Liên kết nông dân tiếp cận tri thức, đổi mới tư duy

13:41' - 12/09/2022
BNEWS Xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, đổi mới sáng tạo; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến.

Sáng 12/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 7 với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp”.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, cần xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, đổi mới sáng tạo; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ, chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; phát huy vai trò, vị thế của người nông dân trong tiến trình phát triển đất nước, một nhiệm vụ rất quan trọng là vận động, tập hợp, liên kết người nông dân trong việc tiếp cận tri thức, trong đổi mới tư duy, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, trong tổ chức cuộc sống, trong ứng xử với môi trường và cộng đồng… Do đó, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân, của Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức liên quan để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tại diễn đàn, nông dân Đặng Văn Bảy, ở xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, doanh thu 25 tỷ đồng/năm cho biết, đa số diện tích chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm chưa có đường và điện phục vụ việc nuôi tôm nên mong muốn nhà nước có đầu tư hạ tầng đường, điện cho nuôi tôm công nghệ cao.

Ông Đặng Văn Bảy mong muốn Nhà nước hỗ trợ nông dân tham gia các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, xúc tiến thương mại, có chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa quy trình sản xuất.

Hay nông dân Phạm Đăng Khuyến, ở xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình sản xuất cói xuất khẩu và đang tạo việc làm cho 140 lao động cho biết, cái khó của đơn vị là đang thiếu công nhân, lao động có tay nghề cao. Phần lớn lao động làm trong cơ sở là những người đã hết tuổi lao động ở các khu công nghiệp.

Ông Phạm Đăng Khuyến kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, quan tâm đến đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt có chính sách đào tạo nghề cho những đối tượng lao động ở nông thôn đã quá tuổi làm công nhân ở các khu công nghiệp nhưng vẫn có đủ sức khỏe để họ tham gia lao động trong các cơ sở chế biến, lao động giản đơn.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thu nhập người dân nông thôn còn thấp, bình quân đạt 42 triệu/người/năm, chưa bằng 70% trung bình cả nước (khoảng 58 triệu/người/năm); tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nông nghiệp còn thấp so với tổng lao động nông nghiệp. Cùng với đó, chất lượng lao động ngành nông nghiệp hiện nay còn thấp so với các ngành kinh tế khác, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh mới.

Nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm, do đó phải hỗ trợ để trang bị thêm kiến thức cho người nông dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, những người sản xuất nông nghiệp phải cập nhật tri thức mới, kỹ năng mới, để làm giàu trí tuệ của mình, để nghĩ sâu hơn, nhìn xa hơn, trông rộng hơn. Tri thức hóa người nông dân, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh, thương mại nông sản và các vấn đề kinh tế - xã hội.

Ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, để nông dân sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp cần phải liên kết, hợp tác nhiều nông dân với nhau. Nếu nhỏ lẻ, manh mún thì chắc chắn không hiệu quả. Khi có quy mô đủ lớn thì nông dân mới đứng vững và có tiếng nói trên thị trường, đồng thời có thể quyết định cung cầu và giá cả của thị trường. Sản xuất theo quy luật của thị trường chính là sản xuất chuyên nghiệp nhất.

“Phải có khoa học công nghệ cao, phải có cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số… để hạ giá thành đầu vào. Phải ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ mới mong hướng đến nền sản xuất chuyên nghiệp, tạo ra những nông dân chuyên nghiệp”, ông Lê Văn Nghị nhấn mạnh.

Về liên kết, ông Lê Văn Nghị cho rằng, mấu chốt nằm ở “hai nhà” là nông dân và doanh nghiệp. Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng. Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì doanh nghiệp bẻ kèo. Do đó, “hai nhà” này cần phải chuyên nghiệp hơn, biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Để hạn chế tình trạng “bẻ kèo” chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn.

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH cũng cho rằng, vấn đề là làm sao xây dựng được chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp. 

“Doanh nghiệp không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ. Chúng tôi kết nối với nông dân thông qua các hợp tác xã. Tuy nhiên, khi triển khai, nhiều nông dân còn e ngại và thiếu niềm tin khi tham gia hợp tác xã. Vấn đề cốt lõi là làm sao xây dựng được hợp tác xã kiểu mới. Khi nông dân tham gia hợp tác xã thì người nông dân được cái gì?”, ông Ngô Tiến Dũng nêu vấn đề.

Ông Ngô Tiến Dũng chia sẻ, doanh nghiệp đã xây dựng những nông dân kiểu mẫu, hay nói cách khác là nông dân trình diễn để nhân rộng, thu hút các nông dân khác tham gia. Doanh nghiệp rất thành công mô hình liên kết này ở Lâm Đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục