông Lemin nói rủi ro lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh trong tương lai liên quan đến việc có thể mất các khách hàng hiện tại ở EU vì quy trình cấp giấy phép lao động trên toàn EU không rõ ràng hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục