Linh hoạt trong phát triển nhà ở xã hội để phù hợp nhu cầu thực tế

16:32' - 28/08/2023
BNEWS Tại một số địa phương, nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhất là những địa bàn tập trung đông công nhân lao động và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, số người đáp ứng được hồ sơ theo quy định vẫn thấp.

Việc đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội được dư luận quan tâm; trong đó, có cả những đề xuất về tăng cường loại hình nhà ở cho thuê. Đòi hỏi này xuất phát từ các bất cập đang xảy ra thực tế tại một số địa phương khi phát triển nhà ở xã hội.

Tại Bắc Giang, dự án khu nhà nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh được xác định có quy mô dân số dự án là 12.000 người; trong đó khoảng 8.700 người là công nhân trong khu công nghiệp và khoảng 3.300 người phát sinh do xây dựng gia đình.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, số liệu thống kê thực tế thì người đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án thấp. Nguyên nhân là số người đáp ứng được yêu cầu về hồ sơ theo quy định thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, còn do có sự thay đổi về số lượng công nhân và nhu cầu nhà ở xã hội của họ.

Cùng với việc điều chỉnh mục tiêu thực hiện theo các gia đoạn, Bắc Giang sẽ tập trung khắc phục hạn chế trong thực hiện Đề án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân trên địa bàn; trong đó có tính đến việc mở rộng đối tượng thụ hưởng, không chỉ công nhân mà người thu nhập thấp cũng được tham gia mua nhà ở xã hội tại các dự án này.

Câu chuyện của Bắc Giang cũng không phải ngoại lệ với nhiều địa phương khác. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung kiến nghị về việc xây dựng nhà ở xã hội; trong đó, đề xuất mở rộng các đối tượng được mua nhà ở xã hội nhằm phục vụ nhu cầu cho người dân có thu nhập thấp đồng thời có chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

 

Liên quan tới nội dung này, Bộ Xây dựng khẳng định, Luật Nhà ở hiện hành quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 49) bao gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp…

Tính riêng trong 2 quý đầu của năm 2023, cả nước đã khởi công được 9 dự án với 18.768 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; trong đó có 6 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Hà Nội và Lâm Đồng và 3 dự án nhà ở công nhân tại Hải Phòng, Bình Định và Bắc Giang.

Trong khi đó, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn.

Như vậy, kết quả hoàn thành trong thời gian qua vẫn chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chính được Bộ Xây dựng chỉ ra là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài... Một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.

Bộ Xây dựng thông tin, hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, theo đó tại Điều 73 dự thảo Luật, ngoài những đối tượng đang được quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung thêm 1 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân.

Hiện Chính phủ vẫn đang tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong số đó có việc hoàn thiện đề xuất sửa đổi các chính sách liên quan đến quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội...

Tại tờ trình Dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Chính phủ, về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đã tiếp thu một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là công nhân, người lao động làm việc cho doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Theo Bộ Xây dựng, kiến nghị bổ sung đối tượng “công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp” để đảm bảo chính sách hỗ trợ công bằng cho công nhân (cả trong và ngoài khu công nghiệp) tại khoản 6 Điều 74 của dự thảo.

Bộ Xây dựng cho biết, đối với nhà ở xã hội, cũng có một số ý kiến đề nghị liên quan đến các nội dung như: gộp hoặc mở rộng đối tượng và lược bỏ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; nâng lợi nhuận định mức để thu hút đầu tư; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định được bán nhà ở xã hội đủ 5 năm hoặc chưa đủ 5 năm. Thậm chí có ý kiến cho rằng không cần thiết quy định thời gian được bán do hạn chế quyền của chủ sở hữu...

Tuy nhiên, về những ý kiến này, Bộ Xây dựng cho rằng, quy định tại dự thảo được kế thừa từ các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, do nguồn lực của nhà nước có hạn nên việc không mở rộng đối tượng và quy định về các điều kiện trong thực hiện chính sách là cần thiết. Thay vào đó, Dự thảo Luật cũng đã có chính sách ưu đãi hơn cho chủ đầu tư để thu hút đầu tư.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đối với các khu công nghiệp cần áp dụng chủ yếu phương thức cho thuê và cho phép doanh nghiệp là chủ thể trong việc tổ chức cho người lao động của mình thuê.

Việc tăng ưu đãi và tỷ trọng nhà cho thuê không những góp phần giải quyết việc mất cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản mà còn là yếu tố thúc đẩy đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội - ông Nghiêm nhận xét.

Bởi theo chuyên gia này, Nhà nước đang triển khai lập hệ thống theo Luật Quy hoạch (2017) và điều chỉnh quy hoạch xây dựng cấp tỉnh, quy hoạch phân khu, quy hoạch huyện, liên huyện), quy hoạch chi tiết; Bên cạnh đó, khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua và có hiệu lực thì sẽ sớm triển khai đồng bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện...

Trong những loại quy hoạch này đều có yêu cầu về nội dung xác định đất ở có thời hạn như yêu cầu của Luật quy hoạch. Điều này vừa là thách thức, vừa là thuận lợi để nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quy hoạch xây dựng nói chung và quy hoạch các khu công nghiệp.

Như vậy, giải pháp về quy hoạch chính là bước đi đầu tiên cần thực hiện để đảm bảo tới năm 2030 sẽ hoàn thành ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trên toàn quốc theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 4/2023 – ông Nghiêm nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục