Lao động nước ngoài tại Việt Nam phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

12:15' - 13/03/2019
BNEWS Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đang chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Nhiều đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam; trừ trường hợp người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp và người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài cũng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Từ ngày 1/1/2022, hàng tháng, người lao động đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Người sử dụng lao động hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động theo các mức: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 1/1/2022.

Người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.

Người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.

Căn cứ vào khả năng cân đối quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng vào quỹ này từ ngày 1/1/2020.

Nắm bắt đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là công dân nước ngoài

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các địa phương về hồ sơ, biểu mẫu quản lý thu; tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với từng đối tượng như người lao động đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc lần đầu và chưa được cấp mã số, người lao động đã được cấp mã số bảo hiểm xã hội, khi có thay đổi thông tin về tên, họ, mã số bảo hiểm xã hội, giới tính, quốc tịch…

Trường hợp có hồ sơ kèm theo để thay đổi thông tin, mà hồ sơ do cơ quan nước ngoài cấp, thì phải được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Quy trình thu, cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội được thực hiện như đối với đơn vị và người lao động Việt Nam cùng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Ban Thu, Ban Sổ - Thẻ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố triển khai thực hiện theo quy định; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mẫu biểu thu và mẫu sổ bảo hiểm xã hội đối với lao động là công dân nước ngoài.

Trung tâm công nghệ thông tin có trách nhiệm điều chỉnh phần mềm quản lý thu - sổ thẻ, để Bảo hiểm xã hội các địa phương tổ chức thực hiện công tác thu, quản lý thu bảo hiểm xã hội; cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội đối với lao động là công dân nước ngoài.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội hướng dẫn các đơn vị cung cấp dịch vụ kê khai hồ sơ điện tử điều chỉnh phần mềm, đảm bảo kê khai tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động là công dân nước ngoài theo quy định.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động nắm bắt, xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là công dân nước ngoài để hướng dẫn, tổ chức thực hiện; hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động là công dân nước ngoài theo đúng quy định, sử dụng mẫu biểu theo mẫu quy định bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Trường hợp đơn vị có cả lao động là người Việt Nam và lao động là công dân nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì lập thêm mã thứ hai để theo dõi, quản lý thu bảo hiểm xã hội đối với lao động là công dân nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục