Lo ngại dòng tín dụng ngân hàng chảy vào “sân sau” bất động sản
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tổ chức mới đây, trả lời thắc mắc của nhà đầu tư về giao dịch liên quan đến người nội bộ, ông Ân Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc VIB khẳng định, ngân hàng hoàn toàn không cho vay với các doanh nghiệp liên quan đến thành viên ban lãnh đạo, ban điều hành.
Trong năm 2021, khoản vay liên quan đến người liên quan của ngân hàng chỉ có 19 tỷ đồng. VIB là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá không có cho vay "sân trước, sân sau". Đồng thời, cũng cho biết, vấn đề này được các cơ quan quản lý giám sát rất chặt chẽ.
Câu chuyện tồn tại “sân sau” của các ngân hàng thương mại vẫn luôn là vấn đề mà các cổ đông “hoài nghi” do lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chính ngân hàng. Hoài nghi này càng có cơ sở khi sự hiện diện của nhóm cổ đông lớn là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản ở các ngân hàng thương mại xuất hiện ngày càng dồn dập và nắm giữ các vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo ngân hàng.
Giữa năm 2021, giới tài chính khá bất ngờ khi ông Nguyễn Đức Thụy (còn gọi là Bầu Thụy), người sáng lập Công ty cổ phần Thaiholdings, một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực, bao gồm cả bất động sản được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Ông Thụy được bầu ở vị trí này với vai trò là cổ đông lớn, sở hữu khoảng 3% vốn hiện hành của ngân hàng. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Thaiholdings và người nhà ông Thụy đã thoái hết cổ phần tại LienVietPostBank, song bầu Thụy vẫn giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng và là cổ đông lớn, nắm giữ gần 25% cổ phần tại Thaiholdings. Cũng trong khoảng thời gian này, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) công bố có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới là bà Trần Thị Thu Hằng, sinh năm 1985. Đáng chú ý, trước khi đảm nhiệm chức vụ cao nhất ở ngân hàng này, bà Hằng là thành viên HĐQT của Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022 từ tháng 1/2021; đồng thời là Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group) và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần KS Group. Cả 2 công ty đều có lĩnh vực hoạt động chính là phát triển, kinh doanh bất động sản. Đến cuối tháng 7/2021, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) bổ nhiệm bà Bùi Thị Thanh Hương (sinh năm 1980), Giám đốc điều hành Tập đoàn Sun Group, nhà phát triển bất động sản nổi tiếng với các khu phức hợp khách sạn và giải trí lớn, vào vị trí Chủ tịch HĐQT của ngân hàng. NCB được biết là một trong 8 tổ chức tín dụng cam kết tài trợ vốn cho dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp Vân Đồn (Quảng Ninh) cho Sun Group. Hay gần đây nhất, vào tháng 2/2022, cuộc họp cổ đông thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã bầu ra 7 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2022-2026.Đáng chú ý, trong số này có ông Nguyễn Thanh Hùng, là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bamboo Capital; đồng thời là Phó chủ tịch điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi).
Ngoài ra, mối quan hệ “mật thiết” giữa ngân hàng và các công ty bất động sản còn phải kể đến Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Tập đoàn Masterise. Phần lớn các dự án dùng để vay vốn thế chấp của Tập đoàn này đều được thực hiện tại Techcombank.Hay như VPBank và MIK Group; SEABank và Tập đoàn BRG; HDBank và Tập đoàn Sovico… mà chỉ cần gõ lên Google cũng tìm thấy rất nhiều thông tin liên quan.
Theo các chuyên gia, nếu lãnh đạo các công ty bất động sản, đồng thời là chủ sở hữu của một số các ngân hàng, tuân thủ các quy tắc hoạt động của Ngân hàng Nhà nước; cộng thêm việc các ngân hàng thực thi theo Hiệp ước Basel (Basel 2, Basel 3), vấn đề an toàn vốn và kiểm soát nội bộ được tăng cường… thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động tài chính – tiện tệ có nhiều thách thức, vấn đề này cũng dấy lên nhiều lo ngại. Tại tọa đàm "Nhận định cơ hội đầu tư chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 15/3, khi đề cập đến tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho biết, qua thống kê, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường hiện nay chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có yếu tố đầu cơ cao như bất động sản.Các ngân hàng cũng là đối tượng phát hành nhiều trái phiếu, song mục đích chính là bổ sung vốn cấp 2, để có thêm nhiều cơ hội cho vay.
Theo vị chuyên gia này, dòng tín dụng của ngân hàng đang tập trung vào các “sân trước, sân sau”, mà chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản. Con số các ngân hàng cho vay ở các tập đoàn “sân sau” lớn đến mức đáng báo động và chưa từng có trong lịch sử ở Việt Nam. Tuy nhiên, các con số công bố chính thức vẫn đúng theo Luật của các tổ chức tín dụng và đây là điều rất đáng lo ngại. Trước đó, cuối năm 2021, tại một hội thảo có chủ đề liên quan đến vụ mất thanh khoản của tập đoàn bất động sản “khổng lồ” Evergrande (Trung Quốc), ông Nghĩa cũng cho biết, các tập đoàn bất động sản “sân sau” của ngân hàng có tình hình tài chính rất đáng báo động.Nghĩa vụ nợ trên tổng tài sản, nghĩa vụ nợ trên vốn chủ sở hữu, khả năng thanh toán rất yếu. Thậm chí, còn đáng báo động hơn cả tình hình của Evergrande và cần phải được cải thiện.
Đáng chú ý, mới đây nhóm chuyên gia kinh tế, bao gồm Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol Anh; ông Nguyễn Hữu Tuấn, chuyên gia phân tích đầu tư; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trang cùng thuộc Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số cảnh báo về vấn đề này. Cụ thể, trên chuyên mục Viễn cảnh 2022 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Singapore) ngày 17/2/2022, nhóm chuyên gia nhận định, kể từ năm 2010, vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng đã được xử lý, giám sát hiệu quả.Tuy nhiên, một hình thức nắm giữ chéo phức tạp hơn đã xuất hiện trong những năm gần đây, với ngày càng nhiều công ty bất động sản trở thành những người có quyền quyết định ở các ngân hàng thương mại. Điều này làm dấy lên lo ngại các công ty bất động sản có thể làm sai lệch các hoạt động cho vay của các ngân hàng, nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Cụ thể, theo Luật các tổ chức tín dụng, tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng; Tổng dư nợ cho vay và số dư bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Số dư này bao gồm cả trái phiếu do các công ty của khách hàng phát hành cho tổ chức cho vay. “Do hầu hết các công ty bất động sản đều sở hữu nhiều công ty con, họ có thể vượt qua các giới hạn này bằng cách cho các công ty con vay từ các ngân hàng. Ngoài ra, những các nhà phát triển cũng có thể sử dụng các doanh nghiệp liên kết mà chủ sở hữu không liên quan để vay từ cùng một ngân hàng.Trong những trường hợp như vậy, các ngân hàng có thể cho vay các nhóm liên kết hơn 25% vốn sở hữu mà không biết rằng họ đã thực sự vượt qua giới hạn”, báo cáo nhận định.
Trong khi hệ thống quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại có thể báo động đỏ đối với các giao dịch này, tuy nhiên nếu lãnh đạo ngân hàng là nhà phát triển bất động sản hoặc những người có liên quan, thì họ có thể ngăn chặn những cảnh báo như vậy. Và thực tế, đã có những trường hợp tương tự trong các ngân hàng châu Âu. Chẳng hạn như Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) trong vụ bê bối với Công ty tài chính Greensill Capital, khi các cảnh báo đã bị các giám đốc điều hành của ngân hàng phớt lờ. Các chuyên gia lưu ý, với sự gia tăng của ngân hàng bóng tối, ứng dụng fintech và các tổ chức cho vay bán lẻ, việc theo dõi sự dịch chuyển dòng tiền có thể sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều, vì các công ty vỏ bọc có thể vay từ các nhóm khác nhau của một ngân hàng thương mại.Do đó, rất khó cho các cơ quan quản lý xác định bao nhiêu ngân hàng tiếp xúc với một người đi vay cuối cùng cũng như khó giám sát số lượng các ngân hàng bị các công ty bất động sản “thao túng”.
Chưa kể, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng có thể xấu đi nếu các nhà lãnh đạo chỉ tập trung vào việc cho vay các công ty “sân sau" mà bỏ qua các hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng. Điều này sẽ dẫn đến việc phân bổ sai nguồn lực và giảm hiệu quả của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế… Để tránh những rủi ro này, cơ quan quản lý cần có một hệ thống thông tin tốt hơn để theo dõi quyền sở hữu của các ngân hàng và giảm thiểu tình trạng sở hữu tập trung; đồng thời, yêu cầu có sự đa dạng trong HĐQT và nâng cao vai trò của thành viên HĐQT độc lập.Khi quyền sở hữu không tập trung vào một vài cổ đông lớn và thành viên HĐQT độc lập có thể loại bỏ phương thức kinh doanh mờ ám; các ngân hàng sẽ được quản lý tốt hơn và chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những cú sốc bên ngoài cũng như tránh được những trường hợp như Evergrande xảy ra ở Việt Nam - nhóm chuyên gia khuyến nghị./.
- Từ khóa :
- vốn tín dụng
- tín dụng ngân hàng
- ngân hàng
- bất động sản
Tin liên quan
-
Ngân hàng
Vietcombank làm đầu mối thu xếp cấp tín dụng cho Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất 2
16:36' - 17/03/2022
Vietcombank đã thực hiện thu xếp thành công khoản cam kết cấp tín dụng trị giá 35 nghìn tỷ đồng cho dự án cùng 7 tổ chức tín dụng có năng lực và uy tín tại Việt Nam.
-
Tài chính & Ngân hàng
Yêu cầu tăng mức tín dụng với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu
19:28' - 16/03/2022
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
-
DN cần biết
VCCI đồng thuận với đề xuất kéo dài Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
20:02' - 15/03/2022
VCCI đồng thuận với phương án ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn của chính sách này cho đến khi có Luật về xử lý nợ xấu.
-
Tài chính & Ngân hàng
Tín dụng ở Tp Hồ Chí Minh tăng cao kể từ quý 4/2021
20:16' - 09/03/2022
Sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài, kinh tế Tp Hồ Chí Minh đang có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính & Ngân hàng
Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng
19:24'
Thủ tướng yêu cầu triển khai Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
-
Tài chính & Ngân hàng
BoK: Đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc giảm mạnh
08:30'
BoK cho biết điều này đã gây ra tình trạng bất ổn chính trị và làm rung chuyển thị trường ngoại hối và chứng khoán.
-
Tài chính & Ngân hàng
Thuế nhập khẩu và lãi suất "ghìm chân" bất động sản Mỹ
07:39' - 18/05/2025
Các mức thuế nhập khẩu do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt một cách mạnh tay và bất thường – bao gồm cả thuế đối với gỗ xẻ và thép – đã khiến các nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn.
-
Tài chính & Ngân hàng
Lao động nước ngoài tại Hàn Quốc chuộng nhận lương bằng tiền điện tử
10:14' - 17/05/2025
Những người trong ngành tiền điện tử cho biết tiền điện tử đang nhanh chóng trở thành một hình thức “tiền tệ chính thức” đối với những người lao động nước ngoài không có giấy tờ.
-
Tài chính & Ngân hàng
Tin tặc đánh cắp thông tin người dùng trên sàn giao dịch Coinbase
13:06' - 16/05/2025
Tin tặc đã hối lộ một nhóm nhân viên sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase để đánh cắp thông tin người dùng nhằm chiếm đoạt tiền điện tử, sau đó tống tiền nền tảng này nhằm giữ kín vụ việc.
-
Tài chính & Ngân hàng
Mexico giảm lãi suất lần thứ bảy liên tiếp
09:40' - 16/05/2025
Phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn thông cáo của Banxico nhận định "giai đoạn lạm phát" đã qua và các cú sốc toàn cầu đã được giải quyết, qua đó cho phép ngân hàng này tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất.
-
Tài chính & Ngân hàng
Vốn chính sách mang lại sinh kế bền vững cho người dân
07:44' - 16/05/2025
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Long, huyện Châu Phú cho biết, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện để người dân địa phương phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, tạo việc làm.
-
Tài chính & Ngân hàng
Ra mắt thẻ đồng thương hiệu NAPAS – Mastercard đầu tiên tại Việt Nam
19:31' - 15/05/2025
Sản phẩm thẻ mới tích hợp đồng thời hai chức năng của thẻ NAPAS và thẻ quốc tế Mastercard trên cùng một thẻ vật lý, cho phép người dùng thực hiện giao dịch trong nước và quốc tế một cách thuận tiện.
-
Tài chính & Ngân hàng
Lợi suất trái phiếu tăng, Nhật Bản đối mặt bài toán khó
17:31' - 15/05/2025
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn siêu dài đã tăng đều đặn kể từ tháng Tư, ngay cả khi lợi suất của các kỳ hạn khác vẫn ổn định.