Lĩnh vực nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của Đà Nẵng?

10:45' - 04/07/2023
BNEWS Thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng qua.
Khách du lịch đến Đà Nẵng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng của thành phố Đà Nẵng vừa được Cục thống kê Đà Nẵng công bố cho thấy khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.
 

Tuy nhiên, tăng trưởng của một số ngành có xu hướng chậm lại trong quý II, đặc biệt một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế có mức giảm khá sâu.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong mức tăng 0,21% toàn nền kinh tế quý II năm 2022, khu vực dịch vụ chỉ đạt mức tăng 0,95%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 12,13% của quý I.

Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ ước tăng 6,15% so với cùng kỳ, đóng góp 4,18 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung.

Trong khu vực dịch vụ, một số ngành có giá trị tăng thêm tăng khá cao phải kể đến như: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 62,2%; dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng tăng 38,0%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 32,8%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 19,0%; vận tải kho bãi tăng 12,3%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,0%...

Ở chiều ngược lại, hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhưng có mức giảm khá sâu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung, bao gồm: hoạt động kinh doanh bất động sản giảm gần 25,0%; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy giảm hơn 8,0%.

Cũng theo báo cáo, thương mại và du lịch Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 của Đà Nẵng ước đạt 59.642 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ (tăng 11,85% sau khi trừ trượt giá).

Trong đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 39,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 174,2% (là một trong những nhóm ngành có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước); dịch vụ tiêu dùng khác tăng 33,9%.

Đáng chú ý, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ 6 tháng ước đạt 3.508 nghìn lượt, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 930 nghìn lượt, cao gấp 11,3 lần cùng kỳ; khách trong nước đạt 2.578 nghìn lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ.

Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 6 tháng là 1,71 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,21 ngày/lượt; khách trong nước là 1,42 6 ngày/lượt (cùng kỳ năm 2022: 2,57 ngày/lượt đối với khách chung; 1,96 ngày/lượt đối với quốc tế và 2,61 ngày/lượt đối với khách trong nước).

Tổng số khách du lịch do các cơ sở lữ hành phục vụ 6 tháng ước đạt 632,9 nghìn lượt, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 186 nghìn lượt, cao gấp 11,1 lần; khách trong nước đạt 422,4 nghìn lượt, tăng 188,4%; khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt 24,3 nghìn lượt.

Trong 6 tháng qua, tổng doanh thu toàn ngành vận tải kho bãi; bưu chính và chuyển phát ước đạt gần 16.613 tỷ đồng, tăng 31,0% so với cùng kỳ.

Trong đó, vận tải đường bộ, đường sắt đạt 3.770 tỷ đồng, tăng 4,0%; đường thủy đạt 58,7 tỷ đồng, tăng 28,8%; đường hàng không đạt 7.121 tỷ đồng, tăng 56,9%; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải đạt 5.098 tỷ đồng, tăng 29,0%; dịch vụ bưu chính và chuyển phát đạt 565 tỷ đồng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Vận chuyển và luân chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy 6 tháng đầu năm 2023 tăng lần lượt 18,3% và 14,3% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 8,8% và luân chuyển tăng 6,5%.

Theo Cục thống kê thành phố Đà Nẵng, kinh tế thành phố Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng trong quý I năm 2023 với mức tăng sơ bộ so với cùng kỳ đạt 7,81%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng.

Tuy nhiên, bước sang quý II, trên nền kết quả tăng cao của cùng kỳ năm 2021-2022, một số lĩnh vực kinh tế có xu hướng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm 2023. 

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II năm 2023 ước tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,82%; khu vực dịch vụ tăng 0,95%; ở chiều ngược lại, khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 2,36% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,26%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GRDP ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức tăng 7,23% của 6 tháng đầu năm 2022. Mặc dù vậy, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có dịch COVID-19, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 13,48%.

Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, thứ 6/8 tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung và xếp vị trí 46/63 địa phương trên cả nước.

Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng xếp thứ 17 cả nước; đứng đầu các tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung, tăng 01 bậc so với cùng kỳ năm 20222 và tiếp tục duy trì vị trí thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục