Lò đốt đã xây xong... rác thải vẫn nằm chờ

08:44' - 19/06/2018
BNEWS Dự án nâng cấp, cải tạo bãi xử lý rác thải trung tâm huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang được phê duyệt đầu tư năm 2011 với kinh phí gần 50 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao và đưa vào sử dụng.
Công trình xử lý rác thải trung tâm huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Dự án nâng cấp, cải tạo bãi xử lý rác thải trung tâm huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang được phê duyệt đầu tư năm 2011 bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường Trung ương do Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Yên Minh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.

Đến nay, công trình gần như đã hoàn thiện các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản, lắp đặt xong hệ thống lò đốt rác.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, công trình vẫn chưa được bàn giao và đưa vào sử dụng. Trong khi đó, mỗi ngày hàng chục tấn rác thải trên địa bàn huyện vẫn phải xử lý đốt bằng phương pháp thủ công, gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Đào Văn Thuyết, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Minh, công trình nâng cấp, cải tạo bãi xử lý rác thải trung tâm huyện Yên Minh có quy mô 1,5 ha, được đầu tư xây dựng các hạng mục gồm: Kè chống sạt lở, đập lấy nước đầu nguồn, hệ thống cấp điện, nhà điều hành và nhà nghỉ công nhân, hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Hạng mục xây dựng cơ bản của dự án gần như đã hoàn thành và lắp đặt xong hệ thống lò xử lý rác thải rắn… trên 96% khối lượng.

Công trình do Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Yên Minh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Ông Thuyết cho biết: Đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị, Trung tâm Dịch vụ công cộng - môi trường và cấp thoát nước huyện Yên Minh vừa tiến hành thử nghiệm hoạt động của hệ thống lò đốt rác.

Kết quả vận hành, công suất đốt rác cơ bản đảm bảo thông số của hệ thống, trung bình đạt 500 kg rác thải/giờ. Rác đốt qua hệ thống lò đốt không thải khói ra môi trường, muội than sau đốt sẽ được chôn lấp... rất an toàn với môi trường xung quanh.

Ông Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ công cộng - môi trường và cấp thoát nước huyện Yên Minh nêu rõ: Từ thực tế quá trình vận hành thử nghiệm hoạt động hệ thống lò đốt rác, để có thể đốt hết số rác hàng ngày thu gom được, kinh phí dự kiến chi cho hoạt động quản lý, vận hành ước tính trên 1,8 tỷ đồng/năm, trung bình 150 triệu đồng/tháng.

Trong khi hiện nay, nguồn thu từ phí dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng trên 300 triệu/năm, không đảm bảo tái đầu tư, chi hoạt động thu gom, xử lý rác.

Mỗi ngày hàng chục tấn rác thải trên địa bàn huyện vẫn phải xử lý đốt bằng phương pháp thủ công, gây ô nhiễm môi trường. Minh Tâm/TTXVN

Đặc biệt, hiện số rác thải thu gom trên địa bàn huyện Yên Minh khoảng trên 10 tấn/ngày, theo công suất của lò đốt, sẽ phải vận hành 24 giờ và cần 12 công nhân.

Bên cạnh đó, rác hiện nay thu gom thường là rác ướt, chưa phân loại nên sẽ mất thêm công phơi, phân loại bởi một số loại rác được khuyến cáo nghiêm cấm và không thể đốt bằng công nghệ của lò.

Dự án nâng cấp, cải tạo bãi xử lý rác thải trung tâm huyện Yên Minh đầu tư kéo dài, chưa được bàn giao đưa vào sử dụng đã khiến việc xử lý rác gặp rất nhiều khó khăn.

Công nhân Trung tâm Dịch vụ công cộng - môi trường và cấp thoát nước huyện Yên Minh vẫn ngày ngày thu gom lượng rác thải của thị trấn Yên Minh và xã Hữu Vinh khoảng 13 - 15 tấn/ngày và xử lý đốt rác bằng phương pháp thủ công, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Có thể nói, để có nguồn kinh phí bố trí cho dự án nâng cấp, cải tạo bãi xử lý rác thải gần 50 tỷ đồng là không hề dễ dàng.

Hiện, hệ thống đã thử nghiệm xong, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng huyện Yên Minh lại không bố trí được kinh phí để vận hành nên lượng rác thải thu gom hàng ngày đã nhiều lên và dồn tới hàng trăm tấn chưa được xử lý khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang và huyện Yên Minh cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp hữu hiệu để việc quản lý, vận hành hệ thống xử lý rác thải đi vào hoạt động, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng dự án, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của huyện vùng cao núi đá phía Bắc vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với công tác bảo vệ môi trường./.

Xem thêm:

>>Indonesia quyết tâm xử lý vấn đề rác thải nhựa

>>Hướng tới du lịch không rác thải vì "Hạ Long xanh"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục