Liệu Mỹ và ASEAN có ký kết thỏa thuận thương mại chung?

11:34' - 27/03/2017
BNEWS ASEAN sẽ ở đâu trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có chủ trương xem xét các thỏa thuận thương mại nhằm đem lại việc làm cho người dân Mỹ và tăng cơ hội đầu tư vào nước này.
Chiều 9/3/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) do Phó Chủ tịch Cấp cao Micheal W.Michalak dẫn đầu. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN

Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” đăng bài phân tích của đồng tác giả Lili Yan Ing và Abigail Ho với tựa đề: “Liệu Mỹ và ASEAN có ký kết thỏa thuận thương mại chung?”

Các tác giả chỉ ra xu hướng phát triển của các nền kinh tế, theo đó, 5 trên tổng số 7 nước có ngành chế tạo phát triển mạnh mẽ nhất trong ba thập kỷ qua đều tập trung ở các quốc gia đang phát triển là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.

Tính toán dựa trên sức mua, kinh tế các quốc gia ASEAN trong đó có Indonesia, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan được cho là sẽ nằm trong số 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Động cơ tăng trưởng kinh tế sẽ chuyển đổi từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.

Về xu hướng thương mại toàn cầu hiện nay, sau 70 năm tiến hành tự do hóa thương mại, một loạt các sự kiện gần đây cho thấy chủ nghĩa bảo hộ dường như quay trở lại. Tổng giá trị thương mại toàn cầu đã phát triển chậm trong một thập kỷ qua và khuynh hướng tự do hóa thương mại ở cấp độ đa phương đang có nguy cơ bị phá vỡ.

Ngay cả các hiệp định thương mại tự do khu vực đôi khi được coi là những giải pháp thay thế cho tự do hóa đa phương cũng đang đứng trước những rủi ro, đặc biệt là các hiệp định có sự tham gia của Mỹ.

Các nền kinh tế thuộc ASEAN đã tính đến sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu và từ đó tích cực thúc đẩy việc đàm phán cho ra đời các hiệp định thương mại tự do đa phương. ASEAN thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN vào năm 1992, trước cả thời điểm Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập.

ASEAN cũng cho ra đời Hiệp định Đầu tư Toàn diện vào năm 2009 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những nỗ lực gần đây đã giúp cho ASEAN trở thành trung tâm của mạng lưới sản xuất khu vực.

Thách thức chính đối với ASEAN hiện nay là các nước này có thể bị mắc kẹt trong chính cơ chế hội nhập này. Thương mại nội khối của ASEAN chỉ tăng từ 22% vào năm 2000 lên 24% vào năm 2015.

Sự tăng trưởng tương đối khiêm tốn này có thể thấy từ các nguyên nhân, đó là hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của ASEAN đều tập trung vào các thị trường đối tác của khối sau khi thiết lập các cơ chế ASEAN+1.

Mặc dù mức thuế trung bình của 10 quốc gia ASEAN đã giảm từ 10,9% năm 2000 xuống còn 4,5% vào năm 2015. Trong cùng giai đoạn này, việc áp dụng hàng rào phi thuế quan đã tăng gấp 3 lần, từ 1.634 lên đến 5.975 đơn vị.

Trong số này có 29% thuộc lĩnh vực vệ sinh và kiểm dịch thực vật, 43% thuộc về các rào cản kỹ thuật thương mại, 16% áp dụng trong lĩnh vực xuất khẩu và 12% còn lại thuộc về các lĩnh vực khác.

Việc áp dụng hàng rào phi thuế quan là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế ASEAN, tuy nhiên sự minh bạch của nó thì còn là vấn đề của các nền kinh tế thành viên.

Ngoài ra, không giống như sự tham gia của Đức vào mạng lưới sản xuất ở Đông Âu, ASEAN dù có thể đóng vai trò như một trung tâm trong các mạng lưới sản xuất khu vực thì tổ chức này vẫn chưa thể đảm bảo sự ổn định cũng như nội lực của mình.

ASEAN vẫn phải dựa vào vốn đầu tư, thương mại và công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. ASEAN đã nhận thức được vấn đề này và do đó thúc đẩy thương mại và đầu tư với các đối tác thương mại chính của mình.

Khối này đã phát triển các hiệp định thương mại tự do ASEAN+1 với các đối tác thương mại như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Kết quả là, thương mại giữa ASEAN với các đối tác này đã tăng từ 31% vào năm 2000 lên đến 43% năm 2015.

ASEAN và 6 đối tác thương mại chính của mình đang tích cực đàm phán để đi đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). Đây được kỳ vọng sẽ là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại buổi tiếp các Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN. Ảnh: Đoàn Hùng - Phóng viên TTXVN tại Mỹ

Vì vậy, trở lại câu hỏi chính là ASEAN có nên thiết lập một thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ? Tác giả bài viết nhận định rằng dù Mỹ và ASEAN có đạt được các hiệp định tự do thương mại song phương cũng như khu vực thì hai bên cũng cần phối hợp với nhau trên hai lĩnh vực chính.

Thứ nhất là cải thiện môi trường đầu tư bằng việc hoàn thiện các thủ tục hành chính pháp lý và thứ hai là bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số, đảm bảo việc thực thi hợp đồng, dự án và thiết lập các hàng rào phi thuế quan.

Vụ bê bối gần đây của tập đoàn sản xuất ô tô Volkswagen (Đức) về tiêu chuẩn lượng khí thải ở thị trường Mỹ là một lời cảnh báo đối với tất cả mọi người về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn về sản phẩm, và đó chính là một loại hàng rào phi thuế quan.

Trách nhiệm của các chuyên gia kinh tế, nhóm tư vấn kinh tế, quan chức chính phủ, các tổ chức của chính phủ cũng như phi chính phủ là phải cùng nhau làm việc để cải thiện tính minh bạch của các hàng rào phi thuế quan.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là quản lý tốt các sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu cũng như nhập khẩu nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường nhưng không được gây cản trở đối với hoạt động thương mại.

Chiến lược của Mỹ trong quan hệ hợp tác, làm ăn với các quốc gia kể cả là đồng minh hay đối tác thương mại là “ưu tiên thương mại hơn viện trợ”. Tuy nhiên, chính sách cụ thể hiện nay của tân chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump hiện vẫn chưa rõ ràng.

Hiện tại Tổng thống Trump đang thực hiện khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết” với mong muốn các nhà đầu tư của Mỹ cũng như của nước ngoài tích cực quay trở lại, đầu tư nhiều hơn vào Mỹ để tạo ra thêm công ăn việc làm vốn trước kia đã bị ảnh hưởng do toàn cầu hóa.

Các phân tích cho thấy nước Mỹ hiện đang có chủ trương bảo hộ đầu tư, ưu tiên các hiệp định thương mại tự do song phương với các nước trên cơ sở đảm bảo lợi ích của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, dù Mỹ và ASEAN có đi đến một thỏa thuận thương mại tự do song phương hay không, điều quan trọng nhất ở đây là Mỹ và ASEAN phải cùng nhau cải thiện các quy định về đầu tư và thương mại trong khu vực.

Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như trong khu vực nhằm tiếp tục thúc đẩy kinh tế khu vực cũng như trên thế giới ổn định và phát triển.

>> ASEAN nỗ lực ký kết RCEP trong năm 2017

>> ASEAN cần thu hẹp khoảng cách để nâng cao năng lực cạnh tranh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục