Liệu tranh cãi giữa Boeing và Airbus về vấn đề trợ cấp đã đến hồi kết?
Theo tạp chí Economist của Anh, cuộc chiến kéo dài 16 năm tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giữa Boeing, một nhà sản xuất máy bay của Mỹ, và Airbus, nhà sản xuất máy bay của châu Âu, về các khoản trợ cấp bất hợp pháp giống như một "trận đấu quyền anh hạng nặng", trong đó cả hai bên đều "giơ găng" khẳng định chiến thắng.
Ngày 13/10, WTO ra phán quyết rằng Liên minh châu Âu (EU) hàng năm có thể áp thuế đối với hàng hóa trị giá 4 tỷ USD của Mỹ. Quyết định này tuy không khắt khe bằng quyết định năm ngoái rằng Washington được phép áp thuế đối với 7,5 tỷ USD hàng hóa của châu Âu, nhưng sẽ mang lại những tác động lớn hơn nhiều so với mức mà người Mỹ từng chuẩn bị. Quan trọng hơn, cả hai "gã khổng lồ" hàng không đều cho rằng mình đang bị ngược đãi.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 13/10 cho biết, Washington sẽ tăng cường đàm phán với EU nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài liên quan đến chính sách trợ giá sản xuất máy bay.
Ông Lighthizer khẳng định Mỹ quyết tâm tìm kiếm giải pháp tranh chấp và cho biết, Mỹ hiện chờ phản hồi từ EU đối với một đề nghị gần đây của Mỹ và sẽ thúc đẩy đàm phán đang diễn ra với Brussels để khôi phục cạnh tranh công bằng và một sân chơi bình đẳng cho lĩnh vực sản xuất máy bay.
Tuy nhiên, cũng theo Đại diện Thương mại Mỹ, phán quyết của WTO mở đường cho EU áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 4 tỷ USD của Mỹ là "không có cơ sở hợp lệ".
Trong khi đó, sau phán quyết của WTO, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị chấm dứt cuộc chiến thuế quan và tìm ra giải pháp hòa giải cho tranh chấp kéo dài 16 năm về trợ cấp cho hai nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus.
Phó Chủ tịch EC phụ trách kinh tế và thương mại Valdis Dombrovskis khẳng định EU sẽ ngay lập tức nối lại tiếp xúc với Mỹ theo cách tích cực và mang tính xây dựng để quyết định các bước tiếp theo. Ưu tiên mạnh mẽ của EU là giải quyết bằng thương lượng.
Ông Dombrovskis nói thêm rằng EU sẽ buộc phải bảo vệ lợi ích của mình và phản ứng theo cách tương xứng. Sau khi được WTO cho phép, EU có thể áp đặt thuế trả đũa Washington từ ngày 27/10, một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Cuộc đối đầu tại WTO bắt đầu vào năm 2004. Sau lần đầu tiên bị Airbus vượt về doanh số bán máy bay, Boeing phàn nàn rằng đối thủ của họ đã được trợ giúp bởi sự hỗ trợ của chính phủ lên tới 22 tỷ USD. Airbus nhanh chóng phản đối với tuyên bố rằng Boeing đã được hưởng lợi từ các khoản cắt giảm thuế ưu đãi trị giá 24 tỷ USD, cũng như sự hỗ trợ nghiên cứu và phát triển từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Lầu Năm Góc.
WTO cuối cùng xác định rằng cả hai công ty đều đã nhận được các khoản trợ cấp bất hợp pháp. Mỹ đã sử dụng chiến thắng của năm ngoái để áp thuế đối với mọi thứ, từ rượu whisky của Scotland đến pho mát của Pháp. Hiện Airbus phải chịu mức thuế 15%. Nhưng giờ đây theo phán quyết mới nhất, EU sẽ được phép áp đặt các thuế quan mới từ sau ngày 27/10.
Tranh chấp Airbus-Boeing là một trong những mặt trận của cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đe dọa các nhà sản xuất ô tô và các chính phủ EU về các biện pháp trừng phạt với các mức thuế mới để đáp trả sắc thuế về kỹ thuật số do EU đề xuất.
Các mức thuế mới đối với ngành hàng không được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sâu sắc mà ngành này đang phải đối mặt do những gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Boeing vẫn đang phục hồi sau ảnh hưởng của hai vụ tai nạn thảm khốc của dòng máy bay 737 MAX khiến 346 người thiệt mạng.
Có ý kiến cho rằng phán quyết mới nhất này sẽ không thể khiến các cuộc cãi vã kết thúc. Boeing nói rằng việc cắt giảm thuế gây tranh cãi ở bang Washington đã bị bãi bỏ. Do đó, các chính sách thuế quan mà EU có thể đưa ra là không hợp lý.
Trong khi đó, Airbus cho biết, hãng hiện đang tuân thủ đầy đủ các quy định và phàn nàn rằng Ban Hội thẩm của WTO quyết định những vấn đề như vậy là lấp lửng. Việc Mỹ lâu nay khẳng định cơ quan này của WTO đối xử không công bằng đã dẫn đến việc nước này phủ quyết các bổ nhiệm mới khiến Ban Hội thẩm của WTO bị khuyết ghế.
Trên thực tế, cuộc đối đầu giữa hai "gã khổng lồ" hàng không thế giới có thể kết thúc trong một cuộc dàn xếp thương lượng. Tuy nhiên, Mỹ đã miễn cưỡng hơn đối với đàm phán và nước này có thể xem xét lại do quy mô của các đòn trả đũa mà EU được phép thực hiện và vị thế bấp bênh của Boeing.
Đó là bởi vì "gã khổng lồ" hàng không vũ trụ của Mỹ có nhiều cái để lo ngại hơn trước tác động tàn phá của đại dịch đối với việc di chuyển bằng đường hàng không của thế giới. Ngoài ra, việc các máy bay 737 MAX, "chú bò đẻ ra tiền" của Boeing, tiếp tục phải nằm đất sau hai vụ tai nạn chết người có nghĩa là các hãng vận tải khó khăn có thể hủy đơn đặt hàng mà không bị phạt.
Trong khi đó, Airbus cũng không "bình an vô sự". Tháng trước, tập đoàn này cho biết có thể sẽ cắt giảm thêm nhiều việc làm ngoài con số 15.000 đã được công bố hồi tháng 6, trong số 130.000 lao động trên toàn cầu. Airbus đã cắt giảm 40% công suất. Giống như Boeing, trong năm nay, Airbus đã mất khoảng một nửa giá trị thị trường.
Dù vậy, "gã khổng lồ" châu Âu này đang có tâm trạng phấn khích hơn. Người ta cho rằng Airbus đang có kế hoạch tăng cường sản xuất máy bay một lối đi A320 vào đầu năm tới, có lẽ với hy vọng sẽ giành được khách hàng của 737 MAX.
Airbus cũng có nhiều loại máy bay hơn và hãng này có một nhà máy ở Alabama cho phép họ "né" được thuế đối với máy bay bán cho khách hàng Mỹ, trong khi đó Boeing lắp ráp tất cả máy bay của mình tại Mỹ. Airbus vừa tiết lộ kế hoạch đưa một máy bay chạy bằng hydro với khí thải thực bằng 0 lên bầu trời vào năm 2035.
Trong khi đó, trong một tuyên bố, Boeing kêu gọi, thay vì leo thang tranh chấp với những đe dọa doanh nghiệp Mỹ và khách hàng châu Âu, Airbus và EU nên tập trung sức lực vào những nỗ lực thiện chí để giải quyết tranh chấp kéo dài này.
Trong bối cảnh đó, giới quan sát cho rằng Boeing, vốn đang bị đè nặng bởi sự cố MAX, tốt hơn là gạt cuộc chiến ngày hôm qua sang một bên và chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo./.
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Boeing tiếp tục bị hủy đơn đặt 737 MAX giữa lúc khủng hoảng kéo dài
15:26' - 14/10/2020
Boeing đã mất đơn đặt hàng hai chiếc 737 MAX từ công ty cho thuê máy bay BOC Aviation và đơn đặt một chiếc 737 MAX từ một khách hàng không xác định trong tháng Chín vừa qua.
-
Doanh nghiệp
Boeing hạ dự báo nhu cầu máy bay thế giới trong 20 năm tới
10:22' - 07/10/2020
Nhà sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) đã hạ dự báo về nhu cầu máy bay toàn cầu trong vòng 20 năm tới.
-
Kinh tế Thế giới
Triển vọng ngành hàng không xấu đi khiến Airbus đối mặt nguy cơ sa thải bắt buộc
19:29' - 04/10/2020
Airbus cho biết họ đang cần cắt giảm ít nhất 15.000 việc làm trên toàn cầu
-
Chuyển động DN
Airbus sẽ có máy bay thương mại chạy bằng nhiên liệu hydro vào năm 2035
08:24' - 22/09/2020
Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đang đặt mục tiêu sẽ đưa vào sử dụng máy bay thương mại chạy bằng nhiên liệu hydro đầu tiên vào năm 2035.
Tin cùng chuyên mục
-
Doanh nghiệp
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia phát huy mọi tiềm năng sẵn có
21:17'
Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có cuộc gặp và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VCBA) nhằm lắng nghe nguyện vọng, vướng mắc của VCBA.
-
Doanh nghiệp
3.800 tỷ đồng xây dựng Khu công nghiệp dược - sinh học đầu tiên tại Việt Nam
12:24'
Hiện tại, các thủ tục để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Dược - Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ đang được tỉnh Thái Bình khẩn trương triển khai và đảm bảo tuân thủ các quy định.
-
Doanh nghiệp
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
11:14'
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
-
Doanh nghiệp
Các “gã khổng lồ” xuất bản hợp tác với công ty trí tuệ nhân tạo
09:13'
Các “gã khổng lồ” xuất bản và các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận nhằm bảo vệ bản quyền và đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của ngành công nghiệp AI.
-
Doanh nghiệp
"Ông lớn" ô tô Nhật Bản đẩy mạnh tái cơ cấu
16:00' - 22/11/2024
Nissan Motor sẽ cắt giảm hoặc chuyển đổi khoảng 1.000 việc làm tại Thái Lan do hãng xe Nhật Bản này đang thu hẹp quy mô sản xuất.
-
Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Trung Quốc đa dạng hóa chiến lược giảm rủi ro tiền tệ
12:43' - 22/11/2024
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường tích trữ USD, định giá hợp đồng bằng NDT và mở rộng các kênh nhập khẩu để giảm thiểu rủi ro tiền tệ.
-
Doanh nghiệp
BP đầu tư dự án khí đốt 7 tỷ USD tại Indonesia
12:39' - 22/11/2024
Tập đoàn dầu mỏ Anh BP ngày 21/11 đã công bố một dự án chung trị giá 7 tỷ USD nhằm khai thác gần 85 tỷ m3 khí đốt tại Tangguh, tỉnh Tây Papua của Indonesia.
-
Doanh nghiệp
"Gã khổng lồ" pin châu Âu Northvolt xin bảo hộ phá sản
10:30' - 22/11/2024
Ngành công nghiệp xe điện toàn cầu hứng chịu cú sốc lớn khi Northvolt, một trong những nhà sản xuất pin hàng đầu châu Âu, chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 tại Mỹ.
-
Doanh nghiệp
Apple đề xuất tăng gấp 10 lần khoản đầu tư vào Indonesia
09:50' - 22/11/2024
Bộ Công nghiệp Indonesia ngày 21/11 cho biết tập đoàn công nghệ Apple (Mỹ) đã đề xuất kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào Indonesia để phát triển sản xuất linh kiện điện tử.