Lợi ích của CPTPP đối với Nhật Bản

05:30' - 28/10/2018
BNEWS Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch triển khai công tác, mở rộng thành viên của nhóm đối tác kinh tế trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP).
Đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP chụp ảnh chung tại Santiago ngày 8/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo “Liên hợp buổi sáng” của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, ngày 16/10 vừa qua phía Nhật Bản đã mở cuộc họp với sự tham gia của Đại sứ 10 nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP) tại Nhật Bản, để chuẩn bị cho công tác tổng kết thỏa thuận CPTPP tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào giữa tháng 11 tới.

Ngoài việc kêu gọi các nước tham gia CPTPP nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trong nước, Chính phủ Nhật Bản cũng đang có kế hoạch triển khai công tác, mở rộng thành viên của nhóm đối tác kinh tế này. Hiện nay, các quốc gia và vùng lãnh thổ quan tâm đến việc tham gia Hiệp định bao gồm Vương quốc Anh, Thái Lan, Colombia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Indonesia.

Tháng 1/2017, Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau một quá trình đàm phán, tháng 11/2017, 11 nước thành viên TPP còn lại (là Nhật Bản, Canada, Australia, Chile, New Zealand, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Mexico và Peru) ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP. 

CPTPP và TPP có sự khác biệt về tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và thương mại dịch vụ. Khác biệt lớn nhất là hiệp định mới tạm ngừng 20 điều khoản có nội dung về quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện đã có ba nước Mexico, Nhật Bản và Singapore hoàn thành thủ tục trong nước, trong khi các nước như New Zealand, Canada và Australia cũng đang phấn đấu để hoàn thành trong năm nay. Theo thỏa thuận, CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi có sáu nước trở lên hoàn tất thủ tục.

Theo số liệu thống kê được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào năm 2017, quy mô tổng dân số của các nước thành viên CPTPP là 505 triệu người, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 10.570 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng lượng kinh tế thế giới. Hơn nữa, toàn bộ thành viên tham gia hiệp định này đều đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sức sống kinh tế và tiềm lực phát triển dồi dào.

Trong đó, CPTPP vừa có các nền kinh tế phát triển lớn và mạnh như Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand mở cửa kinh tế ở mức cao, vừa có các nền kinh tế mới nổi có nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá tốt như Chile, Malaysia, Mexico, Việt Nam…

Số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và quy mô tiếp nhận, cũng như đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của 11 quốc gia này lần lượt chiếm 28,7% và 34,8% trong tổng giá trị của thế giới. Tổng lượng kinh tế lớn, quy mô ngoại thương và đầu tư lớn đã khiến sức lan tỏa kinh tế của CPTPP khá mạnh.

Việc thực hiện hiệp định CPTPP có nghĩa là giữa các bên ký kết sẽ cởi mở thương mại ở mức cao và 98% hàng hóa sẽ chịu mức thuế thấp. Sau khi Mỹ rút lui, tổng quy mô kinh tế của các nước tham gia giảm đi, từ 40% GDP toàn cầu giảm xuống còn 13%. Nhật Bản, nước dẫn dắt CPTPP, hy vọng hiệp định này sau khi có hiệu lực sẽ tiếp tục mở rộng thành viên, cũng như mở rộng quy mô của nhóm đối tác kinh tế này.

Chủ trì cuộc họp ngày 16/10 ở Tokyo, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định: "Dựa trên chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, nền kinh tế quốc tế hiện nay đang rơi vào một trạng thái không ổn định. Trước tình hình này, việc đưa CPTPP có hiệu lực sớm càng quan trọng. Chúng tôi hy vọng sẽ nhìn thấy hình hài của CPTPP trước khi APEC diễn ra vào giữa tháng 11 tới”.

Hiện nay, Nhật Bản đang đối mặt với thách thức thương mại đến từ phía Mỹ buộc phải khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại song phương để ký kết Hiệp định thương mại hàng hóa. 

Trong thời gian Tổng thống Barack Obama cầm quyền, Mỹ và Nhật Bản cùng thúc đẩy TPP trở thành một trật tự thương mại quốc tế mới và đã có một thời gian dài căng thẳng với nhau về vấn đề nông nghiệp. Đến nay, để tái khởi động đàm phán với Mỹ, phía Nhật Bản lo ngại rằng nông nghiệp tiếp tục là trọng tâm gây sức ép từ phía Mỹ.

Nhật Bản và Mỹ bắt đầu một vòng đàm phán mới vào tháng 8/2018, nhưng hai bên đạt được rất ít tiến triển do vẫn tồn tại sự khác biệt quá lớn. Tổng thống Donald Trump khẳng định lý do duy nhất khiến ông chưa tham gia vào các cuộc đàm phán với Nhật Bản là do phải tập trung đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang căng thẳng.

Một số nhà phân tích Nhật Bản cho rằng CPTPP sớm có hiệu lực sẽ có lợi cho công tác đàm phán của Nhật Bản. Họ có thể sử dụng “tiêu chuẩn quốc tế” như một tấm lá chắn để ngăn chặn chính quyền Trump chiếm hết món hời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục