Le Monde: Rủi ro lớn trong “bức tranh hạnh phúc” của nước Mỹ

05:30' - 10/11/2024
BNEWS Trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong điều kiện tốt như hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có thể giữ được như vậy sau khi ông chính thức quay lại Nhà Trắng hay không.
Theo báo Le Monde (Pháp), việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump áp thuế hải quan từ 10 - 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, cũng như triển khai chính sách nhập cư quá nghiêm ngặt như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, có thể giáng một đòn vào kinh tế Mỹ vốn đang trong thể trạng rất tốt.

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong điều kiện tốt như hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có thể giữ được như vậy sau khi ông chính thức quay lại Nhà Trắng hay không. Hiện tại, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Mỹ là khoảng 3%, chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp đang tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ, đồng thời lạm phát đang tiến gần về mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Theo Le Monde, rủi ro lớn trong “bức tranh hạnh phúc” này là ông Trump sẽ giữ đúng lời hứa tranh cử cùng với những cam kết khác: tăng thuế hải quan, hạn chế triệt để tình trạng nhập cư, chấm dứt vị thế độc lập của Fed. Tuy nhiên, rất có thể mọi thứ sẽ thay đổi. Có thể, những phản ứng của thị trường chứng khoán sẽ ngay lập tức khiến ông Trump nhận ra rằng đó không phải là một ý kiến hay.

 
Nhưng cũng không thể loại trừ khả năng ông Trump sẽ thực hiện phần lớn hoặc thậm chí hoàn toàn giữ đúng những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Ông chắc chắn có đủ quyền lực để đơn phương áp đặt mức thuế hải quan tăng ít nhất 60% đối với hàng hóa Trung Quốc như đã tuyên bố. Mức thuế quan này sẽ đẩy nhanh quá trình tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chính sách nhập cư của ông Trump cũng có thể gây ra mối nguy hiểm lớn hơn cho nền kinh tế Mỹ. Dòng người di cư trong những năm gần đây đã đóng góp phần lớn cho tăng trưởng, việc làm và giảm lạm phát ở nước này. Nếu ông Trump thực hiện chính sách nhập cư như đã cam kết, đó sẽ là dấu chấm hết cho bức tranh kinh tế lạc quan hiện có. Và nếu ông đi xa đến mức trục xuất hàng triệu người di cư khỏi đất nước như đã tuyên bố, điều đó sẽ gây phản tác dụng đối với tăng trưởng kinh tế.

Đôi khi ông Trump nói rằng ông hoàn toàn tôn trọng sự độc lập của Fed, nhưng cũng có lúc ông thể hiện mong muốn có tiếng nói trong các quyết định của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ này. Nhưng cấu trúc của Fed không cho phép ông làm vậy. Các quyết định về chính sách tiền tệ được đưa ra bởi một ủy ban gồm 12 người. Ông Trump chỉ có thể bổ nhiệm hai trong số các thành viên của ủy ban, bao gồm vị trí Chủ tịch. Nếu cố bổ nhiệm một nhân vật cấp tiến và mang nặng đầu óc đảng phái vào vị trí hết sức quan trọng này, ông sẽ có nguy cơ không được Thượng viện chấp thuận và trong trường hợp đó, ông cũng sẽ khó giành được sự ủng hộ của những người còn lại trong ủy ban.

Vấn đề cuối cùng là thâm hụt ngân sách. Hiện tại, Mỹ đang thâm hụt ngân sách hơn 6% GDP, bất chấp "sức khỏe" nền kinh tế tuyệt vời và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Những đề xuất của ông Trump có thể gây tăng thâm hụt gần 8.000 tỷ USD. Theo diễn biến của bầu cử, nhiều khả năng đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Dựa trên thống kê lịch sử, cứ mỗi lần điều này xảy ra trong suốt 45 năm qua, Tổng thống của đảng Cộng hòa lại giảm thuế - rất ít khả năng ông Trump sẽ là một ngoại lệ đối với quy tắc này.

Kết quả của những cam kết được thực hiện là lãi suất sẽ tăng và lạm phát đi lên, đồng USD sẽ mạnh hơn và tăng trưởng sẽ yếu hơn. Câu hỏi cấp thiết được đặt ra là liệu những xu hướng này sẽ bị hạn chế (bởi ông Trump sẽ tính đến các phản ứng của thị trường tài chính) hay liệu chúng trở nên nặng nề hơn.

Trong bối cảnh này, phần còn lại của thế giới sẽ phải hành động để ứng phó với sự suy giảm của hoạt động kinh tế và tình trạng thiếu sự lãnh đạo trong nền kinh tế toàn cầu. Thêm một lý do nữa để châu Âu tăng cường sự thống nhất và thực hiện các biện pháp như những khuyến nghị trong báo cáo mà cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã đưa ra, để tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo Le Monde, trong một thời gian nhất định, các chính sách của ông Trump có thể sẽ làm thay đổi kinh tế Mỹ và khiến kinh tế toàn cầu bị phân mảnh hơn nữa.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục