Cà phê châu Phi gặp khó khi EU thực thi quy định chống phá rừng

09:40' - 21/12/2023
BNEWS Các nhà nhập khẩu cà phê vào Liên minh châu Âu (EU) đang bắt đầu thu hẹp quy mô mua hàng từ các nông dân nhỏ ở châu Phi.

Các nhà nhập khẩu cà phê vào Liên minh châu Âu (EU) đang bắt đầu thu hẹp quy mô mua hàng từ các nông dân nhỏ ở châu Phi khi đạo luật cấm bán hàng hóa liên quan đến việc phá rừng, nguyên nhân gây biến đổi khí hậu sắp có hiệu lực.

Các nguồn tin trong ngành cho biết, chi phí và khó khăn trong việc tuân thủ Quy định chống phá rừng của EU (EUDR), có hiệu lực vào cuối năm 2024, đã gây ra những tác động ngoài ý muốn mà có thể định hình lại các thị trường hàng hóa toàn cầu theo thời gian.

 

Ví dụ các đơn đặt hàng đã không còn trong những tháng gần đây đối với cà phê từ Ethiopia, nơi có khoảng 5 triệu gia đình nông dân sống dựa vào cây trồng này.

Họ cảnh báo rằng các chiến lược tìm nguồn cung được các công ty áp dụng đạo luật này có nguy cơ làm tăng tình trạng đói nghèo của hộ nông dân quy mô nhỏ và tăng giá đối với người tiêu dùng EU, đồng thời làm suy yếu tác động của EUDR đối với việc bảo tồn rừng.

Johannes Dengler, Giám đốc điều hành của nhà rang xay Dallmayr của Đức, công ty mua khoảng 1% lượng cà phê xuất khẩu của thế giới, cho biết: “Tôi thấy không có cách nào mua được số lượng đáng kể cà phê Ethiopia trong thời gian tới”.

Ông cho biết, vì những hạt cà phê mà ông đặt hàng hiện nay có thể được đưa vào các sản phẩm cà phê được bán trong khối vào năm 2025, nên phải tuân thủ EUDR.

Theo EUDR, các nhà nhập khẩu các mặt hàng như cà phê, ca cao, đậu tương, cọ, gia súc, gỗ và cao su - và các sản phẩm sử dụng chúng - phải chứng minh được không có nguồn gốc từ đất bị phá rừng hoặc phải đối mặt với các khoản phạt nặng.

Công ty cà phê lớn JDE Peets cho biết họ có thể buộc phải loại một số quốc gia sản xuất nhỏ hơn khỏi chuỗi cung ứng ngay từ tháng 3/2023 nếu không tìm ra và thực hiện giải pháp trước thời điểm đó. Phá rừng là nguyên nhân thứ hai gây ra biến đổi khí hậu sau việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Ủy ban châu Âu cho biết có một số sáng kiến nhằm giúp các nước sản xuất và các hộ sản xuất nhỏ tuân thủ EUDR, trong đó có sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), nơi EU và các quốc gia thành viên cam kết chi 70 triệu euro (76 triệu USD) cho mục tiêu này.

Một số hộ sản xuất nhỏ coi EUDR là một cơ hội, đặc biệt nếu đi kèm với các biện pháp hỗ trợ của EU, vì nó sẽ giúp họ đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm có nguồn gốc bền vững.

 

* Giám sát nguồn gốc sản phẩm

EUDR yêu cầu các công ty lập bản đồ kỹ thuật số chuỗi cung ứng của họ đến tận khu vực trồng nguyên liệu thô để có thể truy xuất hàng triệu trang trại nhỏ ở vùng sâu vùng xa.

Hơn nữa, do các công ty thường không giao dịch trực tiếp với nông dân nên họ có thể dựa một phần vào dữ liệu được cung cấp bởi nhiều trung gian địa phương.

Ở một số nước đang phát triển, phạm vi phủ sóng Internet không đồng đều khiến việc lập bản đồ trở nên khó khăn, trong khi các thương nhân và chuyên gia trong ngành cho rằng tranh chấp quyền đất đai, thực thi pháp luật yếu và xung đột gia tộc có thể gây khó khăn cho việc tìm kiếm dữ liệu về quyền sở hữu trang trại.

Cà phê tạo ra 30-35% tổng thu nhập xuất khẩu của Ethiopia, với gần 25% được bán sang EU. “Các nhà rang xay đang chuyển sang các nông dân Brazil (Bra-xin) giàu có. Điều này thực sự gây sốc”, một thương gia tại một công ty thương mại cà phê lớn cho biết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục