Lễ hội Bàn Vương - Nghi lễ đậm tính nhân văn của đồng bào Dao

19:52' - 15/02/2021
BNEWS Việc tổ chức lễ cúng Bàn Vương với quy mô cộng đồng như làng, bản... được thực hiện theo chu kỳ 3 năm, 12 năm hoặc tùy thuộc vào sự chỉ đạo của thầy mo trong làng.

Đát Chuối - ngọn núi thiêng của không chỉ đồng bào dân tộc Dao, xã Nga Hoàng (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) mà còn là điểm hẹn tâm linh của cộng đồng người Dao quần chẹt trong khu vực. Sau nhiều năm bị đứt quãng, năm nay, Lễ hội Bàn Vương được cộng đồng người Dao nơi đây phục dựng lại nhằm lưu giữ nguồn gốc lịch sử, văn hóa của dân tộc, thể hiện sự biết ơn với Sư Tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 tộc họ người Dao ngày nay, đồng thời, cầu nguyện Sư Tổ Bàn Vương phù hộ cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc.

Là người dân tộc Dao, Bí thư Đảng ủy xã Nga Hoàng Triệu Tiến Xuân cho biết: Thờ cúng Bàn Vương là tục lệ lâu đời, khá điển hình trong sinh hoạt của đồng bào dân tộc Dao. Đối với đồng bào Dao quần chẹt, nghi thức này được thực hiện trong các nghi lễ như: Lễ Tết nhảy, Lễ cấp sắc, Lễ tạ mộ tổ… nhưng ở quy mô gia đình, dòng họ và chỉ là nghi thức kết hợp.

Việc tổ chức lễ cúng Bàn Vương với quy mô cộng đồng như làng, bản... được thực hiện theo chu kỳ 3 năm, 12 năm hoặc tùy thuộc vào sự chỉ đạo của thầy mo trong làng. Tuy nhiên, từ khi “hạ sơn” về dưới chân núi Đát Chuối và lập làng người Dao ở xã Nga Hoàng đến nay, đây là lần đầu tiên, Lễ cúng Bàn Vương được phục dựng và tổ chức, với sự tham gia của các họ người Dao tại xã Nga Hoàng, của đông đảo các họ người Dao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các huyện lân cận của tỉnh Yên Bái.

Lễ hội kéo dài trong một ngày một đêm. Vào đầu giờ chiều, khi lễ dâng hương đang chuẩn bị cũng là lúc dân bản tụ về rất đông. Họ náo nức muốn chứng kiến nghi lễ thiêng liêng của cộng đồng.

Cụ ông Triệu Văn An năm nay 87 tuổi, ở khu Đồng Dứa, xã Nga Hoàng cho biết: “Hàng trăm năm sống du canh, du cư qua những ngọn núi từ Yên Lập, Phú Thọ sang huyện Văn Chấn, huyện Trấn Yên của tỉnh Yên Bái, đến những năm 1950 - 1960, người Dao mới “hạ sơn” về Nga Hoàng dựng nghiệp, sau đó chia về nhiều nơi lập bản, lập xã. Từ đó đến nay, đây là lần đầu tiên, Lễ cúng Bàn Vương với quy mô cộng đồng được phục dựng và tổ chức.

Đặc biệt, để tổ chức được Lễ cúng Bàn Vương, khâu chuẩn bị nhiều khi phải bắt đầu từ năm trước, với đồ lễ gồm: 3 con lợn (mỗi con 80 kg trở lên), 2 đôi gà, 4 kg măng khô, 4-5 con Sóc sấy khô (hoặc tươi)... và lương thực, thực phẩm đảm bảo cho cả bản trong thời gian diễn ra lễ hội”.

Trước đây, đàn cúng tế Bàn Vương được lập bằng sàn tre, gỗ ở nơi trung tâm làng, bản có địa thế đẹp, cao nhưng phẳng rộng, bảo đảm các yếu tố phong thủy. Nay đàn cúng được đặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào người Dao dưới chân núi Đát Chuối. Trên đàn tế được treo kín các bức tranh thờ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều bức tranh thể hiện triết lý về mối quan hệ giữa cuộc sống của con người với vạn vật trong vũ trụ.

Lễ cúng Bàn Vương có các nghi lễ gồm: Khai đàn, Thượng đồng, mời Ngọc Hoàng xuống chứng giám, chiêu Binh, chiêu Lương… và lễ cúng tạ ơn Bàn Vương đã phù hộ cho người Dao luôn được bình yên, không bị giặc dã, bệnh dịch... hoành hành và làm ăn phát triển. Điểm nhấn của lễ cúng là nghi thức thổi tù và mời Ngọc Hoàng xuống chứng giám vào lúc nửa đêm và nghi thức nghênh đón Bàn Vương xuống đàn.

Sau những bài cúng, bốn thiếu niên nam và 4 thiếu nữ cùng với Bà hát ra cửa, hát những bài ca cúng để nhờ thần linh, thổ địa nghênh đón Bàn Vương xuống đàn, nhận lễ vật của con cháu dâng lên. Xen kẽ những bài cúng, nghi thức dâng hương là những điệu múa kiếm, múa chuông đặc sắc, tái hiện lại tiểu sử của Bàn Vương năm xưa như vóc dáng, cách hái lượm săn bắn... Trong đó, có sự đan xen, hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo, thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới.

Khi tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn réo lên, những bóng áo thêu rồng, phượng bắt đầu nhảy theo nhịp, chân tay kết hợp nhịp nhàng nghiêng qua trái, qua phải rồi quỳ xuống dâng hương… Nghi lễ này kéo dài khoảng ba mươi phút và cứ khoảng ba mươi phút lại lặp đi, lặp lại như vậy, thể hiện ý chí, sức mạnh sinh tồn của người xưa, vừa để nhắc nhở con cháu ngày nay cần cù, chịu khó làm ăn.

Với vốn kiến thức lớn về phong tục tập quán của người Dao, ông Phùng Sinh Thịnh, một trong những người có nhiều đóng góp trong việc phục dựng Lễ cúng Bàn Vương, hiện ở bản Dao núi Đù, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập cho biết: Thờ cúng Bàn Vương là sự tri ân, báo hiếu đến thủy Tổ của người Dao đã khai sinh ra các dòng họ người Dao tồn tại và phát triển đến ngày nay. Với quan niệm và cách thức tổ chức nghi lễ như trên, có thể nói, lễ cúng Bàn Vương là nghi lễ mang đậm tính nhân văn. Nó hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội, tổ tiên linh thiêng, đầy sức mạnh bảo vệ cuộc sống.

Đồng thời, nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản, tạo nên sức mạnh để tồn tại và phát triển. Đây cũng là một lễ hội mang tính cộng đồng rất cao. Xen kẽ các nghi thức cúng tế,  mọi người cùng trình diễn các điệu múa chuông, múa kiếm -  điệu múa phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao, tái hiện lại hoạt động sản xuất, sinh hoạt từ thời xa xưa của cộng đồng người Dao.

Cùng trải nghiệm Lễ cúng Bàn Vương, chị Nguyễn Thu Hảo, công tác tại Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Tôi đã được đi rất nhiều nơi và trải nghiệm rất nhiều lễ hội nhưng Lễ hội Bàn Vương đã cho tôi những trải nghiệm khác hẳn so với trước đây. Dù là lễ hội của dân tộc Dao nhưng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, đặc biệt là được những người già của bản Dao giới thiệu, thuyết minh đầy đủ nên tôi hiểu nội dung mà lễ hội truyền tải tới người xem.

Được tham gia bảo tồn nhiều lễ hội, trong đó có bảo tồn, xây dựng hồ sơ Di sản quốc gia: Lễ cấp sắc của người Dao núi Đù xã Xuân Thủy, Tết nhảy của người Dao quần chẹt xã Nga Hoàng… nhưng Lễ cúng Bàn Vương để lại cho tôi nhiều ấn tượng, cảm xúc nhất, đặc biệt là tính nhân văn và tính cộng đồng của lễ hội. Nếu địa phương tiếp tục xây dựng và duy trì được lễ hội này cùng những lễ hội đặc sắc khác của các dân tộc trên địa bàn, đây chắc chắn là một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của Phú Thọ”.

Bên những con đường bê tông chạy quanh cộng đồng người Dao dưới chân núi Đát Chuối là màu tươi mới của những rừng quế, vườn cam, vườn bưởi và những căn nhà mới. Tin rằng, Lễ hội Bàn Vương vừa được phụng dựng và tổ chức thành công sẽ trở thành một trong những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao nói chung, bởi đó là dịp để mọi người tưởng nhớ về tổ tiên cội nguồn là Bàn Vương - vị anh hùng dân tộc đã giúp cho người Dao sống bình an, thịnh vượng, đoàn kết với cộng đồng để cùng tồn tại và phát triển.

Đồng thời, Lễ hội Bàn Vương còn có ý nghĩa giáo dục nhân dân sống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, luôn ý thức vươn lên khắc phục khó khăn để làm chủ cuộc sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục