Làng nghề trước cách mạng công nghệ 4.0 - Bài 2: Hướng đi tất yếu

12:01' - 18/11/2018
BNEWS Cách mạng công nghiệp 4.0 đã góp phần tác động lớn tới sự thay đổi tư duy, nhận thức và hành động, nhất là trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại làng nghề.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại làng nghề. Ảnh minh họa: An Hiếu - TTXVN
Bởi khoa học kỹ thuật sẽ giúp doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động và bảo vệ môi trường. 
Tuy nhiên, hiện nay, các làng nghề truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, vốn, mặt bằng sản xuất, vùng nguyên liệu... Để tận dụng được lợi thế của cuộc cách mạng 4.0 đem lại, đòi hỏi các làng nghề truyền thống của Hà Nội cần định vị lại điểm xuất phát để có thể đưa ra những bước đi đúng. 
Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 58,8% tổng số làng toàn thành phố; trong đó, có 286 làng nghề đã được công nhận. Trong số đó, chủ yếu là quy tụ một số ngành nghề như: sơn mài, khảm trai, nón lá mũ, mây tre đan, tăm hương, chế biến lâm sản, mộc dân dụng, gỗ cao cấp, thêu ren, dệt may… Các làng nghề đã thu hút hàng vạn lao động thời vụ, cũng như tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn gia đình. 
Có thể nói, sự phát triển của làng nghề đã góp phần tăng nhanh sản xuất công nghiệp, đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong những năm qua, làng nghề ở Hà Nội có sự chuyển biến mạnh mẽ, gia tăng không ngừng về số lượng và giá trị sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra ngoài việc đem đến những lợi ích, thuận lợi, cơ hội nhưng cũng không kém phần khó khăn và thách thức cho các làng nghề. 
Theo khảo sát về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, có tới 12 điều khó khăn, bất lợi thách thức như: năng lực tài chính, trình độ công nghệ, hạn chế trong tiếp cận thông tin và thị trường, doanh nghiệp chưa thể tham gia chuỗi toàn cầu,… 
PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thách thức lớn nhất là làm trầm trọng hơn những bức xúc vốn có của làng nghề như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm tụt hậu, chất lượng còn thấp. Bên cạnh đó, làng nghề chưa từng trải qua đầy đủ các cuộc cách mạng 2.0, 3.0 thì việc tiếp cận cuộc cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ gặp khó khăn. 
PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc cũng chia sẻ một thực tế: “Chúng tôi đến làng nghề Đa Sỹ, dao Đa Sỹ rất tốt, nó sắc đến mức nếu cầm không cẩn thận thì sẽ tự đứt tay. Thế nhưng lại có một nhược điểm đó là bị rỉ. Như vậy, sản phẩm sẽ không cạnh tranh được với dao của Thái Lan và các nước khác”. 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do các làng nghề chưa được đầu tư thích đáng, khó khăn về nguồn vốn nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa rộng rãi. Vì vậy, các làng nghề rất cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng về mặt chính sách ưu đãi, kết nối ngân hàng, xúc tiến thương mại, đất đai... Đặc biệt, cần định vị lại điểm xuất phát của các làng nghề đang đứng ở vị trí nào trong tiến trình từ 1,2,3, 4.0 hay là 0,4? Trên cơ sở này, từ đó, mới đưa ra hướng đi phù hợp cho các làng nghề cần phát triển trong thời gian tới. 
Để làng nghề tồn tại và phát triển, ai cũng hiểu, linh hồn của các làng nghề chính là các nghệ nhân, thợ giỏi, thợ lành nghề, nhất là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Vì vậy, việc đào tạo nghề, truyền lại tinh hoa của nghề cho thế hệ sau là rất quan trọng. 
Vì vậy, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề, truyền nghề cho hàng chục nghìn lao động, tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho hàng trăm doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề, hỗ trợ làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. 
Đặc biệt, Hà Nội cũng huy động nhiều nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại hóa cho các cơ sở sản xuất. 
Cùng với những nỗ lực đó, theo ông Nguyễn Vi Khải, chuyên gia kinh tế, đối với các địa phương, cần có quy hoạch làng nghề theo hướng bền vững. “Một chủ cơ sở sản xuất gốm chia sẻ với tôi rằng, để di dời cơ sở sản xuất của ông ta ở chỗ hiện nay đến chỗ tập trung, phải mất từ 9 - 10 tỷ đồng. Như vậy, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì các làng nghề không thể chuyển đổi và đảm bảo phát triển làng nghề đồng bộ, tránh ô nhiễm môi trường được”, ông Khải nói. 
Ngoài ra, nhà nước cũng cần có chính sách trợ cấp, cải thiện môi trường kinh doanh để các làng nghề có thể tiếp cận với đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện để các làng nghề hấp thụ, tiếp thu công nghệ mới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ sản phẩm và cấp độ làng nghề. 
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề phát triển, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư cho làng nghề từ ngân sách và nguồn xã hội hóa, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm... 
Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội do cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đem lại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng cần phải trang bị cho mình kiến thức không chỉ quản trị kinh doanh mà cả công nghệ thông tin, thương mại điện tử... 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục