Lào Cai phát triển 8 ngành hàng chủ lực giá trị cao

14:28' - 19/10/2021
BNEWS Lào Cai đặc biệt chú trọng đến việc ưu tiên phát triển, hình thành các vùng sản xuất tập trung để thâm canh và gắn với chế biến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai là chuyển từ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng; trong đó, tập trung phát triển 8 ngành hàng chủ lực, tiềm năng có giá trị cao.

Để làm được điều đó, Lào Cai đặc biệt chú trọng đến việc ưu tiên phát triển, hình thành các vùng sản xuất tập trung để thâm canh và gắn với chế biến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

* Chuyển 12.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả

Trên thực tế, trong những năm qua, dù đóng góp không nhỏ trong sự tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 6%/năm, nhưng các cây trồng chủ lực của Lào Cai chưa phát huy được hết tiềm năng lợi thế để nâng cao giá trị sản xuất, mà việc thiếu vùng sản xuất tập trung là một trong những rào cản. Đối với địa bàn miền núi, vùng cao địa hình chia cắt phức tạp, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung thật sự là thách thức lớn.

Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực được Lào Cai chú trọng và quan tâm mở rộng, phát triển. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Mường Khương trồng mới gần 1.200 ha chè, bằng 172% mục tiêu, nâng tổng diện tích chè toàn huyện đến năm 2020 đạt 3.476 ha. Chỉ tính năm 2020, sản lượng chè búp tươi đạt trên 18.000 tấn, giá trị đạt trên 120 tỷ đồng.

Chè Mường Khương được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng thơm ngon đặc trưng loại chè vùng cao. Theo tính toán của người dân, nếu thâm canh tốt, mỗi ha chè cho thu nhập trung bình từ 60 - 80 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng. Tuy vậy, còn nhiều gia đình tại địa phương vẫn giữ những giống chè được trồng cách đây từ 30-40 năm, năng suất thấp do cây cỗi dần.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hà, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu (Mường Khương) có gần 2 ha chè. Trong số đó, có hơn 1 ha chè shan trồng cách đây khoảng 40 năm và hơn 1 ha chè shan trồng được 10 năm. Theo đánh giá của chị, cùng loại chè shan thì diện tích chè trồng cách đây 10 năm năng suất cao hơn hẳn so với chè được trồng cách đây 40 năm do chè lâu năm đang cỗi dần, nhiều cây bị chết dẫn tới mất khoảnh. Trước đây, do thiếu kỹ thuật tạo tán nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và quá trình thu hái. 

"Với diện tích chè già cỗi, gia đình dự định thay thế dần, trồng chè mới để tăng năng suất", chị Hà cho biết.

Cải tạo diện tích cây kém hiệu quả, tập trung thâm canh nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tiếp tục mở rộng thêm diện tích đối với nơi có điều kiện... là định hướng chung trong phát triển vùng sản xuất chè và các cây trồng chủ lực khác của Lào Cai những năm tới trong bối cảnh quỹ đất tại địa phương hạn chế.

Tỉnh ủy Lào Cai vừa ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, để hình thành các vùng sản xuất tập trung, từ nay đến năm 2030, Lào Cai sẽ thực hiện chuyển đổi 12.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Trong số đó, chuyển đổi khoảng 11.000 ha sang phát triển sản xuất hàng hóa đối với các cây trồng chủ lực dược liệu, chè, chuối dứa, quế; 1.000 ha sang các cây trồng khác, phát triển chăn nuôi.

Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 có 10.000 ha chè tập trung, sản lượng trên 93.000 tấn, giá trị 1.100 tỷ đồng; 5.000 ha dược liệu với sản lượng 28.000 tấn giá trị đạt trên 900 tỷ đồng; 5.000 ha chuối với sản lượng 70.000 tấn, giá trị trên 800 tỷ đồng; 3.000 ha dứa sản lượng trên 63.000 tấn, giá trị trên 500 tỷ đồng; 66.000 ha quế giá trị 1.800 tỷ đồng và 112.000 ha vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn rừng bền vững giá trị 1.400 tỷ đồng.

Bên cạnh các nhóm mặt hàng chủ lực, các loại cây trồng như dược liệu, cây ăn quả ôn đới, cây dâu tằm… cũng được ngành nông nghiệp Lào Cai xây dựng phương án chuyển đổi dần cơ cấu giống để phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu chế biến, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và trình độ thâm canh của mỗi địa phương.

* Phát triển công nghiệp chế biến

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 10-NQ-TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh, để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bên cạnh việc chuyển đổi đất trồng cây sang cây trồng khác có hiệu quả hơn, Lào Cai sẽ đẩy mạnh sản xuất gắn liền với chế biến.

Vài năm trở về trước, hầu hết nông sản của Lào Cai sau thu hoạch chưa được chế biến, hầu hết đóng gói nguyên quả, hoặc xuất bán sản phẩm thô cho thị trường tiêu thụ, chưa có quy trình sản xuất sản phẩm chuối an toàn để xuất khẩu hoặc chế biến tại chỗ.

Điển hình như mặt hàng cây ăn quả trên địa bàn. Sản phẩm chuối, dứa phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc; chưa hình thành liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, nên giá cả bấp bênh, thiếu bền vững.

Hình thức tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu sản xuất theo mô hình kinh tế hộ, chưa hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất thị trường. Những khó khăn trên khiến nhiều năm qua, nông dân trồng chuối, dứa của tỉnh Lào Cai luôn phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá.

Từ năm 2018 trở về đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao như: liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; liên kết tiêu thụ dược liệu; liên kết sản xuất tiêu thụ rau, hoa và liên kết trong chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Điển hình như Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2021 đã tạo nên “cú huých” cho sự thị trường dứa Mường Khương sôi động từ đầu vụ bất chấp đại dịch diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm lực nông nghiệp địa phương, đặc biệt trong giai đoạn tới khi Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Đến năm 2030, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực chiếm khoảng 65% tổng giá trị.

Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, Lào Cai sẽ tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến nông sản gắn với các vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp.

Trước mắt đến năm 2025, Lào Cai phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản và 4 nhà máy chế biến được sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chế biến và bảo quản sản phẩm nông lâm sản.

Sau năm 2025, địa phương tập trung nâng cấp, phát triển thêm các cơ sở hiện đại để tăng công suất chế biến; trong đó, tập trung một số ngành hàng chủ lực như chế biến dược liệu, chè, quế, thịt gia súc, gia cầm...

Lào Cai sẽ xây dựng các Trung tâm Logistic thực hiện các hoạt động trung chuyển, lưu kho, lưu bãi và các dịch vụ khác như làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì... kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ.

Địa điểm thực hiện lựa chọn tại các địa phương có lợi thế dọc tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cảng hàng không Sa Pa, biên giới cửa khẩu như tại xã Tân Thượng (Văn Bàn), xã Cam Cọn (Bảo Yên), xã Phong Niên, thị trấn Phố Lu Bảo Thắng), xã Bản Vược (Bát Xát), Kim Thành (thành phố Lào Cai)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục