Tăng nguồn cung xơ PSF trong nước để nâng cao giá trị hàng dệt may Việt Nam

11:07' - 21/07/2025
BNEWS Nguồn xơ PSF của VNPoly sẽ là nguồn cung cấp xơ PSF cho các doanh nghiệp sản xuất sợi cao hơn như Phú Bài, Hòa Thọ, Phú Hưng… để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU, Hàn Quốc.
Ngành dệt may là một trong những động lực chính của toàn ngành công nghiệp. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Để tạo sự bền vững trong chuỗi cung ứng "hóa chất – xơ sợi – dệt may", hướng tới việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao giá trị gia tăng và tăng sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia (PetroVietnam) đã cùng nhau hợp tác trên nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPoly) với các đơn vị thành viên của Vinatex.    

Theo đó,  thời gian tới Vinatex sẽ sử dụng xơ polyester (PSF) của VNPoly; trong đó, Chi nhánh Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định và Tổng Công ty cổ phần Dệt May Nam Định triển khai sản xuất thử nghiệm đưa ra đánh giá sự khác biệt giữa xơ của VNPoly với các đối tác khác trên thị trường.

Sau khi sản xuất thử nghiệm có chất lượng ổn định, nguồn xơ PSF của VNPoly sẽ là nguồn cung cấp xơ PSF cho các doanh nghiệp sản xuất sợi cao hơn như Phú Bài, Hòa Thọ, Phú Hưng… để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU, Hàn Quốc.

Ông Trần Huy Thư – Tổng Giám đốc VNPoly cho biết, hiện nhu cầu về xơ polyester (PSF) tại Việt Nam tương đối lớn với 95% sản lượng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, Vinatex không chỉ là tập đoàn sản xuất dệt may lớn nhất cả nước mà ngày càng mở rộng được thị trường xuất khẩu. Do đó, việc hợp tác giữa hai bên không chỉ giúp Vinatex tăng cường nguồn nguyên liệu đầu vào từ nguồn cung trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, hướng tới việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ cho mặt hàng sợi và vải – nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng may mặc.  

Theo ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, PetroVietnam sẽ đưa vào vận vận hành toàn bộ nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ giúp gia tăng nguồn cung xơ PSF trong nước, gia tăng sức mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước, nâng cao giá trị mặt hàng dệt may khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 

"Với VNPoly chúng tôi kỳ vọng, Vinatex có thể hỗ trợ VNPoly nâng cao năng lực quản trị, có những đóng góp để VNPoly nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm đầu – cuối cho chuỗi giá trị dệt may" – ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo đó về phía VNPoly sẽ có các chính sách về giá và ưu đãi cho khách hàng của Vinatex, cùng với đó tăng cường chính sách bảo hành và sau bán hàng. Với các đơn vị thành viên của Vinatex sẽ phối hợp chặt chẽ giữa 2 bên để nâng cao chất lượng sản phẩm sợi thành phẩm cho ngành dệt nhuộm.   

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, xu hướng sản xuất các mặt hàng sợi tổng hợp ngày càng lớn; trong đó, xơ PSF là nguyên liệu quan trọng cho các mặt hàng sợi CVC, PE. 

Trước đây nhu cầu cho mặt hàng sợi tổng hợp chỉ khoảng hơn 100 nghìn tấn xơ PSF/năm thì tới năm 2025, dự kiến nhu cầu xơ PSF có thể lên tới 550.000 tấn.

Từ năm 2022 tới nay, các doanh nghiệp ngành sợi phải chuyển đổi các nhà máy sợi để chuyển đổi chạy sợi CVC, PE… thay vì chạy 100% cotton như trước đây. Do đó, nhu cầu về xơ PSF là nhu cầu thực tế của doanh nghiệp sản xuất sợi của Vinatex. Cùng với đó, với các chính sách thuế quan mới, mặt hàng sợi tổng hợp hiện nay phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, với Việt Nam do không thể sản xuất được bông, nên cần đạt được trên 50% nguồn gốc trong nước đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật từ nhà sản xuất vải. Do đó, muốn tăng doanh thu xuất khẩu thì con đường duy nhất là tăng tự động hóa, tăng cường nguồn cung nội địa…

Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Top Textiles (Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông – huyện Nghĩa Hưng) kiểm tra sản phẩm. Ảnh: TTXVN 

Ông Lê Tiến Trường chia sẻ thách thức, khi Vinatex không thể mua giá xơ cao hơn thị trường, trong khi giá bán xơ của Trung Quốc hiện nay tương đối cạnh tranh. Tới 70% sợi bán hiện nay của Vinatex giá phải cam kết "bao nhuộm", đảm bảo chất lượng nguồn sợi khi tiến hành nhuộm vải. Do đó, thời gian tới cần sự phối hợp chặt giữa (VNPoly và Vinatex) nhà cung cấp xơ với nhà sản xuất sợi, để đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ về kết cấu nhuộm của sợi sau bán hàng. 

Với những khách hàng chỉ định nguồn cung xơ, VNPoly cần có quá trình đánh giá từ bên thứ 3 để từng bước gia nhập chuỗi cung ứng. PVChem cũng tham gia là nhà cung cấp hạt nhựa tái chế cho VNPoly, đây cũng là mặt hàng có sự tăng trưởng cao trong những năm qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục