Lời giải cho bài toán “khát” nhân tài công nghệ Việt

16:16' - 17/12/2021
BNEWS Nhân tài công nghệ là điều kiện tiên quyết trong sự vươn lên của những “kỳ lân” tại Việt Nam.

Khi cả thế giới đều “khát” nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, thì việc tìm tòi, đào tạo, phát triển các tài năng công nghệ sẽ đảm bảo sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nền kinh tế số.

Trở thành “vùng trũng” hút nhân tài

Kỷ nguyên cách mạng công nghệ đã tiến thêm một bước dài vì COVID-19. Dù gây ra những tổn thương rất lớn, nhưng đại dịch lại tạo một động lực lớn chưa từng có cho việc phát triển các ngành kinh tế mới dựa trên AI và công nghệ. Sự tăng tốc của nền kinh tế số kéo theo sự thiếu hụt của nhân lực ngành công nghệ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam cần thêm khoảng 150.000 nhân sự liên quan đến ngành công nghệ thông tin mỗi năm, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đảo ngược “chảy máu chất xám”, tự biến doanh nghiệp thành “vùng trũng” hút nhân tài là cách nhiều ông lớn trong ngành công nghệ Việt Nam lựa chọn. Họ tìm đến Thung lũng Silicon để chiêu mộ nhân sự chủ chốt, bởi 81,8% lao động trình độ cao trong ngành công nghệ của Việt Nam đang làm việc tại Mỹ, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới. Từ 2019, đã có làn sóng “chất xám Việt” chung tầm nhìn về nước, quy tụ tại các công ty công nghệ lớn như Vingroup, Techcombank, One Mount…

Tuy nhiên, theo ông Đinh Việt Hưng - người từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại Google, hiện đang là Giám đốc Khối Công nghệ tại One Mount, việc chiêu mộ những người giỏi chỉ là “phần ngọn”, quan trọng hơn cả là môi trường phát triển công nghệ để họ phát huy hết năng lực vốn có, cho họ thấy giá trị đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế số ở Việt Nam.

“Như tại One Mount, đó không chỉ tạo dựng hệ sinh thái số để giải quyết thách thức cho đối tác và người dân Việt Nam, từ bán lẻ, bất động sản đến dịch vụ tài chính; mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững khi những tài năng công nghệ được dìu dắt bởi chính những nhân tài và ‘văn hóa tech’ đúng nghĩa”, ông Hưng cho biết, những người đã thành danh ở nước ngoài trở về chính là những người thầy tốt nhất, có thể đào tạo ra hàng trăm trò giỏi thông qua “vườn ươm công nghệ”.

Tốt nghiệp MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) cùng nhiều năm làm việc tại những “gã khổng lồ” như Microsoft hay Walmart Labs, anh Lương Vĩnh An - Trưởng phòng Khoa học dữ liệu One Mount quyết định trở về Việt Nam bởi khát khao xây dựng đội ngũ "trong mơ" ngay tại One Mount:

"Là một người dẫn dắt, tôi không chỉ sẻ chia kinh nghiệm, mà còn được học hỏi thêm từ các bạn trẻ, đồng thời trao quyền cho nhóm của mình xây dựng môi trường làm việc năng động, nỗ lực mỗi ngày vì một mục tiêu chung là tạo ra tác động tích cực cho xã hội. Điều này đòi hỏi hướng đi đúng đắn và cải thiện mình mỗi ngày, bởi ngành khoa học dữ liệu đang chuyển động vô cùng nhanh chóng", Anh An cho hay.

Tạo “vườn ươm công nghệ” theo mô hình đào tạo “mentorship”

Giới chuyên gia đánh giá, bên cạnh việc hút nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn có thì một trong những việc cần làm để giải quyết bài toán “khát” nhân lực là cần thu hẹp sự chênh lệch giữa năng lực của sinh viên mới ra trường và yêu cầu của các doanh nghiệp. Trong đó, đào tạo tại chỗ qua những “vườn ươm công nghệ” được được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo và phát triển tài năng công nghệ cho các tập đoàn lớn của Mỹ, ông Đinh Việt Hưng cho biết, các kỹ sư công nghệ trẻ rất hiểu công nghệ, nhưng chưa biết áp dụng kiến thức vào thực tiễn như thế nào để tạo ra sự đổi mới tiên phong. Họ như những viên ngọc thô chỉ cần mài dũa sẽ tỏa sáng.

 

Tại One Mount, mô hình đào tạo theo cơ chế Cố vấn (mentorship) được triển khai một cách bài bản và chuyên nghiệp. Các nhân sự cấp cao không chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm, mà còn có trách nhiệm xây dựng văn hoá kỹ thuật và huấn luyện đội ngũ trẻ.

Ông Hưng chia sẻ, những người đi trước sẽ không cầm tay chỉ việc, mà giúp từng thành viên hiểu rõ cốt lõi thứ họ đang làm, cho họ biết họ đã đóng góp gì vào bức tranh tổng thể, và làm thế nào để kết nối các phần lại với nhau. Nhờ đó, các tài năng trẻ sẽ có thêm động lực làm việc, và luôn không ngừng tò mò tìm hiểu các công nghệ mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục