Liệu “cành ô liu” của Trung Quốc có làm giảm căng thẳng Mỹ-Trung?

06:30' - 02/09/2019
BNEWS Tuần tới, Mỹ-Trung có thể nối lại đàm phán thương mại, Bắc Kinh dường như cũng giơ cành ô liu về phía Washington, nhưng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không vì thế mà sớm chấm dứt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài được hơn 1 năm, nhưng căng thẳng vẫn leo thang. Thông báo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 28/8 cho hay vòng đánh thuế mới đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được thực thi theo 2 đợt, bắt đầu vào ngày 1/9 và ngày 15/12 tới.
Bộ Tài chính Mỹ cũng xác nhận mức thuế sẽ được nâng từ 10% lên 15%. Đối với việc nâng thuế nhằm vào 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ mức áp dụng hiện nay là 25% lên 30%, USTR sẽ quyết định có bắt đầu thực hiện từ ngày 1/10/2019 hay không trên cơ sở tìm hiểu ý kiến của người dân.
Thông thường, sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ sớm đưa ra đòn trả đũa tương ứng với thời gian bắt đầu áp dụng giống như phía Mỹ. Tuy nhiên, theo tờ Tin nhanh Tài chính ngày 30/8, khi được hỏi về việc Trung Quốc có dự định đưa ra biện pháp trả đũa tương ứng hay không, vào hôm 29/8, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong chỉ nói Bắc Kinh có đầy đủ các biện pháp trả đũa. 
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nên thảo luận yêu cầu phía Mỹ hủy bỏ việc tiếp tục áp thuế bổ sung đối với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, ngăn chặn chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang... Câu trả lời này được nhìn nhận là phía Trung Quốc ngầm bắn đi tín hiệu sẽ không lập tức áp dụng các biện pháp trả đũa trước việc Mỹ thực hiện vòng đánh thuế mới đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Sau đó, theo tờ Economic Journal ngày 30/8, Ủy ban Chính sách thuế quan thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc lại phát đi thông báo liệt kê các biện pháp trả đũa của phía Trung Quốc thực hiện đối với 3 vòng áp thuế trước đó của Mỹ nhằm vào tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. 
Ủy ban này chỉ rõ sẽ không áp thuế bổ sung đối với hàng hóa không nằm trong danh sách thuộc 3 vòng áp thuế trả đũa đã thực hiện, đồng thời tiết lộ sẽ thực hiện biện pháp loại trừ thuế quan đối với một số hàng hóa Mỹ trong danh sách áp thuế trả đũa vòng 3. 
Các nhà đầu tư cho rằng động thái này giống như việc Trung Quốc giơ cành ô liu về phía Mỹ trước khi vòng đàm phán thương mại mới bắt đầu. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ đây có thể chỉ là sách lược tạm thời của phía Trung Quốc.
Trong một báo cáo phát đi hôm 28/8 được hãng tin CNBC trích dẫn, chuyên gia kinh tế Trung Quốc Yi Xiong thuộc ngân hàng Deutsche Bank cho rằng Trung Quốc hiện tại vừa không muốn nhanh chóng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ, vừa không muốn đáp trả Mỹ mạnh tới mức mà họ có thể. 
Chiến thuật của Trung Quốc hiện nay là đồng thời với việc mở cửa đối với các vòng đàm phán thương mại tiếp tới, Trung Quốc sẽ nỗ lực giảm lệ thuộc vào Mỹ và không có quá nhiều khả năng cho việc Trung Quốc nhượng bộ trước Mỹ. 
Điều đó có thể thấy được từ việc tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 25/8 phát đi loạt bài về việc tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc với các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Nam Mỹ, cho thấy rõ ý đồ muốn đa nguyên hóa chuỗi cung ứng. 
Tiếp đó, ngày 27/8, Tân Hoa xã, hãng tin nhà nước Trung Quốc, cũng đăng tin về việc Chính phủ nước này đưa ra 20 biện pháp hỗ trợ tiêu dùng, bao gồm sử dụng công nghệ mới thúc đẩy lưu thông hàng hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại…, cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường phát triển thị trường trong nước làm động lực tăng trưởng kinh tế.
Trên phương diện chiến lược, theo chuyên gia Yi Xiong, chiến lược hiện nay của Trung Quốc có thể mang một tầm nhìn lâu dài, xa hơn thời gian mà Chính quyền hiện tại của Mỹ có thể cầm quyền. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể kéo dài hơn 10 năm như chiến tranh thương mại Mỹ-Nhật từng xảy ra những năm 1980. 
Đồng thời, va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vượt xa phạm vi thương mại, khiến những lợi ích tiềm năng đối với Trung Quốc trong một thỏa thuận thương mại với Mỹ và hi vọng đạt được thỏa thuận thương mại để cải thiện quan hệ Mỹ-Trung giảm mạnh.
Quả thực, Trung Quốc khó có thể hy vọng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ sớm được giải quyết. Với những gì diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang “soạn lại bổn cũ”. Trước năm 2016, đảng Dân chủ giành lợi thế ở các bang công nghiệp quan trọng như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin…, nhưng tình hình đã thay đổi khi những công nhân cổ xanh tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên nhân khiến ngành chế tạo Mỹ đi xuống, giúp ông Trump giành chiến thắng trước đối thủ Hilary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. 
Với mục tiêu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump đặt trọng tâm vào việc phục hưng ngành chế tạo. Trong bối cảnh phần lớn dân chúng Mỹ cho rằng thương mại Mỹ-Trung đang trong tình trạng bất bình đẳng, việc làm dấy lên nỗi lo ngại về các hành vi của Trung Quốc gây bất lợi cho ngành chế tạo Mỹ như cưỡng ép chuyển giao công nghệ, trợ cấp ngành nghề… có thể giúp ông Trump tiếp tục giành được sự ủng hộ từ cử tri các bang công nghiệp nêu trên để ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục