Liên minh Nissan – Mitsubishi – Renault: Bằng mặt nhưng chưa bằng lòng

21:02' - 29/11/2018
BNEWS Các lãnh đạo điều hành cấp cao của Nissan Motor Co., Renault SA và Mitsubishi Motors Corp. đã ra tuyên bố chung cho biết họ vẫn duy trì cam kết với liên minh ba bên sau bê bối của ông Carlos Ghosn.
Trụ sở Renault Nissan Mitsubishi tại Amsterdam, Hà Lan ngày 29/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Song giới quan sát cho rằng liên minh này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Ngày 29/11, sau cuộc gặp giữa CEO Nissan Hiroto Saikawa, CEO Mitsubishi Motors Osamu Masuko và CEO của Renault Thierry Bollore, ba nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung trong đó khẳng định liên minh ba bên đã đạt được rất nhiều thành công trong hai thập kỷ qua. Đại diện 3 công ty nhấn mạnh “duy trì cam kết đầy đủ” với liên minh trong khi ông Ghosn hiện nhà chức trách Nhật Bản giam giữ với cáo buộc gian lận tài chính

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tình trạng khuyết nhà lãnh đạo tại một trong những liên minh sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đang trở thành cuộc đấu tranh quyền lực giữa Nissan và Renault.

Nissan muốn xem xét lại cán cân quyền lực của liên minh này để có được tiếng nói lớn hơn, trong khi Renault – với cổ đông lớn nhất là Chính phủ Pháp với khoảng 15% cổ phần tại công ty này – vẫn muốn một nhân sự của họ đứng đầu nhóm này. Theo Nissan, cấu trúc của liên minh hiện tại không công bằng khi cổ đông lớn nhất là Renault có quyền quyết định.

Trước cuộc họp hôm thứ Năm, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã nhắc lại trên truyền hình rằng ông mong muốn liên minh tiếp tục được dẫn dắt bởi một quản lý từ Renault. Đồng thời ông hy vọng không có sự thay đổi trong cán cân quyền lực hiện tại của liên minh, bao gồm các cấu trúc cổ phần chéo giữa các công ty.

Mặc dù Nissan đã đóng góp khoảng 50% cho thu nhập ròng của nhà sản xuất ô tô Pháp trong những năm gần đây, Renault sở hữu 43,4% cổ phần của Nissan trong khi nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chỉ nắm giữ 15% cổ phần của Renault nhưng không có quyền tham gia biểu quyết.

Theo thỏa thuận hiện có giữa Nissan và Renault, mỗi bên có quyền chỉ định nhân sự cho năm vị trí, nhưng riêng chức vụ CEO và Chủ tịch sẽ được quyết định bởi nhà sản xuất ô tô Pháp còn chức vụ phó do Nissan chỉ định.

Trước khi bị bắt, ông Ghosn được cho là đang tìm kiếm cơ hội tiến hành sáp nhập hoàn toàn cả ba nhà sản xuất ô tô dưới sự lãnh đạo của Renault, trong khi các nhà lãnh đạo tại Nissan nhấn mạnh vào việc duy trì sự độc lập của công ty này.

Tuần trước, ông Ghosn đã bị giới chức Nhật Bản bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính, thao túng các hồ sơ tài chính và không khai báo đầy đủ thu nhập cá nhân.

Theo các công tố viên Tokyo, ông Ghosn bị nghi khai giảm thu nhập tại Nhật Bản thấp hơn so với thực tế 5 tỷ yen (44 triệu USD) từ năm 2011. Các công tố viên Nhật Bản cũng đang cân nhắc truy tố ông Ghosn tội che giấu khoảng 3 tỷ yen thu nhập trong 3 năm từ tháng 4/2015.

Cho đến nay, cựu Chủ tịch Nissan bác bỏ những cáo buộc về việc ông khai man thu nhập cá nhân, nhưng thừa nhận rằng ông đã không khai báo một phần tiền công mà ông dự kiến sẽ nhận được sau khi nghỉ hưu do "số tiền này chưa được nhất trí".

Một số nguồn tin cho biết ông Ghosn sẽ nhận được khoảng 2 tỷ yen mỗi năm, song đã đề nghị Giám đốc đại diện Greg Kelly chỉ kê khai 1 tỷ yen/năm trong các báo cáo tài chính. Việc này được giải thích là nhằm tránh các chỉ trích của cổ đông và các nhà đầu tư về mức lương chi trả quá cao.

Ông Ghosn đã bị cho thôi chức Chủ tịch tại cả hai hãng xe Nhật, nhưng vẫn là CEO và Chủ tịch Renault kể cả sau khi các công tố viên Tokyo thực hiện vụ bắt giữ nhà lãnh đạo 64 tuổi này vào ngày 19/11.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục