Lào Cai: Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vẫn vứt đầy ruộng

08:55' - 17/06/2020
BNEWS Tại một số địa phương ở Lào Cai, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng vẫn chưa được thu gom, xử lý đúng cách, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường khu vực nông thôn.

Bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật là một trong những loại rác thải nguy hại, cần được xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, tại một số địa phương ở Lào Cai, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng vẫn chưa được thu gom, xử lý đúng cách, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường khu vực nông thôn.

Việc khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và các cấp chính quyền cùng đơn vị có liên quan trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp đã được các cấp, các ngành và chính quyền Lào Cai quan tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra các sản phẩm hàng hóa an toàn cho sử dụng và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, việc thu gom, vận chuyển và xử lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở một số địa phương còn thực hiện chưa tốt.

Mới đây, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức về việc thu gom vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho thấy một số vùng sản xuất của các địa phương trong tỉnh này vẫn còn tình trạng vứt bỏ bừa bãi vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng gây mất an toàn cho sản xuất nông nghiệp và ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, nhiều địa phương đã triển khai xây dựng một số bể chứa vỏ, gói thuốc bảo vệ thực vật tại vị trí thuận tiện trên cánh đồng nhưng không phải người dân nào cũng có ý thức thu gom để đúng nơi quy định.

Tại xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, mỗi thôn đều được đầu tư xây dựng một bể chứa từ nhiều năm trước. Thế nhưng, cứ sau mỗi trận mưa, mương nước ngay trước cửa nhà ông Hà Văn Lưu, thôn Bô, xã Khánh Yên Hạ luôn ngập các loại bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trôi từ nơi khác đến mắc kẹt lại.

Ông Hà Văn Lưu cho biết, bể chứa đã được xây dựng tại các cánh đồng lúc nào cũng rỗng không. Nhiều hộ dù đã được tập huấn tuyên truyền cách xử lý, thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định nhiều lần nhưng vẫn có thói quen vứt vỏ bao bì tùy tiện ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước.

Giải thích cho hành động này, người dân địa phương đưa ra lý do, các bể chứa này xây quá xa nơi canh tác của bà con, mỗi khi xong việc di chuyển mất thêm một giờ nữa để vứt rác là quá phiền phức.

“Cả thôn có một bể thì không đáp ứng được nhu cầu người dân, đặt ở vị trí nào cũng khó, chỉ thuận tiện cho một vài hộ dân có diện tích nương, ruộng xung quanh đó; những hộ có ruộng, nương ở xa sẽ rất khó để sử dụng bể thu gom này”, ông Hà Văn Lưu chia sẻ.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số thôn bản vùng cao của huyện Si Ma Cai. Ông Thào A Lừ, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện Si Ma Cai cho biết, rào cản lớn nhất trong việc chấp hành của người dân chính là vấn đề địa hình chia cắt.

Người dân vùng cao không sinh sống và sản xuất tập trung dẫn đến việc dù có bể chứa rác nhưng quãng đường di chuyển quá xa nên họ tự xử lý bằng cách đốt hoặc vứt thay vì bỏ rác vào đúng nơi quy định.

Lại có nơi, người dân dù tuân thủ quy định bỏ rác vào bể chứa nhưng bể chứa đã đầy mà chưa được vận chuyển, xử lý theo quy định về chất thải nguy hại điển hình như tại huyện vùng thấp Bảo Thắng.

Không chỉ vậy, theo báo cáo của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, qua kiểm tra, rà soát, người dân ở một số địa bàn cho tất cả các loại rác thải, vật liệu phế thải không phải là vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa gây khó khăn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Bao bì thuốc bảo vệ thực vật được liệt vào nhóm các chất thải nguy hại, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người, thậm chí, nếu đốt chung với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái. Chính vì vậy, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi thu gom phải xử lý và tiêu hủy đúng quy trình với nhiệt độ cao tại các đơn vị được cấp phép.

Để tăng cường quản lý và thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản số 975 về việc tăng cường thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Theo đó, Sở này đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn, giám sát UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn và vận chuyển bàn giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

Tại văn bản này, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai yêu cầu, đối với các bể thu gom đã đầy, các địa phương cần nhanh chóng thực hiện xử lý ngay trong tháng 6/2020. Đối với các bể chưa đầy, định kỳ hàng năm tổ chức thu gom làm 2 đợt sau các vụ sản xuất chính là vụ Xuân và vụ Mùa.

Ông Tô Mạnh Tiến cũng nhấn mạnh, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng là loại rác thải nguy hại, giá thành tiêu hủy rất cao. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thu gom cần thực hiện phân loại và có sự giám sát chặt chẽ, không để lẫn các rác thải sinh hoạt thông thường.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Lào Cai yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng tới người dân về các quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng./.

>>>Vì sao sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn thấp?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục