Liệu khủng hoảng lương thực thế giới có tác động đến Nga?

06:30' - 01/05/2022
BNEWS Xung đột ở Ukraine làm giảm tiềm năng xuất khẩu của Nga trong niên vụ 2021-2022 và tiềm năng thu hoạch trong niên vụ 2022-2023.

Theo báo cáo hàng quý về triển vọng thị trường hàng hóa của Ngân hàng Thế giới (WB), giá thực phẩm và năng lượng trên thế giới sẽ tăng mạnh trong năm nay do những cú sốc từ tình hình xung đột Nga-Ukraine gây ra. WB ước tính chi phí thực phẩm dự kiến sẽ tăng 22,9% trong năm 2022, sau đó sẽ giảm 10,4% vào năm 2023.

Cũng theo dự báo của WB, trong năm nay giá lúa mỳ sẽ tăng hơn 40% và đạt mức cao kỷ lục. Giá tăng sẽ gây áp lực nghiêm trọng lên các nước đang phát triển phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mỳ. Năm 2021, giá lương thực tăng trung bình 31%.

Mức độ nghiêm trọng của tình hình ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều được hiểu rõ. Trước yêu cầu của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala về việc Brazil tăng cường xuất khẩu lương thực, Tổng thống Jair Bolsonaro đã yêu cầu WTO không cắt đứt dòng chảy thương mại với Nga. Quốc gia Nam Mỹ này nhập khẩu hơn 85% nhu cầu phân bón. Nga là nhà cung cấp chính, trong khi Belarus cung cấp 28% tổng nguồn cung.

Việc hạn chế nguồn cung phân bón sẽ là một thảm họa tuyệt đối đối với quốc gia Nam Mỹ, làm giảm năng suất cây trồng và gây nguy hiểm cho an ninh lương thực toàn cầu, vì Brazil là nước xuất khẩu lớn của thế giới về cà phê, đường, đậu nành, sắn, gạo, ngô, bông, đậu và lúa mỳ.

Nhận định về tình hình hiện nay, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa Oksana Lukicheva cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về nạn đói sắp xảy ra và tình trạng thiếu lương thực toàn cầu, nhưng những rủi ro liên quan tới sự phát triển tình hình nghiêm trọng chắc chắn đang gia tăng.

Theo chuyên gia Nga, nguyên nhân chính của tình trạng hiện nay là do xung đột ở Ukraine làm giảm tiềm năng xuất khẩu của nước này trong niên vụ 2021-2022 và tiềm năng thu hoạch trong niên vụ 2022-2023, cũng như các biện pháp trừng phạt áp dụng trong lĩnh vực kho vận và tài chính, cản trở việc cung cấp thực phẩm và các nguyên liệu thô khác từ Nga.

Trong số các yếu tố rủi ro còn có sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ trên khắp thế giới trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung thực phẩm giảm và giá năng lượng tăng cao. Trong khi đó, từ giữa năm 2020, giá cả các mặt hàng cơ bản, bao gồm cả thực phẩm, đã gia tăng đáng kể và đòi hỏi sự đa dạng hóa các nguồn lực ngày càng tăng để duy trì sự hỗ trợ cuộc sống của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Theo chuyên gia Oksana Lukicheva, cho đến nay thực tế không có tình trạng thiếu thực phẩm. Vụ mùa 2021-2022 sẽ cho kết quả lạc quan so với vụ thu hoạch trong thời điểm “đại dịch” trước đó. Dự trữ lương thực của thế giới vẫn đủ đáp ứng 25-35% lượng tiêu thụ toàn cầu.

Tuy nhiên, trong niên vụ 2022-2023, thu hoạch một số loại lương thực dự kiến sẽ giảm, chủ yếu là ngô, lúa mỳ, hướng dương do điều kiện thời tiết bất lợi ở Mỹ và giảm diện tích gieo trồng ở Ukraine do tình hình chiến sự. Đồng thời, năng suất cây trồng trên toàn thế giới có thể bị giảm sút nghiêm trọng do không đủ phân bón (giá cao, rào cản hậu cần và thiếu hụt nguồn cung). Điều này sẽ dẫn đến việc tiếp tục giảm lượng hàng dự trữ ở các nước và dẫn đến một đợt tăng giá khác.

Do đó, nhà phân tích kết luận, nếu tình hình hiện nay kéo dài, cuộc khủng hoảng lương thực diễn ra rất có thể vào cuối mùa Đông - mùa Xuân năm 2023. Đến khi đó, giá lương thực tăng có thể dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị ở các nước nhập khẩu, làm tăng số lượng các vụ vỡ nợ trên khắp thế giới, đẩy nhanh hơn nữa lạm phát.

Về phần mình chuyên gia Valery Korneichuk, giảng viên Trường Đại học Quản lý Tài chính của Nga cho rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới là do các biện pháp trừng phạt Nga của các nước EU và Mỹ xuất phát từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Chuyên gia cho rằng thay vì giúp đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột, các nước EU và Mỹ đang ồ ạt đưa vũ khí vào Ukraine và qua đó góp phần vào việc tiếp tục các hành động thù địch.

Chuyên gia Korneichuk cho biết, Nga là một trong những nhà sản xuất lương thực chính cho các khu vực châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông. Trong số các nhà sản xuất lúa mỳ, Nga đứng thứ ba trên thế giới và cung cấp 15% tổng sản lượng cho thị trường thế giới. lúa mỳ không thể thiếu trong sản xuất bột mỳ và thức ăn chăn nuôi. Tiếp theo là cung cấp ngô, gạo, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác. Nga là nhà cung cấp 23% dầu hướng dương trên thị trường thế giới.

Ông Valery Korneichuk cho biết thêm, Nga đứng thứ hai trên thế giới về sản xuất phân bón khoáng. Vào cuối năm 2019, thị phần của các nhà sản xuất Nga trên thị trường phân bón toàn cầu đã tăng lên 13,2%. 

Các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp chống lại Nga đã phá vỡ chuỗi hậu cần hiện có trước đây, hạn chế việc thực hiện thanh toán đối với thực phẩm được cung cấp và phân bón khoáng sản. Các ngân hàng hàng đầu của Nga bị cấm thanh toán bằng USD và euro, họ bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.

Ngoài ra, tàu hàng của Nga bị cấm vào cảng của các nước EU. Gần đây, Mỹ cũng đã đưa ra hạn chế tương tự. Các cảng ở bờ Biển Đen không hoạt động bình thường do rủi ro quân sự nghiêm trọng. 

Đặc biệt, các loại mìn biển được thả trôi không kiểm soát từ các cửa sông ở Ukraine ra Biển Đen tạo nguy cơ cao cho mọi loại tàu thuyền di chuyển trên khu vực biển này. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm từ chối cung cấp bảo hiểm cho các chuyến hàng đi biển qua các khu vực xung đột, và các ngân hàng nước ngoài chặn dòng tài chính từ việc bán hàng hóa.

Vì những lý do này, chuyên gia Valery Korneichuk dự báo rằng, Yemen, Afghanistan, Syria, một số quốc gia ở châu Phi sẽ là những quốc gia đầu tiên phải đối mặt với nạn đói thảm khốc. Cũng từ những khó khăn nói trên, Ai Cập, một trong những khách hàng mua ngũ cốc chính của Nga, cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và buộc phải tìm kiếm loại ngũ cốc thay thế.

Chuyên gia Nga cho rằng nông dân Pháp cũng không thể gieo hạt khi thiếu phân khoáng từ Nga do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Tình trạng thiếu lương thực đang diễn ra trên thế giới, có thể dẫn đến bạo loạn, biểu tình và hỗn loạn, chủ yếu ở các quốc gia nghèo nhất của châu Phi và Trung Đông. 

Điều này có thể kích thích các luồng di cư mới từ các khu vực này sang châu Âu. Ngoài ra, ông Korneichuk dự báo, các cuộc biểu tình sẽ tạo ra mối đe dọa khủng bố trên toàn thế giới. Các vấn đề do lương thực sẽ không ảnh hưởng nhiều đến châu Âu, mặc dù giá cả sẽ tăng và sẽ gây ra sự bất bình trong dân chúng.

Khi được hỏi liệu bản thân Nga có đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực hay không, chuyên gia Valery Korneichuk cho biết, tình hình thị trường lương thực trong nước tương đối bình lặng. Các quyết định của các nhà chức trách và các chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp khi đối mặt với các lệnh trừng phạt đảm bảo cho người Nga sự sẵn có của các sản phẩm thực phẩm cơ bản trong các cửa hàng và tăng giá trong bối cảnh lạm phát.

Để bảo vệ thị trường trong nước, chính phủ đã hạn chế xuất khẩu ngũ cốc ra nước ngoài, từ ngày 15/3 đến cuối tháng Sáu có hạn ngạch nghiêm ngặt đối với xuất khẩu lúa mỳ, lúa mạch đen, lúa mạch và ngô. Điều này đảm bảo tình hình lương thực ổn định phù hợp với quan điểm an ninh lương thực quốc gia.

Trả lời phỏng vấn báo Rossiyskaya Gazeta Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev cho rằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Theo ông, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga khiến nền kinh tế thế giới đang rơi vào một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có. Trong tương lai gần, hàng chục triệu người trên thế giới sẽ đứng trước nguy cơ chết đói.

Ông Patrushev cho rằng Washington và Brussels không giấu giếm sự thật rằng các biện pháp trừng phạt của họ nhằm vào sự bần cùng hóa cả về vật chất và tinh thần của người Nga. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng ngày nay Nga đang trong quá trình định hướng lại các thị trường châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh. 

Nga cũng dành quan tâm ưu tiên đối với Khu vực Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) vì tầm quan trọng của khu vực này trong điều kiện hiện nay đang tăng lên gấp nhiều lần. Quan chức Nga khẳng định chủ trương tăng cường hợp tác với Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), là nơi sinh sống của khoảng 3,5 tỷ người trên hành tinh, cũng đang được tăng cường.

Ông Nikolai Patrushev lưu ý những nỗ lực của phương Tây nhằm chuyển trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do nước này gây ra cho Nga rõ ràng là thất bại. Thư ký Hội đồng An ninh Nga nhấn mạnh, nhờ học thuyết phát triển về an ninh lương thực, chính quyền Nga đã có thể thực hiện các tính toán và tăng khả năng tự cung tự cấp của đất nước với các loại lương thực cơ bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục