Lễ hội “Hương sắc trà Xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương”
Lễ hội “Hương sắc trà Xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” là hoạt động thường niên được xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên tổ chức với ý nghĩa tôn vinh cây chè và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của cây chè tới đông đảo du khách thập phương trong và ngoài nước.
Xã Tân Cương nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 12km, được thành lập từ năm 1926, với đặc điểm là vùng đất bán sơn địa, chủ yếu là những gò đồi dạng bát úp, có độ dốc vừa phải, rất thích hợp với việc trồng các loại cây hoa màu, cây công nghiệp, đặc biệt là cây chè. Không ai nhớ nổi quãng thời gian mà cây chè xuất hiện ở Tân Cương, chỉ biết rằng, cây chè đã gắn bó với các thế hệ người dân nơi đây từ thuở mới thành lập xã.
Theo người dân trong xã kể lại, người có công khai phá mảnh đất Tân Cương, đồng thời là người có công đầu trong việc trồng và phát triển cây chè tại xã là ông Vũ Văn Hiệt, người dân thường gọi là ông Đội Năm. Ông sinh năm 1883 tại xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông đã có công lớn khai khẩn đất hoang, gây dựng cây chè trên vùng đất mới nên người dân Tân Cương coi ông là ông Tổ của nghề trồng và chế biến chè Tân Cương.
Thiên thời, địa lợi khi Tân Cương được thiên nhiên ban tặng khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây chè, cộng với bàn tay khéo léo, sự cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây đã tạo nên hương vị đặc trưng, riêng có mà không nơi nào sánh được của sản phẩm trà Tân Cương.
Năm 1930 là dấu mốc quan trọng khi ông Đội Năm cho mở hiệu bán buôn, bán lẻ sản phẩm trà tại khu vực thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên). Ông đã lấy thương hiệu riêng cho trà Tân Cương với tên gọi “Trà Cánh Hạc”. Thương hiệu này đã nổi danh khắp mọi vùng, miền trong cả nước, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cây chè Tân Cương. Cây chè trở thành cây kinh tế chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo và là nguồn thu nhập chính của nhân dân và kinh tế địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết, để tôn vinh nghề truyền thống của người dân nơi đây, đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ cho người trồng, chế biến chè và những người uống trà, yêu thích trà, hằng năm, cứ vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội “Hương sắc trà Xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” lại được tổ chức để đón du khách gần xa đến trẩy hội và trải nghiệm.
Năm nay là năm thứ 19 lễ hội được tổ chức với ý nghĩa quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà Tân Cương, xúc tiến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và thu hút đầu tư, đưa thương hiệu trà Tân Cương ngày càng phát triển lớn mạnh, tự tin vươn ra thế giới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Đàm Văn Tiến, 70 tuổi, du khách đến từ tỉnh Ninh Bình cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia lễ hội. Được uống chè Thái Nguyên từ nhiều năm nay, song hôm nay được thưởng thức chén trà tại chính mảnh đất Tân Cương, tôi cảm thấy hương vị của trà dường như thơm hơn, đậm hơn bởi tình đất và người Tân Cương như hòa quyện vào với nhau tạo nên cảm giác thật khó quên”.
Bạn trẻ Trần Nhật Anh, 20 tuổi đến từ Hà Nội cảm nhận: “Trà Tân Cương càng uống càng thấy ngon với hương vị thật đặc biệt. Đến với lễ hội, ngoài việc được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, thế hệ trẻ còn được hiểu hơn về giá trị lịch sử của cây chè và những ưu thế mà chè mang lại cho người dân nơi đây”.
Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp…, người dân Tân Cương đã được hỗ trợ về cây giống, phân bón, các loại máy móc sao sấy, đóng gói, bảo quản..., được tập huấn, hướng dẫn về phương pháp trồng, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất chè ngày càng phát triển. Sản phẩm trà của Tân Cương đã đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và người tiêu dùng trong, ngoài nước đặc biệt tin dùng. Với nguồn gốc xuất xứ và chất lượng rõ ràng, năm 2006, sản phẩm trà của xã Tân Cương đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.
Ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Cương vui mừng cho biết, toàn xã hiện có gần 400 ha chè với tổng sản lượng đạt trên 1.000 tấn chè búp khô/năm. Giá trị thu được trên 1 ha chè đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Thu nhập từ chè hằng năm đã chiếm trên 70% tổng thu nhập của nhân dân trong toàn xã. Trong tổng số 12 hợp tác xã và nhiều tổ hợp tác được thành lập, đã có 6 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao. Cây chè thực sự đã mang lại no ấm, hạnh phúc cho người dân Tân Cương./.
- Từ khóa :
- chè đặc sản Tân Cương
- chè Tân Cương
- Thái Nguyên
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Đầu Xuân mới, tour lễ hội Xuân lên ngôi
08:34' - 27/01/2023
Trong bối cảnh, các lễ hội bắt đầu được tổ chức trở lại với quy mô lớn, du lịch xuân năm nay ghi nhận sự lên ngôi của tour du lịch tâm linh ngắn ngày với đoàn khách đi theo nhóm gia đình, công ty.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế & Xã hội
Bình Dương xúc tiến đầu tư công nghệ cao và chuyển đổi xanh
17:50'
Bình Dương luôn đồng hành và cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo.
-
Kinh tế & Xã hội
Cận cảnh công nhân lao động trong hầm lò
17:00'
Các đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tập trung nguồn lực, thiết bị máy móc đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành, vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
-
Kinh tế & Xã hội
Các bước thực hiện một cuộc đấu giá biển số xe
17:00'
Giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, ba năm tăng một lần tính từ ngày 01/01/2025, mỗi lần tăng 5 triệu đồng.
-
Kinh tế & Xã hội
Điều kiện xe cơ giới nước ngoài và người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam
16:59'
Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
-
Kinh tế & Xã hội
Người Việt mất đến 18.900 tỷ đồng trong năm 2024 vì lừa đảo trực tuyến
15:46'
Theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.
-
Kinh tế & Xã hội
Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Tập trung hoàn tất đăng ký cho tàu cá "3 không" trước 31/12
15:12'
Theo công bố của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có 2.804 tàu cá thuộc diện "3 không". Tính đến ngày 13/12, toàn tỉnh đã cấp đăng ký được 2.431 tàu cá.
-
Kinh tế & Xã hội
Nông dân chủ động phòng, chống rét cho "đầu cơ nghiệp"
15:09'
Các hộ chăn nuôi đại gia súc ở Sa Pa, Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai... tùy theo điều kiện và vị trí nuôi nhốt đã chủ động, linh hoạt lựa chọn biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn.
-
Kinh tế & Xã hội
Người dân vùng trọng điểm cà phê "nóng ruột" vì mưa bất thường
11:53'
Trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục có mưa bất thường khiến người trồng cà phê đứng ngồi không yên, đặc biệt đang trong giai đoạn cao điểm thu hoạch niên vụ 2024 như hiện nay.
-
Kinh tế & Xã hội
Lần đầu tiên tổ chức Festival nghề muối Việt Nam
11:21'
Từ ngày 6 - 8/3/2025, tại Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người”.