Liên kết phát triển thị trường đồ gỗ nội địa bền vững

12:18' - 04/11/2022
BNEWS Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề tham gia khâu sản xuất và thương mại đồ gỗ. Tuy nhiên, hầu như chưa có sự kết nối giữa các làng nghề và các công ty để phát triển thị trường nội địa.

Sáng 4/11, tại Đồng Nai, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai (DOWA), Tổ chức Forest Trends tổ chức hội thảo “Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa trong tương lai”.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, với gần 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu lớn, thị trường nội địa có quy mô không hề nhỏ. Tuy nhiên, thị trường nội địa chưa nhận được mối quan tâm xứng đáng cả về cơ chế chính sách và của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành. 

Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu; trong đó có gỗ rủi ro. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ để loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung, cả trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu đòi hỏi các hộ tại các làng nghề chuyển sang sử dụng các loại ít rủi ro.

 

Chuyển đổi gỗ nguyên liệu từ gỗ rủi ro sang các loại gỗ khác cần sự thay đổi thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, đặc biệt là các loại gỗ quý; các cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ làng nghề trong việc cung gỗ nguyên liệu thay thế; tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm sử dụng các loại gỗ thay thế… Chuyển đổi gỗ nguyên liệu tại các làng nghề không phải là câu chuyện riêng của các làng nghề mà còn là trách nhiệm của xã hội, của cơ quan quản lý và của cả cộng đồng doanh nghiệp gỗ, ông Đỗ Xuân Lập nhận định.

Gần đây đã có sự hình thành một số mô hình liên kết giữa công ty trong ngành gỗ và hộ gia đình tại một số làng nghề nhằm mục tiêu chuyển đổi nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề này. Mô hình liên kết của của Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) với một số làng nghề phía Bắc là một điểm sáng về câu chuyện này.

Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu chia sẻ, xu hướng người Việt trong nước dùng gỗ nhập khẩu (gỗ Tây) ngày càng cao. Công ty đã đưa gỗ nguyên liệu từ các nước phát triển có sự quản trị tốt về nước và kết hợp cung cấp cho các làng nghề.

Ngoài việc đưa sản phẩm gỗ nguyên liệu cho các làng nghề chế biến, công ty đã mở Chợ đầu mối Gỗ Tây- TAVICO Hố Nai để trở thành đầu mối phân phối cho các làng nghề, doanh nghiệp nhằm tiếp cận người tiêu dùng cách nhanh nhất.

Bà Đặng Thị Én, đại diện làng nghề gỗ Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, do tâm lý của người Việt “ăn chắc mặc bền” nên thường thích gỗ quý, sự cập nhật gỗ mới chưa nhiều. Sau khi Chính phủ cấm khai thác rừng tự nhiên, các đơn vị mới bắt đầu tìm kiếm nguồn rừng gỗ từ châu Phi.

Bên cạnh sự mong muốn có nguồn gỗ hợp pháp từ nước ngoài cho làng nghề để sản xuất cho người Việt, bà Đặng Thị Én còn cho biết, làng nghề hiện vẫn sử dụng chủ yếu mẫu mã cũ, gần như không có sự đổi mới. Do đó, làng nghề rất mong muốn có sự liên kết để xây dựng những đội nhóm có thể định hướng thị trường với mẫu mã mới, xu hướng sản phẩm mới để tiếp cận tốt hơn với thị hiếu của khách hàng.

Về sự hợp tác giữa các hộ làng nghề và công ty trong ngành gỗ, theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, các doanh nghiệp nên coi việc hỗ trợ các hộ làng nghề là thực hiện trách nhiệm cộng đồng; coi hợp phần thị trường nội địa là hợp phần không thể tách dời của ngành gỗ, trực tiếp tác động tới hợp phần xuất khẩu… 

Các làng nghề cần cập nhật thông tin về thị trường, chính sách thông qua kênh của hiệp hội/hội làng nghề; nắm bắt cơ hội hợp tác với các công ty, nhất là các công ty đi tiên phong trong việc dẫn dắt thị trường; hình thành tổ nhóm có nhiều tương đồng, kết nối với công ty nhằm giảm chi phía giao dịch trong liên kết…

Để gắn kết doanh nghiệp với làng nghề, cơ quan quản lý cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích họ liên kết; truyền thông thay đổi thói quen người tiêu dùng trong việc sử dụng gỗ quý; hỗ trợ đào tạo, tập huấn các hộ làng nghề…, ông Tô Xuân Phúc nói.

Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề với hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia khâu sản xuất và thương mại. Nhiều hộ tại các làng nghề này vẫn hoạt động theo hình thức tự phát, chưa có các hoạt động chuyên nghiệp. Đến nay, hầu như chưa có sự kết nối giữa các làng nghề và các công ty trong ngành gỗ.

Ông Đỗ Xuân Lập mong muốn, các hiệp hội gỗ, doanh nghiệp và đặc biệt là đại diện các làng nghề phía Bắc như Đồng Kỵ, Liên Hà, Hữu Bằng, La Xuyên… sẽ có sự đồng hành, hợp tác thông qua việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục