Lo ngại về “sức khỏe” kinh tế Trung Quốc kéo giá dầu châu Á giảm

16:28' - 02/08/2021
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 2/8, giữa bối cảnh giới đầu tư quan ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc.

Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 2/8, giữa bối cảnh giới đầu tư quan ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc sau các số liệu kém lạc quan về hoạt động chế tạo trong tháng 7/2021. Ngoài ra, khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) gia tăng sản lượng càng góp phần đè nặng lên giá dầu.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 74 xu Mỹ (1%), xuống 74,67 USD/thùng. Trước đó, vào giữa phiên này, giá dầu Brent rơi xuống mức 74,67 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng mất 70 xu Mỹ (1%), xuống 73,25 USD/thùng. Trước đó, cũng trong phiên này, giá dầu WTI có lúc rớt xuống mức 72,77 USD/thùng.

Số liệu công bố cuối tuần trước của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, hoạt động của các nhà máy nước này đã suy yếu trong tháng 7/2021, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả này là do ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu thụ chậm lại, giá hàng hóa cao, xuất khẩu yếu và thời tiết khắc nghiệt. Các nhà phân tích cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), thước đo chính đánh giá hoạt động sản xuất của Trung Quốc, dường như đang chững lại trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2021 và tháng 7/2021 cho thấy sự sụt giảm rõ rệt đầu tiên, “tô đậm” thêm những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt.

Sức ép giảm cho giá dầu còn đến từ khảo sát mới đây của Reuters cho thấy, sản lượng dầu mỏ của OPEC trong tháng 7/2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, khi nhóm này tiếp tục nới lỏng sản lượng theo thỏa thuận với các đồng minh, trong khi nhà xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC là Saudi Arabia đã loại bỏ việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện.

Giữa bối cảnh số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, các nhà phân tích cho biết, tỷ lệ tiêm chủng cao hơn sẽ hạn chế các đợt phong tỏa xã hội "khắc nghiệt", vốn làm giảm nhu cầu năng lượng như trong thời kỳ cao điểm của đại dịch năm ngoái. Mức tiêu thụ xăng hàng ngày của Ấn Độ đã vượt quá mức trước đại dịch vào tháng Bảy vừa qua, khi các bang nới lỏng việc phong tỏa xã hội do dịch COVID-19, trong khi doanh số bán xăng thấp, báo hiệu hoạt động công nghiệp của nước này trong tháng Bảy sụt giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục