Làn sóng khởi nghiệp tại Israel giảm cả về số lượng và vốn đầu tư

07:59' - 13/11/2022
BNEWS Một báo cáo của hãng tư vấn Viola Group cho thấy vốn đầu tư vào các start-up tại Israel trong quý III/2022 đã giảm mạnh 36% so với quý trước đó, xuống còn 2,8 tỷ USD.

Các số liệu cho thấy làn sóng công ty khởi nghiệp (start-up) tại Israel đang có xu hướng suy yếu sau thời gian hưởng lợi từ đại dịch COVID-19, với số lượng start-up thành lập mới cùng vốn đầu tư mạo hiểm cho các start-up đều đi xuống.

Giảm cả về số lượng và vốn đầu tư

Một báo cáo của hãng tư vấn Viola Group cho thấy vốn đầu tư vào các start-up tại Israel trong quý III/2022 đã giảm mạnh 36% so với quý trước đó, xuống còn 2,8 tỷ USD. Trong hai quý I và II, tổng lượng vốn các start-up huy động được ở các mức tương ứng 4,4 tỷ USD và 5,9 tỷ USD.

Đáng lưu ý, các thương vụ gọi vốn lớn với quy mô từ 100 triệu USD trở lên trong quý III/2022 cũng giảm mạnh 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính chung, lượng vốn đổ vào các start-up trong quý này giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm các doanh nghiệp Israel huy động được số vốn đầu tư cao kỷ lục, tổng cộng 25,6 tỷ USD. Vốn đầu tư từ các công ty và tổ chức nước ngoài giảm mạnh hơn (giảm 35%) so với nguồn vốn trong nước (giảm 29%).

Trong khi đó, Viện chính sách khởi nghiệp quốc gia Israel (SNPI) cho biết trong năm 2021 chỉ có 417 start-up được thành lập. Tính bình quân kể từ năm 2017, mỗi năm số lượng start-up thành lập mới giảm 11,3%, một xu hướng SNPI cho rằng chính phủ “không thể làm ngơ”. Theo thống kê, số lượng start-up ra đời tại Israel trong các năm qua lần lượt như sau: Năm 2014–1.030; 2015-980; 2016-1.029; 2017-960; 2018-846; 2019-763; 2020-642; 2021-417.

 

Một trong những lý do được SNPI đưa ra là sự phát triển của công nghệ trong vài năm qua khiến mỗi start-up khi ra đời thường hoạt động trong nhiều lĩnh vực cùng lúc, dẫn đến sự giảm sút về số lượng. Bên cạnh đó, các start-up còn bị cạnh tranh về nguồn lực bởi các công ty lớn khi mức lương nhân viên công nghệ tăng lên, khiến chi phí để thành lập doanh nghiệp đắt đỏ hơn.

Do đó, các start-up thành lập trong các năm 2020-2021 có số lượng nhân viên sau 1 năm đi vào hoạt động nhiều hơn 27% so với các start-up ra đời năm 2014. Tuy nhiên, tốc độ tăng về số lượng nhân viên vẫn thấp hơn so với tốc độ suy giảm về số lượng các start-up.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Israel (CBS) cũng cho thấy nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực công nghệ tại nước này đã giảm 11% trong quý III/2022 so với quý trước đó, và giảm tới 22% so với đầu năm. Cụ thể, số vị trí tuyển dụng dành cho các ứng cử viên tốt nghiệp đại học trong các mảng quản trị máy tính, điện tử, công nghiệp và cơ khí đã giảm 5% so với quý trước; trong khi nhu cầu về kỹ sư lập trình phần mềm cũng giảm 6%.

Các số liệu thống kê này phản ánh xu hướng tăng trưởng chậm lại và cắt giảm quy mô bộ máy của các công ty công nghệ tại Israel. Tính riêng tuần cuối của Tháng 10, 4 doanh nghiệp lớn bao gồm Snyk (an ninh mạng), Orcam (thiết bị cho người khiếm thị), Antidote (giải pháp chẩn đoán bệnh từ xa) và NCR (phần mềm máy tính) đã sa thải tổng cộng 400 nhân viên, trong đó Snyk cắt giảm 14% biên chế và Orcam cắt giảm 16%.

SNPI cho rằng thực tế trên đòi hỏi chính phủ Israel cần có các giải pháp khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ví dụ tăng ngân sách dành cho Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (IIA), thuộc Bộ Kinh tế Israel. Bản thân cơ quan này cũng cần nâng mức trần hỗ trợ tài chính cho các start-up, hiện đang là 10.000 NIS (gần 3.000 USD)/tháng, để đảm bảo bù đắp cho các chi phí leo thang.

Giám đốc SNPI, ông Uri Gabai nói: “Start-up là nòng cốt của lĩnh vực công nghệ cao tại Israel. Sự suy giảm số lượng start-up khiến những ai quan tâm đến lĩnh vực này đều lo ngại. Những số liệu trên cho thấy chính phủ cần có hành động nhanh chóng và phù hợp để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, thương hiệu quốc gia khởi nghiệp của Israel”.

Chấm dứt “kỷ nguyên quốc gia khởi nghiệp”?

Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 cũng là thời kỳ hoàng kim của các start-up công nghệ cao tại Israel. Thực tế này được phản ánh qua nhiều con số thống kê bởi IIA: Tổng lượng vốn gọi được cao kỷ lục, các vụ gọi vốn “khủng”, các vụ sang nhượng start-up với lợi nhuận lớn, đóng góp cho doanh thu xuất khẩu và việc làm.

Năm 2020, tổng vốn đầu tư vào các start-up đạt 11,5 tỷ USD, tăng 4 lần so với năm 2010. Các lĩnh vực an ninh mạng và tài chính công nghệ thu hút nhiều nhất, lần lượt 2,9 tỷ và 1,7 tỷ USD. Ngành y tế số cũng đạt được các mức đầu tư lớn. Ngành công nghệ cao chiếm 43% tổng doanh thu xuất khẩu (nếu trừ kim cương thì chiếm 45%).

Tuy nhiên, đó là nhờ dịch COVID-19, khi nhu cầu làm việc từ xa tăng đột xuất. Trên thực tế, đà suy giảm đầu tư cho startup tại Israel đã diễn ra trong vài năm trước đó. Trong giai đoạn 2014-2019, số lượng startup được thành lập giảm từ xấp xỉ 1.400 xuống còn 850. Trong năm 2020, số startup chỉ còn 520, bất chấp sự hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ sinh thái công nghệ đã có sự lớn mạnh trong giai đoạn trước đó.

Các start-up nhận được các điều kiện thuận lợi và chính sách ưu đãi để phát triển, bao gồm nhiều thủ tục quy định được bãi bỏ giúp cắt giảm chi phí và thời gian xin giấy phép, sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây, chính phủ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng dành cho Internet không dây, thị trường ứng dụng dành cho điện thoại di động phát triển nhanh...

Các yếu tố này đã không còn đủ hấp dẫn để kích thích làn sóng khởi nghiệp. Theo IIA, số lượng start-up suy giảm qua các năm đã dấy lên câu hỏi: “Phải chăng thời đại Quốc gia khởi nghiệp đã chấm dứt?”.

Cùng với sự giảm sút về số lượng start-up là sự suy giảm kể từ năm 2015 của các vòng gọi vốn hạt giống (seeding) thành công, quy mô nhỏ của mỗi đợt gọi vốn và số lượng nhà đầu tư tham gia. Trong khi các doanh nghiệp đã đứng vững trên thị trường liên tục nhận được nhiều khoản đầu tư lớn, thì các start-up đối mặt với nhiều khó khăn.

Số lượng nhà đầu tư tham gia vòng gọi vốn hạt giống giảm từ khoảng 1.200 trong năm 2015 xuống còn khoảng 700 trong năm 2020. Các số liệu của 2 năm gần đây chưa được cập nhật, nhưng cũng đi theo xu hướng này.

Trước thực tế trên, IIA đã phát động chương trình có tên “Hạt giống Lai” nhằm khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn vào các start-up ở ngay giai đoạn đầu, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của các start-up.

Tuy nhiên, Viola Group cho biết nguồn vốn huy động suy giảm không hẳn là tín hiệu xấu, do nhiều công ty khởi nghiệp đang tìm cách tái cơ cấu nguồn vốn và tìm kiếm các nguồn đầu tư dài hạn hơn.

Một cuộc khảo sát được thực hiện trong tháng 9/2022 đối với trên 300 giám đốc doanh nghiệp cho thấy các startup đã bớt lo lắng về việc nguồn vốn đầu tư dần eo hẹp, thay vào đó họ tập trung cho các kế hoạch dài hơi hơn cũng như tìm kiếm doanh thu trong giai đoạn đầu ra thương trường.

Những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư của các công ty kinh doanh mạo hiểm thường tập trung nhiều hơn vào các vòng gọi vốn của các start-up đã vượt qua giai đoạn “hạt giống” để chuyển sang giai đoạn tìm kiếm và mở rộng thị trường. Ngày càng có ít các vụ “bán mình” của các start-up với khoảng chục nhân viên, thu về 20-50 triệu USD như trước.

Thay vào đó, các công ty này tiếp tục gọi vốn đầu tư, thậm chí phát hành cổ phiếu ra công chúng. Thống kê cho thấy số thỏa thuận gọi vốn thành công từ 30 triệu USD trở lên đã tăng từ dưới 20 vụ của năm 2015 lên gần 100 vụ năm 2020. Đây có thể là dấu hiệu các start-up tại Israel đang có sự chuyển biến từ “lượng” sang “chất”, thay vì phát triển ồ ạt như trước./.  

>>>Yassir trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất ở Bắc Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục