Liên kết đánh bắt xa bờ - Bài 2: Rào cản do đâu?

06:29' - 22/09/2016
BNEWS Việc thiếu những chiếc tàu trong tổ đội làm chức năng vận chuyển sản phẩm vào bờ là do ngư dân vẫn có tâm lý nghi ngại, sợ bị lấy bớt hoặc đánh tráo hải sản.
Còn nhiều vướng mắc trong các mô hình liên kết đánh bắt xa bờ. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Mặc dù đã có những hiệu quả nhất định, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình hình thành liên kết các tổ đội.

Theo các chuyên gia, nhiều tổ đoàn kết sản xuất trên biển hiện nay chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản và chưa liên kết với nhau để ký các hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biến nhằm tránh bị chủ nậu ép giá.

Việc thiếu các tàu hậu cần nghề cá trong tổ đội đánh bắt xa bờ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hải sản, trong khi yếu tố chất lượng sẽ quyết định đến giá thành sản phẩm.

Việc thiếu những chiếc tàu trong tổ đội làm chức năng vận chuyển sản phẩm vào bờ là do ngư dân vẫn có tâm lý nghi ngại, sợ bị lấy bớt hoặc đánh tráo hải sản. Chính vì vậy, trong quy ước của các tổ đội cần tạo ra tính minh bạch, chặt chẽ hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, các quy chế để gia nhập tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển hiện nay chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, chưa có tính pháp quy về mặt nhà nước.

Vì vậy, cần đưa mô hình tổ đội này vào văn bản pháp quy tạo cho các tổ đội có tư cách pháp nhân nhất định. Khi đó, các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển có điều kiện được hưởng trực tiếp nhiều hơn chính sách ưu đãi của nhà nước về phát triển kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, một số hạn chế đối với việc phát triển đánh bắt xa bờ hiện nay là thiếu sự quy hoạch đối với ngành nghề khai thác, số lượng tàu hành nghề lưới kéo hiện phát triển quá nhiều.

Các tàu thuyền đánh bắt xa bờ mới chỉ tập trung phát triển về công suất của tàu, chưa chú trọng trang bị cho tàu các thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác. Các loại máy khai thác đánh bắt trên tàu hiện nay được chế tạo chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, không có bản vẽ thiết kế, không theo bất cứ tiêu chuẩn nào.

Để đánh bắt xa bờ hiệu quả cần trang bị cho tàu các thiết bị máy móc hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác.Ảnh minh họa: TTXVN

Để nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển tàu cá cũng như xây dựng bản đồ dự báo ngư trường ở từng vùng biển.

Đồng thời, tuyên truyền, tập huấn và phổ biến nhân rộng các mô hình tổ chức khai thác thuỷ sản theo tổ, đội, tập đoàn sản xuất gắn với dịch vụ hậu cần, đảm bảo an toàn trên biển với phương châm 1 người làm, 1.000 người biết, học tập và làm theo.

Ngoài ra, có cơ chế phù hợp để ngư dân tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất nguồn vốn hỗ trợ ngư dân đóng tàu với giá thành phù hợp hơn. Đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển ở tất cả các địa phương nghề cá, tăng cường theo dõi quản lý hướng dẫn để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ đội đã thành lập.

Về băn khoăn của ngư dân trong chi phí lai dắt tàu khi cứu hộ, ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, cách giải quyết lâu dài chính là các chủ tàu phải mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên.

Trong trường hợp, tàu cá tham gia mua bảo hiểm khi có sự cố cần cứu hộ ngoài biển những tàu tham gia cứu hộ sẽ được phía bảo hiểm chi trả theo quy định. Việc mua bảo hiểm là cách phát triển kinh tế bền vững, khi gặp rủi ro trong quá trình đánh bắt có thể sớm khôi phục sản xuất, không sợ bị phá sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục