Lấp lỗ hổng về chính sách trong hoạt động đầu tư
Liên quan đến việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương hay hàng loạt các vụ đại án về kinh tế bị đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy, còn nhiều kẽ hở trong hệ thống pháp luật, công tác quản lý gây bức xúc trong nhân dân. Dưới đây là những ý kiến của phóng viên TTXVN ghi nhận từ các đại biểu quốc hội và đại diện cơ quan quản lý.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Phải sớm "cắt lỗ" cho các dự án
Chính phủ đã thành lập tổ giải quyết, xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, tuy nhiên các dự án này vẫn thua lỗ kéo dài.
Do đó, để giải quyết bài toán này cần phải có những bước đi cụ thể, thẩm tra, phương án khả thi. Bởi chúng ta phải quan tâm đến giải pháp có khả năng phục hồi hay không ? Nếu như bán thì bán với giá bao nhiêu ? Có ai mua hay không ?... Tất cả đều phải tính. Nhưng tôi cho rằng, nguyên tắc là phải giải quyết dứt điểm, phải sớm cắt lỗ cho các dự án này.
Điều quan trọng hơn là, thực tế vẫn còn có thể phát sinh thêm nhiều dự án thua lỗ nữa. Do đó, Chính phủ nên đẩy nhanh quá trình xử lý các dự án thua lỗ này, minh bạch và công khai hoá. Để khi có bán, thanh lý thì các nhà đầu tư cũng biết đến các dự án thua lỗ này. Nhưng trên nguyên tắc cắt lỗ và không nên đầu tư tiếp vào các dự án thua lỗ như vậy.
Thực tế, số dự án, doanh nghiệp thua lỗ lớn không chỉ dừng lại ở con số 12 mà còn nhiều hơn nữa. Bởi hiện chúng ta vẫn còn hàng nghìn doanh nghiệp Nhà nước và rất nhiều dự án tồn đọng lâu nay.
Bên cạnh đó, trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp ta phát hiện ra các vấn đề đó một cách minh bạch. Và khi đã phát hiện ra rồi thì phải nhìn thẳng vào sự thật để từ đó chấp nhận và cắt ngay các khoản lỗ đó.
Để hạn chế tình trạng tương tự xảy ra, tôi cho rằng cần phải giảm số lượng doanh nghiệp Nhà nước, giảm các dự án do các doanh nghiệp này đầu tư bằng xã hội hoá, như vậy sẽ giảm được tình trạng các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Đặt vào cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn
Tôi cho rằng, để xảy sự việc trên thì rõ ràng, cơ chế quản lý của các tập đoàn, các doanh nghiệp Nhà nước là rất lỏng lẻo. Chính vì vậy, mới dẫn đến tình trạng làm sai, có thể có ý đồ cá nhân để trục lợi, nhưng cũng có những cách làm sai do vô thức do không am hiểu luật pháp, không hiểu được hậu quả.
Để ngăn chặn tình trạng này, có 2 giải pháp đặt ra. Thứ nhất, hiện Chính phủ đang thực hiện rất quyết liệt, tức là Nhà nước không đứng ra làm kinh tế nữa. Thực tế trên thế giới chỉ ra, Nhà nước làm kinh tế không phải là con đường hiệu quả nhất. Do đó, những lĩnh vực nào mà tư nhân làm được, tư nhân kinh doanh tốt hơn thì chúng ta chuyển giao. Còn quá trình thoái vốn nhà nước là để tránh tình trạng vừa làm kinh tế vừa kiểm soát.
Tuy nhiên, vẫn còn những khu vực, những doanh nghiệp, những lĩnh vực mà bản thân tư nhân không làm được và Nhà nước vẫn phải đứng ra đảm nhận. Tất nhiên những lĩnh vực này chỉ là hạn hẹp, không quá hấp dẫn, không có khả năng sinh ra lợi ích lớn (siêu lợi nhuận).
Do đó, cần phải đặt vào một cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn và nếu thực hiện tốt 2 giải pháp trên thì sẽ tránh được tình trạng để xảy ra các vụ án kinh tế lớn như thời gian qua. Trước hết, phải tìm ra lỗ hổng trong chính sách để có cơ chế xử lý. Mặt khác, liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát; thời gian qua chúng ta đã buông lỏng vấn đề này.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Nếu không xử lý được thì cho phá sản
Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị quyết về xử lý các dự án thua lỗ kéo dài thời gian qua và đã có 3-4 dự án quay trở lại hoạt động sản xuất, bước đầu có hiệu quả. Còn lại các doanh nghiệp khác, theo chương trình của Chính phủ từ nay đến năm 2018 phải xử lý dứt diểm.
Đây là việc cần phải làm quyết liệt vì trong khi xử lý đã có vấn đề rồi, liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực khác chứ không riêng gì lĩnh vực kinh tế. Tôi cho rằng, nếu Chính phủ làm quyết liệt thì mục tiêu đến năm 2018 sẽ xử lý xong.
Thực tế, khi một doanh nghiệp đang bị thua lỗ, lại không hoạt động sản xuất thì không có nguồn thu, trong khi đó vẫn phải trả lãi vay ngân hàng; đồng thời, nguồn lực của Nhà nước vẫn tồn đọng ở đó. Đây là một câu chuyện hết sức khó khăn trong xử lý.
Hiện Chính phủ đang có mấy phương án xử lý. Thứ nhất, nếu doanh nghiệp nào có thể phục hồi thì cho phục hồi, không thì cho cổ phần hoá, nếu không được nữa thì cho phá sản. Đây là mục tiêu và bước đi của Chính phủ là rất rõ ràng. Vấn đề là phải tổ chức thực hiện bài bàn và hiệu quả.
Năm 2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có chương trình giám sát về quản lý vốn và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất hay để đánh giá lại toàn bộ quá trình quản lý vốn tại doanh nghiệp và quá trình cổ phần hoá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Đồng bộ các giải pháp
Để giải quyết tồn đọng của 12 dự án nhằm đảm bảo hiệu quả trong quản lý và nguồn lực của nhà nước thì phải làm một cách đồng bộ. Cùng đó, đánh giá lại toàn bộ một cách hệ thống những vấn đề tồn tại, vướng mắc, những nguyên nhân và hướng giải quyết.
Vì vậy, trong năm 2016 và 2017 Chính phủ đã tập trung chỉ đạo về mặt cơ chế thành lập những Ban chỉ đạo của Chính phủ để đánh giá tổng thể, toàn diện.Mặt khác, kết hợp với kiểm tra cụ thể trên các dự án để tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, bất cập và hướng giải quyết.
Đồng thời, tiếp tục ban hành các chính sách, quy định, hướng dẫn cụ thể để giải quyết đồng bộ cả mặt hiệu quả của dự án bao gồm cả giải quyết về mặt công nghệ, thương mại để đảm bảo hiệu quả nguồn lực của Nhà nước đầu tư trong dự án này. Ngoài ra, giải quyết triệt để vi phạm pháp luật của các tổ chức và cá nhân ở các cấp,
Từ những bài học kinh nghiệm đó, chúng ta sẽ rút ra những biện pháp giải quyết nhằm ngăn chặn những vi phạm mới hoặc phát sinh những dự án mới không có hiệu quả, tương tự như vậy.
Trên thực tế, Bộ Chính trị đã nghe và cũng đã thống nhất với kiến nghị của Chính phủ là trong năm 2017 hoàn tất những việc chuẩn bị; trong đó có giải pháp cơ chế chính sách và những bước để triển khai tiến hành.
Dự kiến năm 2018 tập trung giải quyết về cơ bản những dự án tồn đọng này và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để toàn bộ tất cả các khía cạnh và lĩnh vực.
Thực tế hiện nay tiến độ đang được đảm bảo, trong số 12 dự án này có 4 dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục lại hoạt động sản xuất. Đặc biệt, các dự án này đang từng bước tiếp cận thị trường cũng như hoạt động thương mại có hiệu quả để từ đó hướng đến giải pháp bán vốn và thu hồi vốn của nhà nước.
Ngoài ra, 3 dự án khác trong lĩnh vực về xăng sinh học cũng đang có khởi động và đang tiếp tục tổ chức lại.
Dự kiến, năm 2018 sẽ hoạt động thương mại tham gia thị trường và cũng là cơ sở để giải quyết triệt để được các dự án này.
Các dự án còn lại như gang thép Thái Nguyên, thép Việt Trung cũng đang có những bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước cũng như tiếp tục giải pháp về mặt công nghệ và giải quyết những tồn tại với các nhà thầu nước ngoài và tổng thầu của nước ngoài. Đây là tiền đề để chúng ta có cơ sở giải quyết về mặt khía cạnh trong thương mại về công nghệ ở trong nước của dự án./.
- Từ khóa :
- đầu tư
- quốc hội
- đại án kinh tế
- bộ công thương
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Đồng thuận, quyết tâm cao – Nhìn từ các phiên chất vấn
22:08' - 18/11/2017
Sau 3 ngày làm việc liên tục, trách nhiệm, chiều 18/11, Quốc hội đã hoàn thành chương trình chất vấn và trả lời chất vấn.
-
Kinh tế Việt Nam
Đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Thủ tướng
18:36' - 18/11/2017
Chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn tại hội trường, giải trình nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra.
-
Kinh tế Việt Nam
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhận nhiều lời khen từ các đại biểu Quốc hội
13:32' - 17/11/2017
Sáng 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030
19:36' - 07/02/2023
Ngày 7/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị .
-
Kinh tế Việt Nam
Công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận
19:10' - 07/02/2023
Chiều 7/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm đồng chí Lê Đức Luận giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.
-
Kinh tế Việt Nam
Dự kiến mở lại 3 trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, Hòa Bình
18:42' - 07/02/2023
Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục cho tạm thời hoạt động trở lại đối với Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội và Hòa Bình.
-
Kinh tế Việt Nam
Trong quý I/2023 khởi công các gói thầu còn lại dự án cầu Rạch Miễu 2
18:10' - 07/02/2023
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hai gói còn lại là XL02 và XL03 hiện đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu và dự kiến sẽ khởi công trong quý I/2023 này khi nhận được mặt bằng.
-
Kinh tế Việt Nam
Gần 93% diện tích ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đủ nước cho gieo cấy
17:56' - 07/02/2023
Đến 16 giờ ngày 7/2, diện tích có nước để gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 462.049 ha, đạt 92,7% (tăng 3% so với ngày 6/2).
-
Kinh tế Việt Nam
Tăng tốc để khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vào 30/6
16:54' - 07/02/2023
Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua thành phố Cần Thơ đi qua 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai có tổng chiều dài 37,42km, tổng vốn đầu tư là 9.845 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Thiếu cầu đường bộ kết nối Đồng Nai và Tp. Hồ Chí Minh
16:43' - 07/02/2023
Tỉnh Đồng Nai là cửa ngõ phía Đông của Tp. Hồ Chí Minh. Để kết nối giao thông giữa 2 địa phương, các cầu đường bộ vượt sông được coi là xương sống, đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
-
Kinh tế Việt Nam
EVN tuân thủ xả nước vụ Đông Xuân năm 2022-2023 theo kế hoạch
15:45' - 07/02/2023
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đợt 1 đến nay EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tuân thủ việc xả nước theo kế hoạch đề ra.
-
Kinh tế Việt Nam
Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo cẩn trọng khi mua vé qua các kênh trung gian
14:43' - 07/02/2023
Cục Hàng không Việt Nam vừa có thông tin phản hồi về việc hành khách phải mua vé máy bay cao hơn mức giá quy định trên các đường bay nội địa