Làng hoa cúc "ngóng chờ" người mua

14:14' - 19/01/2024
BNEWS Mỗi năm cứ đến những ngày này, làng hoa cúc Ninh Giang tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa lại rộn ràng trong không khí hối hả chuẩn bị cho vụ Tết.

Trong không gian của những chậu hoa cúc đang đơm bông, các nhà vườn nơi đây từng bước chăm chút từng bông hoa cúc truyền thống với hy vọng mùa hoa này sẽ mang lại niềm vui và lợi nhuận. Thế nhưng, năm nay, sự khó khăn chung của kinh tế đã khiến tình hình trở nên ảm đạm.

Làng hoa cúc Ninh Giang, nằm yên bình bên thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, không chỉ nổi tiếng với nghề trồng hoa cúc truyền thống mà còn được biết đến với sự chăm chỉ siêng năng của người dân. Công việc chăm sóc hoa cúc ở làng này được thực hiện rất tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Để hoa cúc nở đúng dịp Tết Nguyên đán, người dân thường chong đèn vào buổi tối để kích thích sự phát triển của cây.

Điều này giúp cây không ra nụ sớm và phát triển chiều cao tốt hơn. Đến tháng 11 âm lịch, bà con sẽ ngắt điện để cho cây ra nụ và chọn lọc nụ sao cho mỗi cành chỉ giữ lại một nụ, giúp hoa đẹp, đều và to hơn. Năm nay, làng hoa cúc Ninh Giang đã trồng khoảng 42.700 chậu; trong đó, chủ yếu là hoa cúc pha lê và hoa cúc đại đóa. Đường kính các chậu hoa khá đa dạng, từ 60 cm đến hơn 1m, phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.

 

Chị Nguyễn Thảo, chủ vườn hoa ở thôn Phong Phú, phường Ninh Giang cho biết, các năm trước, gia đình xuống giống khoảng 500 chậu hoa, nhưng năm nay thấy tình hình kinh tế khó khăn, nên gia đình chỉ xuống 300 chậu. Chị Thảo cho biết không dám thuê nhiều người làm, chỉ khi lên chậu hoặc khi có nhiều công việc mới dám thuê thêm nhân công. Còn lại, gia đình tự bỏ công làm lời, mong thời tiết thuận buồm xuôi gió và được giá để có tiền chi tiêu cho Tết. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có thương lái đến hỏi mua hoa. Trung bình cứ 10 hộ trồng hoa thì chỉ có 2 nhà vườn có thương lái đến đặt cọc, chị Thảo chia sẻ.

“Năm nay thời tiết thuận lợi, hoa phát triển tốt, đến ngoài 20 tháng Chạp, hoa bắt đầu bung nở, nhưng nếu không có thương lái đến mua, gia đình cũng đã tính đến phải chở đi tiêu thụ ở nơi khác", chị Thảo chia sẻ.

Khác với chị Thảo, ông Phạm Văn Tâm lạc quan hơn. Dù thấy tình hình kinh tế khó khăn, nhưng ông Tâm quyết định trồng hơn 1.000 chậu hoa cúc Tết với chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng. Loại hoa chủ yếu là cúc pha lê, loại cúc có cánh nhỏ, màu sắc tươi sáng và nở lâu. Theo ông Tâm, thời điểm này các năm trước, các thương lái thường đã đến đặt hàng, tuy nhiên năm nay rất ít khách đến xem hàng, đặt tiền.

Với hơn 1.000 chậu hoa, gia đình ông Tâm không thể tự quản lý, từ tháng 7 đến nay, ông Tâm đã thuê từ 3-5 công nhân làm việc với mức giá từ 200.000 - 300.000 đồng một ngày/người.

Theo ông Tâm, chi phí sản xuất mỗi chậu hoa ít nhất 150.000 đồng. Nếu bán được 200.000 đồng mỗi chậu, ông Tâm sẽ có lời khoảng 50.000 đồng mỗi chậu. Năm nay, ông Tâm lo lắng về tình hình thương lái chưa đến đặt cọc.

"Hiện chưa có thương lái nào đến vườn xem và mua hoa, gia đình tôi đã liên hệ với người quen ở Nha Trang để tìm mặt bằng, sẵn sàng thuê xe chở hoa vào thành phố để bán lẻ nếu không có thương lái đến mua sỉ", ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, năm trước, chậu cúc đại (có đường kính từ 1m-2m) bán được 4-5 triệu đồng mỗi cặp, nhưng năm nay dự tính chỉ bán 2 triệu đồng.

Đã trở thành thói quen hàng năm của người dân, vào tháng 7 hoặc tháng 8,  hàng trăm hộ gia đình ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, luôn háo hức tham gia vào vụ hoa Tết. Trong thời kỳ cao điểm, cả xã có hơn 300 hộ gia đình trồng hoa Tết. Nhiều gia đình dựa vào việc trồng hoa để trang trải cuộc sống và chuẩn bị cho Tết. Tuy nhiên, năm nay người dân làng hoa có tâm trạng buồn và lo lắng vì không có thương lái đến mua hoa. Không chỉ những người trồng hoa mà hàng nghìn lao động tạm thời cũng dựa vào vụ hoa Tết để kiếm sống cũng chung tâm trạng.

Chị Trần Thị Vũ chia sẻ, nhiều năm nay chị sống bằng nghề làm công cho các vườn hoa Tết. Nếu chịu khó, mỗi tháng cũng có thu nhập từ 5-6 triệu đồng. Cuối năm nhiều công việc như chăm sóc, tưới nước cho hoa, quét sơn lên chậu nên có thêm vài chục triệu để dành cho Tết.

"Năm nay, chúng tôi cũng lo lắng vì chủ vườn thua lỗ và không bán được hoa. Mong mọi sự suôn sẻ, để sang năm có nhiều người đầu tư trồng hoa, giúp chúng tôi có việc làm và thu nhập", chị Vũ bộc bạch.

Ông Huỳnh Chiếm Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Giang chia sẻ, nghề trồng hoa đã trở thành một phần không thể thiếu của địa phương và là một nét đẹp trong cuộc sống của người dân vùng này. Đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn góp phần tạo nên không khí vui tươi cho làng nghề mỗi khi Tết đến Xuân về.

Tuy nhiên, do năm trước nhiều thương lái thua lỗ và kinh tế suy thoái nên năm nay, số lượng người trồng hoa đã giảm gần 2/3, chỉ còn hơn 120 hộ với khoảng 42.700 chậu cúc các loại. Mặc dù thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh và vật tư không tăng giá, hoa rất đẹp, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có thương lái nào đến đặt hàng. Trong khi đó, thời điểm này các năm trước đã có hơn 90% nhà vườn có thương lái đến đặt cọc.

Làng hoa Ninh Giang đã được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2016 và nhận giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hoa cúc Ninh Giang" vào năm 2017. Làng này hiện có 147 hộ trồng hoa với 250 lao động và một Tổ hợp tác - liên kết sản xuất kinh doanh hoa cúc giống với 21 thành viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục