Trung Quốc kêu gọi Australia ứng phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại

05:30' - 24/07/2018
BNEWS Theo báo “The Australian”, Bắc Kinh vừa gợi ý rằng Australia nên đứng về phía Trung Quốc chống lại cuộc tấn công thương mại “không công bằng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trung Quốc kêu gọi Australia ứng phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Bắc Kinh cũng đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) tham gia liên minh thương mại chống Mỹ. Cùng với đó, giới chức Trung Quốc cũng đưa ra lời kêu gọi Canberra tham gia sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chính thức bùng nổ, với “phát súng” đầu tiên được Mỹ khai hỏa vào ngày 6/7 khi nước này đánh thuế 25% trên lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, bên cạnh 16 tỷ USD hàng hoá khác cũng có thể bị đánh thuế bổ sung trong tháng Bảy. Chưa đầy một tuần, Washington lại tuyên bố sẽ áp thuế trừng phạt đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngày 10/7, trong phát biểu tại hội nghị liên quan đến BRI ở Darwin, Australia, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye khẳng định Trung Quốc quyết tâm hợp tác với các nước khác trên toàn thế giới, bao gồm Australia, để duy trì tự do thương mại theo cơ chế đa phương. 

Năm ngoái, Canberra đã từ chối tham gia BRI và làm phật ý Bắc Kinh. Thư ký Bộ Ngoại giao và Thương mại Frances Adamson giải thích rằng Australia ủng hộ việc có thêm cơ sở hạ tầng trong khu vực song bày tỏ quan ngại về sự minh bạch, nguyên tắc và thỏa thuận quản lý các dự án trong sáng kiến này. 

Nhiều quan chức quốc phòng của Australia và một số bộ trưởng phản đối mạnh mẽ BRI và tin rằng đây là chiến lược nhằm mở rộng liên kết quân sự của Trung Quốc và buộc các quốc gia nhỏ phải phụ thuộc vào Bắc Kinh thông qua các khoản nợ kếch xù.

Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye bác bỏ chỉ trích này đồng thời nói rằng BRI “không gắn với địa chính trị” và sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Sáng kiến này là sự kết hợp của tất cả các quốc gia tham gia, và Trung Quốc không áp đặt thỏa thuận thương mại với các nước khác.

Tham vấn rộng rãi có nghĩa là tất cả các nước, lớn hay nhỏ, đều tham gia thảo luận hợp tác một cách công bằng. BRI dựa trên cơ sở luật pháp và Trung Quốc có thể thiết lập một “mạng lưới pháp lý” để giải quyết những bất đồng phát sinh trong các dự án.

Ông Cheng cũng nói rằng “BRI không xa Australia và Australia có vai trò khi tham gia vào dự án này”, điều này ngụ ý việc Australia tham gia có thể cải thiện quan hệ với Trung Quốc vốn đang trong thời kỳ băng giá. Theo lời của Đại sứ Cheng, “quan hệ đầu tư và thương mại gần gũi và chặt chẽ cùng với quan hệ giữa nhân dân hai nước sẽ là những điều kiện tốt với cả hai”.

Trong khi đó, mặc dù Australia không nằm trong danh sách các nước bị chính quyền Tổng thống Donald Trump áp mức thuế mới lên mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu như châu Âu, song Mỹ đã công bố việc điều tra các sản phẩm xe tải và xe con nhập khẩu có thể dẫn tới mức thuế mới áp dụng cho các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi Australia.

Giới nghiên cứu Australia kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Tiến sỹ Stephen Kirchner, Giám đốc Chương trình đầu tư và thương mại thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney cho rằng hành động tốt nhất là tiếp tục ủng hộ tự do thương mại, song đây sẽ là thông điệp khó khăn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục