Lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái, chứng khoán châu Á đi xuống

10:58' - 09/09/2024
BNEWS Phiên 9/9, chứng khoán châu Á đi xuống sau khi số liệu việc làm của Mỹ thấp hơn dự kiến, làm dấy lên những lo ngại về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 2,1% xuống 35.613,32 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 1,9% xuống 17.119,92 điểm; còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,9% xuống 2.741,82 điểm.

Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 6/9, tăng trưởng việc làm của nước này trong tháng 8/2024 thấp hơn kỳ vọng, làm gia tăng khả năng sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tới đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng 142.000 việc làm trong tháng 8/2024, thấp hơn dự báo tăng 160.000 việc làm được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó, sau khi tăng 89.000 việc làm vào tháng Bảy.

Các nhà giao dịch đã cảm thấy lo lắng kể từ khi các số liệu tháng Bảy được công bố, vốn đã làm dấy lên làn sóng bán ra trên thị trường do đồn đoán Fed có thể đã chờ đợi quá lâu để cắt giảm chi phí vay mượn trong khi tập trung vào việc giảm lạm phát.

Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gần 1% so với mức thấp của năm ngoái, tạo ra một chỉ báo suy thoái phổ biến được gọi là "quy tắc Sahm". Được nhà kinh tế học Claudia Sahm đưa ra vào năm 2019, quy tắc Sahm chỉ ra rằng, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình 3 tháng của Mỹ tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất của 12 tháng trước đó, kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.

Trong bối cảnh Fed sẽ nhóm họp vào tuần tới, thị trường đang tranh luận về việc liệu Fed sẽ giảm lãi suất 25 hay 50 điểm cơ bản.

Chuyên gia Rodrigo Catril tại ngân hàng National Australia Bank nhận định báo cáo việc làm không đánh đi tín hiệu một cuộc suy thoái nghiêm trọng sắp xảy ra, nhưng sự yếu kém trong các con số chắc chắn chỉ ra rằng khả năng suy thoái có thể đang gia tăng.

Bên cạnh đó, dự báo doanh thu thất vọng của nhà sản xuất chip Broadcom cũng góp phần tạo nên tâm lý tiêu cực và gây tổn thất cho ngành công nghệ, vốn đã chịu sức ép do lo ngại rằng đà tăng trưởng trong năm nay có thể đã quá mức.

Tại Việt Nam, sáng 9/9, chỉ số VN-Index có lúc giảm 6,17 điểm, hay 0,48%, xuống 1.267,79 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index có lúc giảm 0,53 điểm, hay 0,22%, xuống 234,12 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục