LHQ kêu gọi các nước có hành động thiết thực với các cam kết giảm khí thải

18:11' - 12/11/2021
BNEWS Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo những cam kết về cắt giảm lượng khí thải sẽ chỉ là những "cam kết suông" nếu các nước vẫn tiếp tục đầu tư vào dầu mỏ, khí đốt và than đá.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, đang cố gắng đạt được tiến bộ trong việc thực hiện mục tiêu đề ra nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên của Trái Đất.

Phát biểu tại hội nghị vào ngày 11/11 (giờ địa phương), Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nêu rõ cam kết tuy đáng khích lệ, song sẽ là không thực tế khi ngành nhiên liệu hóa thạch vẫn nhận hàng nghìn tỷ USD trợ cấp.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma cũng cảnh báo rằng không còn nhiều thời gian để đạt được một thỏa thuận trước khi hội nghị này kết thúc vào chiều 12/11.

Hội nghị COP26 diễn ra từ 31/10 đến 12/11, được coi là cơ hội để đoàn kết cả thế giới trong nỗ lực thực hiện cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hội nghị đã đạt được thành công nhất định khi có nhiều nước ký cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với một loạt thỏa thuận riêng rẽ về loại bỏ các nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường như than đá, chấm dứt các hoạt động đầu tư cho ngành nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm khí thải methane...

Tuy nhiên, hội nghị vẫn chưa giải quyết được những vấn đề như cách thức hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương để thúc đẩy kinh tế "Xanh" và sẵn sàng ứng phó với các cú sốc trong tương lai. Bên cạnh đó, các quốc gia tham dự hội nghị vẫn đang thảo luận các quy định về tính minh bạch, báo cáo chung về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và thị trường carbon.

Theo các nguồn tin thân cận với hội nghị, vấn đề gây tranh cãi là từ ngữ trong dự thảo văn kiện nhằm thúc đẩy loại bỏ than đá và trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, trong khi các nước chịu tác động của thiên tai, đang yêu cầu các nước phát thải giàu có "bồi thường vì những thiệt hại và mất mát do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, điểm mấu chốt chính là tham vọng của các nước trong lập kế hoạch giảm khí thải carbon với tốc độ nhanh để tránh tình trạng ấm lên nguy hiểm của Trái Đất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục