Lạng Sơn ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý phương tiện xuất nhập khẩu

18:26' - 07/09/2021
BNEWS Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch đem lại hiệu quả nhất định.

Đặc biệt, tại khu vực biên giới, cửa khẩu như cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh - nơi có lượng người và phương tiện thực hiện các thủ tục thông quan xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa lớn thì việc phòng chống dịch được các lực lượng chức năng tổ chức hiệu quả, chặt chẽ, không để dịch bệnh COVID-19 bùng phát, mất kiểm soát.

*Ứng dụng phần mềm trong quản lý phương tiện xuất nhập khẩu

Với khoảng 250 lượt xe xuất khẩu hàng hóa được thông quan mỗi ngày, việc quản lý phương tiện, lái xe trong thời điểm dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị được tỉnh Lạng Sơn chú trọng hơn bao giờ hết.

Ngoài việc quản lý y tế đơn thuần như khai báo y tế, thực hiện nguyên tắc 5K… thì phần mềm quản lý phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu đang được lực lượng biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị vận hành đã phát huy được hiệu quả rất tích cực, giúp lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ các phương tiện ra vào cửa khẩu.        

Thiếu tá Lê Văn Vương, cán bộ Trạm Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn cho biết, phần mềm quản lý phương tiện được đưa vào ứng dụng tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị từ đầu tháng 10/2017 đã cho thấy những ưu điểm vượt trội trong việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tại khu vực.

Lực lượng biên phòng không còn thực hiện ghi sổ thủ công những thông tin của các lái xe, biển số phương tiện mà tất cả dữ liệu được nhập lên hệ thống máy tính. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phần mềm phát huy rất tốt và hiệu quả trong quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, tránh việc tiếp xúc gần mà giải quyết thủ tục lại nhanh chóng.

Phần mềm có giao diện hoàn toàn bằng tiếng Việt, tiện ích, dễ sử dụng, các nội dung đăng ký đầy đủ, chi tiết theo mẫu sổ đăng ký của cấp trên quy định; phần tra cứu, tìm kiếm nhanh chóng, chính xác, đáp ứng được mọi yêu cầu tra cứu về nghiệp vụ, tiết kiệm nhân lực, giảm thời gian đăng ký, làm thủ tục…

Đặc biệt, tại cổng B2 khu vực cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đang triển khai trên hệ thống camera nhận diện biển số phương tiện, kết nối với hệ thống máy tính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tối đa công năng của phần mềm quản lý xuất nhập cảnh và phương tiện xuất nhập khẩu.

Điều này được kỳ vọng sẽ nâng cao một mức trong phòng chống dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc giữa lực lượng làm nhiệm vụ với các lái xe, đồng thời vẫn quản lý được chặt chẽ, đầy đủ mọi phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như tất cả các phương tiện qua lại khu vực.

Anh Trần Văn Đô, lái xe tỉnh Nghệ An cho biết, việc giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa được lực lượng tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị xử lý nhanh chóng.

Lái xe khi có đầy đủ giấy tờ, giấy xét nghiệm… sẽ được hướng dẫn lái phương tiện vào khu, bãi đã được lực lượng chức năng bố trí từ trước, qua đó giảm thiểu được thời gian chờ, không bị ùn ứ.

Ngoài cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, phần mềm quản lý phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu còn được triển khai ứng dụng tại các cửa khẩu như Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam…

Thượng tá Lều Minh Tiến - Phó Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, đã chỉ đạo các đồn biên phòng, các trạm biên phòng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trên khu vực biên giới cửa khẩu; đồng thời, tăng cường đầu tư về công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập cảnh.

 Phát huy hiệu quả của phần mềm quản lý phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu cũng chính ưu thế của ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa là nền móng căn bản để triển khai xây dựng cửa khẩu số.

*Chủ động quản lý lái xe đường dài

Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng là nơi có lượng xuất khẩu hoa quả tươi lớn nhất cả nước sang thị trường Trung Quốc; chính vì vậy đây cũng là nơi tập trung nhiều người ở tất cả các vùng, miền trong nước và không ngoại trừ các trường hợp đến từ vùng có dịch bệnh.

Để chủ động quản lý đội ngũ lái xe đường dài trong thời gian họ chờ thông quan hàng hóa, chính quyền huyện Văn Lãng đã xây dựng địa điểm sinh hoạt, lưu trú tạm thời.

Địa điểm chính mà huyện Văn Lãng lựa chọn xây dựng làm nơi ăn ở, lưu trú tạm thời cho lái xe đường dài thuộc xã Tân Mỹ, nằm cách cửa khẩu Tân Thanh 5km, cách xa khu dân cư, thuận tiện đường giao thông và có bãi đỗ xe rộng rãi; diện tích của cả khu vực là gần 20.000 mét vuông.

Anh Nguyễn Công Danh - lái xe tỉnh Bình Dương cho biết, anh lái xe đi qua rất nhiều tỉnh, thành, ở một địa phương khác sinh hoạt rất khó khăn, ăn uống không đảm bảo, lái xe thường tự túc nên nguy cơ dịch bệnh lây lan là không tránh khỏi. 

Đến khu vực cửa khẩu Tân Thanh, được lực lượng chức năng bố trí chỗ lưu trú tạm thời trong thời gian chờ hàng xuất khẩu, anh em lái xe đường dài cảm thấy được quan tâm, chia sẻ khó khăn; chỗ ở rất ổn định, ăn uống thoải mái, không lo dịch bệnh.

Tại đây, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt cho lái xe đường dài đều được đáp ứng tốt. Với công suất thiết kế hàng trăm giường; một phòng có diện tích khoảng 50 m2, đủ khoảng cách cho 6 người ở. 

Các phòng ở được bố trí khoảng cách hợp lý, có lối đi riêng cho từng dãy phòng; hệ thống nhà điều hành, camera quan sát khu vực, nhà tắm, nhà vệ sinh cũng được bố trí riêng cho từng phòng để tránh việc lây chéo xảy ra. Thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày được nhân viên cấp phát tận nơi, đảm bảo tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch.

Ông Phan Lạc Hoài Thanh – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cho biết, các điều kiện về vật tư, trang thiết bị và nhân lực y tế ở đây luôn đảm bảo cho các lái xe đường dài vào sinh hoạt trong khu vực.

Việc chủ động quản lý đội ngũ lái xe đường dài như vậy là cần thiết, tách nguy cơ F0 trong cộng đồng và đảm bảo tối đa điều kiện y tế khi các lái xe đường dài chở hàng hóa đến khu vực biên giới cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Ngoài khu vực trên, huyện Văn Lãng còn hoàn thiện cơ sở vật chất khu ở tập trung cho các lái xe đường dài tại khu vực Trung tâm thương mại Sài Gòn – Tân Thanh thuộc xã Tân Thanh, đảm bảo phục vụ 200 chỗ ngủ nghỉ cho lái xe. Tất cả các khu lưu trú tạm thời, khu ở tập trung đều có Ban điều hành và tổ giúp việc để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu trong quản lý, sinh hoạt.

Với nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh chặt chẽ trên khu vực biên giới, cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn./.

                                                                                                        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục