Liệu có thể cứu vãn cục diện và ngăn chặn lan rộng chiến tranh thương mại?

05:30' - 25/07/2018
BNEWS Báo Liên hợp buổi sáng (Singapore) chi nhánh Hong Kong dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết Mỹ-Trung vẫn còn thời gian để ngăn chặn cuộc chiến thương mại lan rộng thành rối loạn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Donald Tusk kêu gọi tất cả các bên nỗ lực để thúc đẩy cải cách và hiện đại hoá Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), xây dựng các quy định mới về trợ cấp công nghiệp và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phát biểu trên được ông Donald Tusk đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 16/7. Tham dự hội nghị, ngoài ông Donald Tusk còn có Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker và Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường. 

Chương trình nghị sự của hội nghị năm nay tập trung vào những căng thẳng thương mại hiện nay giữa các nước trên thế giới. Theo tuyên bố chung do Trung Quốc và EU đưa ra cùng ngày, hai bên đã nhất trí thành lập một nhóm công tác để thảo luận về việc cải cách của WTO. 

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết hệ thống quản trị do thế giới xây dựng sau Chiến tranh thế giới II đã mang lại hòa bình cho châu Âu, cũng như mang lại sự phát triển cho Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc, châu Âu, Mỹ và Nga có trách nhiệm duy trì và cải thiện hệ thống này, thay vì phá hủy nó.

Các doanh nghiệp của châu Âu và Mỹ từ trước đến nay luôn chỉ trích Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho các doanh nghiệp nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời cho rằng các nguyên tắc của WTO hiện hành không thể giải quyết hiệu quả vấn đề này. 

Tuy nhiên, cách thức đối phó của hai bên hoàn toàn không giống nhau: Mỹ loại bỏ con đường hoạt động theo cơ chế của WTO, chuyển hướng sang các hành động trả đũa thương mại đơn phương; EU lại kiên quyết việc duy trì WTO làm nòng cốt, cũng như hệ thống thương mại quốc tế lấy các quy tắc làm nền tảng.

Cũng tại buổi họp báo, ông Donald Tusk cho biết: “Chúng ta cần trợ cấp công nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ mang tính bắt buộc, cũng như vạch ra những quy định mới trong các vấn đề như giảm giá thành thương mại, đồng thời nghiên cứu thảo luận về các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn. Mục tiêu của cải cách là tăng cường cơ chế WTO, đồng thời đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh hơn”.

Trước những chỉ trích của các doanh nghiệp nước ngoài, Thủ tướng Lý Khắc Cường tái khẳng định quyết tâm mở cửa của Trung Quốc là rất rõ ràng khi lấy ví dụ về việc doanh nghiệp BASF của Đức đầu tư dự án hóa dầu trị giá 10 tỷ USD tại nước này, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ mở rộng việc tiếp cận thị trường hơn nữa.

Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp châu Âu vào Trung Quốc trong năm 2017 đạt mức thấp kỷ lục, cho thấy “gánh nặng pháp lý và hành chính” mà các nhà đầu tư châu Âu tại Trung Quốc phải đối mặt. 

Ông nói: “Thủ tướng Lý Khắc Cường đề cập đến khả năng đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp đến từ Đức, điều này đã hoàn toàn minh chứng rằng chỉ cần Trung Quốc sẵn sàng, họ nhất định sẽ mở cửa kinh tế. Trung Quốc biết nên làm thế nào để mở cửa...”

Tại Hội nghị bàn tròn các doanh nghiệp Trung Quốc - EU, ông Jean-Claude cũng nhấn mạnh: “Những gì chúng ta cần là các quy tắc đa phương công bằng. EU mở cửa, nhưng không ngây thơ...”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục