Lào Cai mở rộng phát triển ngành sản xuất dâu tằm tơ

09:30' - 30/10/2024
BNEWS UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành kế hoạch phát triển và mở rộng sản xuất ngành hàng dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Lào Cai sẽ khôi phục các diện tích sản xuất dâu tằm trên địa bàn các huyện, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của các địa phương, nâng cao chất lượng, giá trị thu nhập, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu.

Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người sản xuất, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, lựa chọn các giống dâu, tằm phù hợp với điều kiện tự nhiên của Lào Cai; huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; Chủ động sản xuất giống tằm phù hợp với địa bàn tỉnh Lào Cai và đáp ứng được nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

 
Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025: tỉnh tiếp tục khôi phục và mở rộng vùng trồng dâu tại các huyện, đến hết năm 2025, tổng diện tích đạt 85 ha (Bảo Yên lên 70 ha; Văn Bàn 7ha, Bảo Thắng 5ha, Bắc Hà 03ha); năng suất bình quân 30 tấn lá/ha; sản lượng 2.550 tấn lá tươi. Năng suất kén trung bình đạt trên 1,2  ấn/ha/năm, sản lượng kén đạt trên 102 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 15 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030: tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đạt 1.000 ha tại tại các huyện Bảo Yên 500 ha, Văn Bàn 300 ha, Bảo Thắng 100 ha, Bát Xát 50 ha, Bắc Hà 50 ha. Năng suất bình quân 32,5 tấn/ha. Sản lượng 32.500 tấn lá tươi, năng suất kén trung bình đạt trên 1,5 tấn/ha/năm, sản lượng kén toàn tỉnh năm 2030 đạt trên 1.500 tấn, giá trị thu nhập trung bình đạt trên 225 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, Lào Cai sẽ tập trung rà soát toàn bộ quỹ đất hiện có trên địa bàn để quy hoạch vùng trồng, bố trí đất sản xuất cây dâu phù hợp theo định hướng chung của tỉnh, huyện và phải đảm bảo duy trì, mở rộng quy mô diện tích. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi đất trồng các cây trồng nông nghiệp có giá trị thấp sang trồng dâu theo hướng hàng hóa đảm bảo duy trì và mở rộng quy mô diện tích trên địa bàn.

Gắn phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm với các cơ sở chế biến, tiêu thụ kén tằm. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản đặc biệt là sản phẩm kén tằm; phối hợp chặt

chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất dâu tằm từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, tổ nhóm liên kết cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên Hợp tác xã để xây dựng liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với người sản xuất. Đồng thời, tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề kỹ thuật về trồng dâu nuôi tằm, tăng cường kỹ năng nuôi tằm chất lượng cao…

Lào Cai có tiềm năng phát triển, xuất phát từ nhu cầu phát triển của thực tiễn, giai đoạn 2019-2021 một số địa phương đã tổ chức phát triển ngành trồng dâu, nuôi tằm với tổng diện tích 346,28 ha, trong đó huyện Bảo Yên 290 ha/12 xã, thị trấn; huyện Văn Bàn 40 ha/03 xã; huyện Bắc Hà 15 ha/01 xã; huyện Bảo Thắng 1,28 ha/02 xã.

Từ kết quả khả quan bước đầu, đã hình thành các liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm, mang lại thu nhập tương đối ổn định cho các hộ sản xuất. Tuy nhiên, diện tích sản xuất dâu tằm đã liên tục giảm, đến nay còn lại 35 ha (huyện Bảo Yên).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục