Lo nhà ở cho công nhân để phục hồi kinh tế hậu COVID-19

15:24' - 12/11/2021
BNEWS Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội theo hướng tách riêng nhà ở công nhân để đảm bảo phù hợp thực tế, cụ thể hơn và đúng hơn cho nhóm đối tượng này.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023; trong đó, đặc biệt chú trọng đến nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, khu nhà ở cho người lao động chịu động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp cấp thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế đang được xã hội quan tâm. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Phóng viên: Cuối tháng 10, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng 65 nghìn tỷ đồng để cho vay lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Dòng vốn này có ý nghĩa như thế nào trong thời này và giai đoạn sắp tới, liệu những “nút thắt” về nhà ở cho công nhân có được tháo gỡ không, thưa ông?

Ông Hà Quang Hưng: Thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế và các đối tượng trong xã hội. Điển hình là công nhân các khu công nghiệp - một trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi họ sống tại nhiều khu nhà ở không đảm bảo về điều kiện vệ sinh môi trường. Điều này vừa ảnh hưởng về mặt sức khỏe, là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nên dễ dẫn đến gián đoạn công việc, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất của nền kinh tế.

Đứng trước thực trạng đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình phục hồi kinh tế hậu COVID; trong đó, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và phải chú trọng đến nhà ở công nhân các khu công nghiệp. Trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa vào Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 gói tín dụng về nhà ở xã hội; trong đó có nhà ở công nhân với mục tiêu kép của Chính phủ. Đó chính là đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo nhà ở, sức khỏe cho người công nhân, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế đến năm 2023 sau phục hồi hậu COVID.

Phóng viên: Xin ông cho biết về việc phân bổ của gói tín dụng 65 nghìn tỷ đồng này và nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách? 

Ông Hà Quang Hưng: Trong đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị tổng gói là 65 nghìn tỷ đồng; trong đó phân ra làm 2 gói tín dụng chính. Gói tín dụng thứ nhất gồm có 15 nghìn tỷ đồng; trong đó có 14 nghìn tỷ đồng là cấp vốn tín dụng cho Ngân hàng chính sách xã hội trong chương trình đầu tư công giai đoạn 2021 – 2026 để ngân hàng chính sách xã hội cho các đối tượng là khách hàng cá nhân được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Còn 1 nghìn tỷ đồng sẽ dành cho các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho các chủ đầu tư cũng như khách hàng cá nhân vay phát triển nhà ở xã hội. Đây là những gói tín dụng bù lãi suất.

Gói tín dụng thứ hai là 50 nghìn tỷ đồng theo hướng cấp tín dụng cho  ngân hàng thương mại để các ngân hàng này cho 2 nhóm đối tượng vay. Nhóm thứ nhất là người công nhân trong các khu công nghiệp được vay để mua, thuê mua các dự án nhà ở xã hội. Nhóm thứ hai là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân bao gồm cả chủ đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; trong đó có các dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê.

Để những đối tượng kể trên có thể tiếp cận được gói tín dụng này dễ dàng và hiệu quả, hiện nay, theo gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đề xuất cũng có bổ sung thêm một số cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ thêm cho chủ đầu tư. Trước mắt là đề xuất cơ chế bổ sung thêm nhóm đối tượng là doanh nghiệp có công nhân kinh doanh sản xuất trong khu công nghiệp thì được mua hoặc thuê theo gói thuê các tầng hoặc cả block nhà ở để cho công nhân thuê. Trên thực tế thì hiện nay nội dung này chưa có trong quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, đối với công nhân, Bộ Xây dựng đang đề xuất, trường hợp là công nhân khu công nghiệp thì chỉ cần chứng minh có hợp đồng làm việc trong khu công nghiệp là đủ điều kiện thuê nhà ở trong khu công nghiệp để ở chứ không phải đảm bảo điều kiện về thu nhập hay điều kiện cư trú như hướng dẫn trước đây.

Trong trường hợp công nhân muốn ổn định chỗ ở cùng với gia đình theo hướng sẽ mua nhà ở xã hội tại địa phận ngoài khu công nghiệp, họ chỉ cần làm việc ở khu công nghiệp khoảng 2 - 3 năm thì sẽ không phải chứng nhận về điều kiện thu nhập hay cư trú. Những điểm mới về cơ chế, chính sách đang được Bộ Xây dựng kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội để bổ sung thực hiện cùng với gói tín dụng 65 nghìn tỷ đồng này.

Phóng viên: Mặc dù cơ chế chính sách đã cụ thể và “nới lỏng” hơn để tạo điều kiện cho các đối tượng trên dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phản ánh, nhà ở cho công nhân hiện nay đang được quy định cùng với nhà ở xã hội chứ chưa có hành lang chính sách dành riêng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao? 

Ông Hà Quang Hưng: Hiện nay, công nhân là một trong 10 nhóm đối tượng quy định được hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 49 của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, công nhân có phương thức sống và đặc thù về công việc rất khác so với các đối tượng khác. 

Hiện Bộ Xây dựng đang đề xuất với Chính phủ, Quốc hội là sẽ đưa vào chương trình xây dựng pháp luật thời gian tới việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Theo đó, Bộ Xây dựng cũng đang kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội theo hướng tách riêng nhà ở công nhân để đảm bảo có các cơ chế chính sách phù hợp và cụ thể hơn, đúng hơn cho nhóm đối tượng này.

Có thể thấy, một số khác biệt trong các loại hình nhà ở đang cùng được hỗ trợ mà trước tiên là quy định về trách nhiệm để dành quỹ đất. Theo quy định hiện hành, quỹ đất dành phát triển nhà ở xã hội hiện nay thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại khi phát triển khu đô thị cũng phải để dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. 

Bởi vậy, thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị trong dự án khu công nghiệp thì chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cũng phải có trách nhiệm dành ra một phần quỹ đất trong đất kinh doanh, dịch vụ, thương mại của khu công nghiệp đó để xây dựng nhà ở công nhân nhưng chỉ dành cho thuê, theo hướng phải đáp ứng 50% nhu cầu nhà cho công nhân.

Ngoài ra, chủ đầu tư của các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cũng sẽ có các cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, thực chất hơn để khuyến khích họ tham gia vào đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê; đồng thời, sẽ thêm cơ chế chính sách đối với công nhân để đảm bảo họ có khả năng tiếp cận tốt hơn nhà ở cho thuê hoặc nếu có điều kiện thì mua nhà ở xã hội ở ngoài dự án khu công nghiệp.

Phóng viên: Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu các tỉnh phê duyệt dự án khu công nghiệp phải bổ sung quỹ đất nhất định dành cho dự án phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều khu công nghiệp đã đi vào vận hành. Vậy bài toán này sẽ được giải quyết ra sao nếu họ đã xây dựng rồi và không còn quỹ đất nữa, thưa ông?

Ông Hà Quang Hưng: Đối với các dự án khu công nghiệp hiện nay đang triển khai xây dựng và khó khăn về nhà ở tức là có nhu cầu về nhà ở công nhân trong khi dự án lại chưa sử dụng hết đất của khu công nghiệp thì Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố rà soát lại. Trong trường hợp còn quỹ đất chưa sử dụng thì có thể điều chỉnh quy hoạch đất khu công nghiệp thành đất nhà ở hoặc điều chỉnh sang công năng đất kinh doanh dịch vụ, thương mại, đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú, cho thuê.

Trường hợp khu công nghiệp đã lấp đầy, UBND tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm quy hoạch khu đất bên cạnh các khu công nghiệp đó để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục