Vì sao sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn thấp?

18:55' - 16/06/2020
BNEWS Diện tích trồng trọt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện mới chiếm khoảng 1% tổng diện tích trồng trọt cả nước.

Tạo điều kiện đẩy mạnh sử dụng các biện pháp sinh học trong phòng trừ sinh vật gây hại là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cho nông sản Việt Nam.

Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Hội nghị phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam do Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 16/6, tại Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Việt Nam là nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, ngoài việc đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, còn xuất khẩu nông sản đến 185 quốc gia trên thế giới.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản năm 2019 đã đạt 41,3 tỷ USD. Riêng trồng trọt chiếm 50-55% giá trị hàng hóa nông lâm thủy sản và đóng góp trên 20 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu.

Giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là 3 yếu tố quyết định năng suất trồng trọt; trong đó thuốc bảo vệ thực vật đóng góp tới 30% năng suất. Tuy nhiên, phần lớn thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng là các sản phẩm hóa chất và việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong thời gian dài đã tác động tiêu cực đến sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, môi trường và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững và đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường xuất khẩu  khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc..., Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào trồng trọt.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Bảo vệ Thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, dự báo giai đoạn 2019- 2024 thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 15-17% với tổng giá trị khoảng 6,6 tỷ USD, khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ có mức tăng trưởng cao nhất, trong khi đó thuốc bảo vệ thực vật hóa học chỉ tăng 3%.

Tại Việt Nam, do yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, yêu cầu của thị trường và những thay đổi trong sản xuất chuỗi, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh vật đang tăng mạnh. Năm 2019 thị trường thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam có giá trị gần 31 triệu USD, ước tính đến năm 2024 sẽ đạt 65,7 triệu USD.

Mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong trồng trọt trên diện tích lớn đã được áp dụng ở nhiều địa phương như tại Hà Nội, Sơn La, Lâm Đồng, Tp.Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả cao. Các sản phẩm nông sản trong mô hình đạt chất lượng tốt và có giá bán cao hơn gấp 2-3 lần sản phẩm sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Đạt, diện tích trồng trọt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện mới chiếm khoảng 1% tổng diện tích trồng trọt cả nước.

Nguyên nhân là do các sản phẩm sinh học thường có phổ tác động hẹp, hiệu lực chậm hơn và không ổn định  so với hóa chất. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của thuốc bảo vệ thực vật sinh học và có thói quen thường xuyên sử dụng hóa chất để phòng trừ sinh vật gây hại.

Thêm vào đó chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn cao, các loại thuốc bảo vệ thực vật vi sinh thường khó sử dụng và bảo quản hơn các loại thuốc hóa chất. Mặt khác, việc nghiên cứu, phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn chậm hơn nhu cầu thực tế xuất hiện các loại dịch bệnh, dịch hại trong sản xuất nông nghiệp.

Để hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 20% và nâng diện tích sản xuất,  sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 3 -5% vào năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chương trình Phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam với nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng như đưa việc khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm sinh học vào chương trình khuyến nông, hướng tới nền nông nghiệp an toàn và bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thuốc bảo vệ thực vật nhấn mạnh, trong lĩnh vực trồng trọt, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là cần thiết, ước tính trên 35% sản lượng ngành trồng trọt trên thế giới hiện nay có được nhờ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Nếu không dùng các biện pháp bảo vệ thực vật thì năng suất cây ăn quả có thể giảm 78%, năng suất rau giảm 54% và ngũ cốc giảm 32%. Thuốc bảo vệ thực vật đã giúp nông dân trên toàn thế giới giảm 35-42% thiệt hại do vi sinh vật hại gây ra.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hồng, mặc dù thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng nhưng việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật lại đang là vấn đề bức xúc, gây ra những hậu quả không mong muốn.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc hóa học là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bền vững. Tuy nhiên để tăng tỷ lệ và diện tích trồng trọt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cần có giải pháp đồng bộ cả về nghiên cứu phát triển sản phẩm lẫn tiêu dùng.

Cụ thể, cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi hành vi của người sản xuất về vai trò, ý nghĩa trong ngắn hạn và lâu dài của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, phát triển các chuỗi nông sản sạch, an toàn đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải siết chặt quản lý an toàn thực phẩm, lành mạnh hóa thị trường nông sản với các sản phẩm có kiểm định chất lượng nhằm tạo động lực cho nông dân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản chất lượng cao, từ đó khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế các hóa chất độc hại.

Ngoài ra cần tăng cường phối hợp, liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, trường, viện và doanh nghiệp trong việc đầu tư, nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sản phẩm sinh học.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản thực phẩm an toàn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường trong và ngoài nước đang là một động lực và áp lực có hiệu quả khuyến khích người sản xuất sử dụng rộng rãi các phương thức sản xuất an toàn; trong đó có thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Đây là xu thế khách quan, tất yếu của thế giới và sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học phục vụ nông nghiệp an toàn, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam./.

>>>Đề xuất dừng dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục