Lời cầu cứu từ Phìn Hồ *Bài 2: Tăng cường quản lý, giữ rừng

18:28' - 31/12/2023
BNEWS Từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép tại xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ diễn biến phức tạp, cần có giải pháp ngăn chặn kịp thời để bảo vệ khu vực rừng còn sót lại.

Chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu và lực lượng chức năng cần sớm vào cuộc quyết liệt và có những biện pháp “mạnh tay” hơn để bảo vệ loài cây gỗ quý này.

* Trên “nóng” dưới “lạnh”

Xã Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ) là điểm nóng điễn ra hoạt động khai thác trái phép rừng gỗ nghiến. Vì vậy, chính quyền tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trực tiếp là chính quyền xã, lực lượng Kiểm lâm tại trạm kiểm soát đóng trên địa bàn vẫn để “lâm tặc” hoành hành tàn phá rừng gỗ nghiến.

Lãnh đạo chính quyền huyện Sìn Hồ cho biết, gỗ nghiến có giá trị cao, vì vậy các đối tượng bất chấp pháp luật, tìm cách qua mặt lực lượng chức năng kiểm soát để chặt phá rừng.

 

Nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn các vụ vi phạm lâm nghiệp, UBND huyện Sìn Hồ ban hành nhiều công văn. Trong đó, tháng 8/2023, UBND huyện Sìn Hồ có công văn về việc triển khai thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng năm 2023; tháng 10 - 11/2023, UBND huyện tiếp tục có công văn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.

Nội dung công văn nêu rõ trách nhiệm của từng ngành, chính quyền cơ sở… Tuy nhiên, với thực tế, hoạt động khai thác gỗ nghiến trái phép ở xã Phìn Hồ vẫn công khai. Liệu rằng, các công văn mà UBND tỉnh Lai Châu, UBND huyện Sìn Hồ ban hành xuống cơ sở có thực sự hiệu quả?

Tại xã Phìn Hồ, chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra, nhưng tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Khi chứng kiến hình ảnh cây gỗ bị “lâm tặc” đốn hạ, cưa xẻ của phóng viên cung cấp, Phó Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ Giàng A Pềnh tỏ ra bất ngờ, nói: “Sao khi đi kiểm tra xã không nhìn thấy nhỉ. Xã cũng thường xuyên tăng kiểm tra. Có thể phóng viên vào được, chúng tôi lại chưa đến được. Xã sẽ chỉ đạo anh em kiểm tra ngay lập tức”.

Ông Giàng A Pềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ giải thích: “Trên rừng không thể chỗ nào mình cũng có thể đi kiểm tra hết được. Do địa hình chủ yếu đồi núi dốc, đá nhiều, bà con đi xẻ gỗ thường vào ban đêm; khi nghe thấy tiếng máy cưa, lực lượng vào, họ lại đi chỗ khác. Xã làm chặt chẽ vấn đề này. Xã rất đau đầu việc người dân vận chuyển được gỗ ra khỏi địa bàn”.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ Trần Công Trung cho biết, đối với lực lượng Kiểm lâm, khi nắm được thông tin, Hạt chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương ban hành các văn bản; đồng thời chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm địa bàn xuống trực tiếp làm việc với UBND xã, phối hợp với Công an xã và tổ xung kích tuần tra phát hiện ngăn chặn.

Trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng là trách nhiệm chung toàn xã hội, trong đó trách nhiệm chính là của chủ rừng gồm UBND xã Phìn Hồ, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sìn Hồ và cá nhân chủ rừng ký hợp đồng giao khoán, bảo vệ. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các chủ rừng chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, quyết liệt.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sìn Hồ khẳng định: Để xảy ra tình trạng phá rừng, trước hết trách nhiệm thuộc về cấp ủy chính quyền địa phương và chủ rừng chưa thực hiện hết trách nhiệm theo Điều 102 Luật Lâm nghiệp 2017: Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của UBND các cấp. Thứ hai, do đời sống bà con trên địa bàn khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập thấp, nghiện hút nhiều dẫn đến một số người đi làm thuê cho các “đầu nậu” rồi chặt phá rừng để kiếm tiền mưu sinh.

Khu vực này có hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng để hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hợp đồng thể hiện rõ nội dung cam kết nếu để phá rừng, mất rừng sẽ bị trừ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhưng vì cuộc sống khó khăn, bà con vẫn cứ vi phạm mặc dù đã ký cam kết. Lực lượng kiểm lâm mỏng dù cố gắng hết sức nhưng địa bàn rộng gây khó khăn trong công tác tuần tra, quản lý không thể thường xuyên được, dẫn đến việc phát hiện xử lý các vụ việc chưa kịp thời.

* Cần quyết liệt vào cuộc

Tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép diễn ra nhiều năm nay, rất nhiều cây gỗ nghiến giá trị có đường kính từ 50cm trở lên bị “lâm tặc” đốn hạ. Chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu cần vào cuộc, có giải pháp căn cơ quyết liệt và đồng bộ để bảo vệ những cánh rừng nghiến, giữ màu xanh cho rừng ở Phìn Hồ.

Nói về khó khăn của lực lượng Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Phìn Hồ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ Trần Công Trung chia sẻ: “Mặc dù phát hiện được vụ việc nhưng khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn, lực lượng Kiểm lâm gặp nhiều khó khăn. Truy đuổi, không dám quyết liệt, khi xảy ra vấn đề gì lực lượng Kiểm lâm bị trách nhiệm.

Trước đây, Hạt đề nghị Sở giao thông Vận tải tỉnh cấp cho barie chắn đường nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nhưng không nhận được trả lời. Trong khi đó, “đầu nậu” chủ yếu là đối tượng nghiện, rất manh động. Trạm có một đồng chí khi thực hiện biện pháp ngăn chặn đã bị các đối tượng này làm cho bị thương”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ (Lai Châu) Vũ Văn Cương nhấn mạnh: “Để giải quyết triệt để tình trạng khai thác gỗ trái phép là bài toán khó khăn với địa bàn hiểm trở như Sìn Hồ. Tuy nhiên, thời gian tới, huyện Sìn Hồ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền cơ sở. Huyện tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm trong cộng đồng và chính quyền cơ sở khi để xảy ra vụ việc.

Trong dịp cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung phối hợp triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, phối hợp nhiều lực lượng để bám sát địa bàn, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; kiên quyết đấu tranh, xử lý các hành vi phá rừng trái phép, nhất là số đối tượng đầu nậu, cầm đầu và có hành vi tiếp tay, bảo kê cho đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, hủy hoại rừng.

Công an tỉnh Lai Châu đề nghị người dân mạnh dạn lên án, tố giác những hành vi hủy hoại rừng nói chung, vụ hủy hoại rừng tại tiểu khu 103 thuộc bản Séo Lèng 2, xã Phìn Hồ nói riêng để cơ quan Cảnh sát điều tra kịp thời điều tra, xử lý.   

Chỉ khi nào cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc quyết liệt với những biện pháp đủ mạnh, mang tính răn đe thì mới có thể chấm dứt được vấn nạn khai thác gỗ nghiến trái phép hàng trăm tuổi ở xã Phìn Hồ. Chính quyền huyện Sìn Hồ đừng để phía sau biển cấm chặt phá rừng phòng hộ ở rừng nghiến xã Phìn Hồ là rừng "rỗng ruột".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục