Làng nghề trước cách mạng công nghệ 4.0 - Bài 3: Giúp làng nghề cất cánh

13:15' - 18/11/2018
BNEWS Trong thời kỳ bùng nổ của thương mại điện tử, các làng nghề không chỉ bán hàng tại các cửa hàng mà còn có thể bán online.
Nghề chế biến long nhãn sấy khô tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Thương mại điện tử mở ra cơ hội cho các địa phương, giúp cho chủ thể làng nghề có thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng và có điều kiện phát triển. 
Hà Nội có 1.350 làng nghề; trong đó, có 198 làng nghề truyền thống, mặc dù sản phẩm đã có xuất khẩu ra nhiều thị trường thế giới và được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn do việc mua bán diễn ra tại làng nghề vẫn theo kiểu truyền thống. 
Trong khi đó, theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, sự phát triển của thế giới mạng và các thiết bị hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính sẽ khiến cho thị trường của các sản phẩm làng nghề mở rộng hơn rất nhiều. 
Nếu như trước đây, các làng nghề chỉ có thể phụ thuộc vào các hội chợ hay sự giới thiệu của các cơ quan nhà nước để gặp gỡ đối tác thì bây giờ có thể tìm kiếm sản phẩm của các làng nghề bằng công cụ tìm kiếm internet. Bên cạnh đó, các làng nghề có thể dễ dàng nắm bắt được nhu cầu của khách hàng dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu kỹ thuật số…. 
Năm 2016, lần đầu tiên làng nghề Đồng Kỵ ra mắt sàn thương mại điện tử đã tạo ra tiếng vang lớn. Điều này, được xem như là hướng đi mới, tạo đột phá cho các làng nghề phát triển, quảng bá thương hiệu, giao dịch. Nhưng trên thực tế cho đến nay, thương mại điện tử còn rất hạn chế ở làng nghề Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. 
Nguyên nhân là do các làng nghề vẫn chưa có hiểu biết nhiều về thương mại điện tử, cộng với sức ỳ, ngại đổi mới là một cản trở lớn khi áp dụng thương mại điện tử. Ngoài ra, sự hỗ trợ của nhà nước cho thương mại điện tử phát triển làng nghề vẫn còn hạn chế. Môi trường thương mại điện tử làng nghề cũng còn nhiều bất cập đã cộng hưởng thêm các khó khăn cho làng nghề. 
Theo PGS.TS Hoàng Đức Thân, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để đẩy mạnh thương mại điện tử tại các làng nghề, các cơ quan quản lý, Hiệp hội cần xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về thương mại điện tử để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho doanh nghiệp, người dân tại các làng nghề. Các làng nghề xuất phát từ điều kiện thực tế của mình triển khai áp dụng các giai đoạn của thương mại điện tử. Đó là thông tin, sự hiện diện qua Website, mạng nội bộ, tự động hoá giao dịch và mạng extranet- thương mại điện tử tích hợp cấp độ cao. 
Đồng thời, cần phát triển liên kết trong nội bộ làng nghề với bên ngoài trong phát triển thương mại điện tử; tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho thương mại điện tử tại các làng nghề; xây dựng môi trường thương mại điện tử hiện đại, đồng bộ. Vấn đề quan trọng là xây dựng thể chế đồng bộ cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam…. 
Theo bà Hà Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh, trong suốt 30 năm làm sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh phát triển cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Công ty hiểu ra một điều, nếu không hoàn thiện mình, không đầu tư các ứng dụng về khoa học và công nghệ thì sẽ không bước vào được thị trường. Thương mại điện tử là một kênh kinh doanh tốt mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đem lại. 
Đó là kênh thông tin nhanh nhạy, đa dạng về không gian. Thông tin thị trường đầu vào, đầu ra cho các làng nghề thông qua hệ thống tư liệu, tài liệu thứ cấp. Thương mại điện tử tiết kiệm các chi phí trong hoạt động thương mại, giúp giảm 5-10% chi phí sản xuất. 
Làng nghề với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhấn mạnh, thương mại điện tử phát triển tại các làng nghề sẽ là phương thức có ý nghĩa đột phá cho bảo tồn và phát triển làng nghề trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. 
Với những cơ hội rất rõ ràng mà cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đem lại cho các làng nghề, trong quá trình này, làng nghề muốn phát triển và vươn xa cần phải tự tái cơ cấu bền vững theo trình tự như: tái cơ cấu sản phẩm, loại bỏ các sản phẩm truyền thống hiện có của làng nghề nhưng không phù hợp với nhu cầu khách hàng. Cùng với đó là sáng tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu, muốn vậy phải đưa giá trị văn hóa vào sản phẩm. 
Bên cạnh đó, tái cơ cấu thị trường theo hướng đa dạng hóa thị trường, xác định thị trường trọng điểm, xúc tiến thương mại cho sản phẩm ngay từ khi bắt đầu sản xuất; tái cơ cấu tổ chức quản lý, tái cơ cấu tài chính. Tái cơ cấu làng nghề là sự thay đổi cần thiết, rất cơ bản và toàn diện nhằm đưa làng nghề lên một bước phát triển mới./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục