Lịch sử và những con số ấn tượng về các giải Nobel

06:25' - 03/10/2016
BNEWS Giải Nobel đã trở thành sự kiện được cả thế giới mong đợi mỗi dịp tháng 10 tới. Hãy cùng BNEWS điểm lại lịch sử và những con số ấn tượng về các giải Nobel đã được trao!
Nhà khoa học Alfred Nobel (1833-1896), người đã sáng lập ra giải Nobel. Ảnh: biography.com

Vào tháng 10 hàng năm, Hội đồng Giám khảo giải Nobel công bố các giải thưởng Nobel dành cho những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực: Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế và Hòa bình.

Sau 115 năm lịch sử kể từ lần trao giải đầu tiên năm 1901, đến nay đã có 870 cá nhân và 26 tổ chức vinh dự được nhận giải thưởng danh giá này. Giải Nobel đã trở thành tấm gương phản chiếu lịch sử tiến bộ cũng như những thành tựu vĩ đại của nhân loại trong các lĩnh vực quan trọng nhất.

Lịch sử giải Nobel

Giải thưởng Nobel, hay giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực: Vật lý, Hoá học, Y học, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức.

Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel (1833-1896), người đã sáng lập ra giải Nobel.

Giải Nobel về các lĩnh vực thường được công bố vào tháng 10 hàng năm và được trao (bao gồm tiền thưởng với mỗi giải trị giá 1,1 triệu USD, một huy chương vàng chạm hình Alfred Nobel và một giấy chứng nhận) vào ngày 10-12 hàng năm (đúng vào dịp kỷ niệm ngày mất của Alfred Nobel).

Một giải Nobel được trao cho tối đa 3 người. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận, số tiền thưởng sẽ được trả vào quỹ.

Giải Nobel được thừa nhận rộng rãi như là giải thưởng danh giá nhất một người có thể nhận được trong lĩnh vực được trao. Lễ trao giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế được tiến hành tại Stockholm, Thụy Điển và lễ trao giải Nobel Hòa bình diễn ra tại Oslo, Na Uy.

Quy chế giải Nobel

Theo quy định của Ủy ban Nobel, những thông tin liên quan đến quá trình xét tặng giải Nobel được giữ kín trong vòng 50 năm. Nhiệm kỳ của giám khảo là 4 năm.

- Giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế: Do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định.

- Giải Nobel Y học: Do Ủy ban Nobel của Viện Carolin (được thành lập năm 1810) quyết định.

- Giải Nobel Hòa bình: Do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.

Quá trình xét tặng giải Nobel được giữ kín trong vòng 50 năm. Ảnh: iaskracker.com

Vào tháng 9 của năm, trước khi trao giải, Ủy ban Nobel bí mật gửi mẫu đề cử cho 3.000 chuyên gia là những người từng được nhận giải Nobel, thành viên của đơn vị trao thưởng, các chuyên gia trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Y học, các giáo sư đầu ngành của nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới.

Tháng 2 của năm trao giải là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ. Ủy ban Nobel sẽ sàng lọc và lựa ra các ứng cử viên. Sau đó, hội đồng chọn ra khoảng từ 250-350 người lọt vào vòng tiếp.

Từ tháng 3 đến tháng 5, các chuyên gia đánh giá công trình của các ứng cử viên, sau đó Ủy ban Nobel tiến cử người đạt giải để Viện Hàn lâm chọn trên đa số phiếu bầu.

Tháng 6 đến tháng 8, Ủy ban Nobel tập hợp các báo cáo có kèm theo danh sách tiến cử gửi cho Viện Hàn lâm. Bản báo cáo này được các thành viên hội đồng cùng ký tên.

Vào đầu tháng 10, Viện Hàn lâm chọn ra người đoạt giải dựa trên đa số phiếu bầu. Đây là lựa chọn cuối cùng hầu như không có sự thay đổi nào khác, sau đó chính thức công bố tên người đoạt giải. Việc bỏ phiếu để chọn ra người đoạt giải Nobel được giữ bí mật đến giờ chót.

Hàng năm, trước ngày 15-11, Ban tổ chức sẽ phải công bố danh sách những người được nhận phần thưởng cao quý này.

Những con số ấn tượng về các giải Nobel

- Kể từ năm 1901 khi giải Nobel đầu tiên được trao, đến nay đã có 820 nam giới và 50 phụ nữ được vinh danh.

- Độ tuổi trung bình của những người đoạt giải Nobel trên tấc cả các lĩnh vực là 59 tuổi.

Độ tuổi trung bình của những người đoạt giải Nobel trên tấc cả các lĩnh vực là 59 tuổi. Ảnh: japantimes.co.jp

- Người giành giải Nobel cao tuổi nhất là nhà khoa học Mỹ gốc Nga Leonid Hurwicz. Ông được trao giải Nobel Kinh tế vào tháng 10-2007, khi đã 90 tuổi. Chưa đầy một năm sau niềm vinh dự lớn lao ấy, ông qua đời vào tháng 6-2008.

- Năm 2007, nữ tác giả người Anh Doris Lessing trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất giành giải Nobel Văn học, khi đã 87 tuổi.

- Người trẻ nhất vinh dự nhận giải Nobel là Malala Yousafzai, một thiếu niên 17 tuổi mang quốc tịch Pakistan, giành giải Nobel Hòa bình vào năm 2014.

- Nhà khoa học Marie Curie là người phụ nữ duy nhất được trao 2 giải Nobel, đó là Giải Nobel Vật lý năm 1903 và giải Nobel Hóa học năm 1911.

- Có sáu cặp cha và con trai, một cặp cha và con gái cùng một cặp mẹ và con gái cùng đoạt giải thưởng Nobel danh giá này. Bên cạnh đó có 5 cặp vợ chồng cùng đoạt giải Nobel.

Danh hiệu “Gia đình Nobel” giành giải Nobel Hóa học thuộc về nhà Curie gồm: vợ chồng Pierre-Marie Curie và con gái Irène Joliot Curie cùng con rể của họ là Frédéric Joliot.

- Giải Nobel Hòa bình năm 2014 có con số kỷ lục 278 đề cử./. 

>>> Giải Nobel Kinh tế 2015 thuộc về Giáo sư Angus Deaton

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục