Lợi ích của thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số

05:30' - 07/10/2021
BNEWS Những nỗ lực nhằm nhanh chóng hợp pháp hoá các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) là rất cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của kinh tế kỹ thuật số.

Tờ Business Times (Singapore) đã đăng bài viết của tác giả Xie Taojun và Ammu George, nghiên cứu viên tại Viện Cạnh tranh châu Á, trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, về hệ thống thanh toán xuyên biên giới sử dụng các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.

Bài viết nhận định đại dịch COVID-19 đã trở thành “chất xúc tác” trong tất cả các quá trình kỹ thuật số hóa trên toàn cầu, bao gồm cả quá trình số hóa hệ thống tiền tệ. Theo khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các ngân hàng trung ương hơn bao giờ hết đã sẵn sàng thử nghiệm các phiên bản kỹ thuật số của đồng tiền giấy, được gọi là tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).

Sự nhiệt tình háo hức này đối với các đồng tiền CBDC xuất hiện trong bối cảnh kinh tế số đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Sự mở rộng nền kinh tế số phần nào được phản ánh bởi sự gia tăng các khoản thanh toán kỹ thuật số, khi các doanh nghiệp chuyển từ phương thức hoạt động truyền thống sang trực tuyến. 

Trong bối cảnh này, những nỗ lực nhằm nhanh chóng hợp pháp hoá các đồng tiền CBDC là rất cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của kinh tế kỹ thuật số.

Hệ thống thanh toán quốc tế và nền kinh tế kỹ thuật số 

Mạng Internet cung cấp cho người tiêu dùng sự lựa chọn để mua hàng xuyên biên giới một cách dễ dàng. Tuy nhiên, việc xử lý các khoản thanh toán đòi hỏi những nỗ lực quốc tế, trong đó chủ yếu từ các ngân hàng trung ương. 

Các ngân hàng trung ương cần cùng nhau vượt qua các rào cản về công nghệ, về các quy định quản lý dữ liệu cũng như các chính sách tiền tệ để tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán quốc tế.

Theo nghiên cứu gần đây tại Viện Năng lực cạnh tranh châu Á (ACI), những rào cản này trùng lặp với các trở ngại cơ bản khác trong hợp tác xuyên biên giới của nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm các quy định về quản lý dữ liệu, thanh toán kỹ thuật số và thương mại không dùng giấy tờ.

Tháng 9/2021, BIS và bốn ngân hàng trung ương đã kết thúc thành công Dự án Inthanon-LionRock. Dự án này đã thử nghiệm các giao dịch xuyên biên giới của các CBDC giữa bốn thể chế tài chính đó là Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), Cục quản lý tiền tệ Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (HKMA) và Ngân hàng trung ương Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Dự án này cũng đã đưa ra một cấu trúc thanh toán có tên là “nhiều cầu CBDC” (mBridge), nhằm tạo điều kiện cho việc thanh toán nhanh hơn giữa hai khu vực pháp lý bất kỳ với chi phí thấp hơn.

Việc hoàn thành thành công Dự án Inthanon-LionRock đã gửi một tín hiệu tích cực đến các khu vực pháp lý, rằng các rào cản đối với thanh toán quốc tế có thể được khắc phục. Vì những trở ngại đối với thanh toán xuyên biên giới cũng đóng vai trò là rào cản đối với sự hợp tác về tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số, kinh nghiệm của Dự án Inthanon-LionRock có thể được các khu vực pháp lý tận dụng để thúc đẩy hợp tác kinh tế số. 

Thanh toán nhanh hơn và chi phí rẻ hơn 

Thanh toán xuyên biên giới truyền thống thường bao gồm nhiều lớp hoạt động. Ví dụ, một người gửi tiền ở Hong Kong (Trung Quốc) thực hiện một khoản thanh toán cho người nhận ở Thái Lan. Hệ thống này sẽ yêu cầu ngân hàng của người gửi ở Hong Kong phải có tài khoản tại một ngân hàng ở Thái Lan, được gọi là ngân hàng đại lý. Sau đó, ngân hàng đại lý chuyển khoản thanh toán cho người nhận.

Nếu ngân hàng của người gửi không có tài khoản đại lý ở Thái Lan, ngân hàng đó phải tìm một ngân hàng Hong Kong khác có tài khoản đại lý ở Thái Lan trước khi khoản thanh toán này thể được gửi đến ngân hàng của người nhận ở Thái Lan. 

Việc phải có nhiều lớp hoạt động đã làm gia tăng tích lũy các khoản phí giao dịch trong quá trình thanh toán. Nếu có sự khác biệt về thời gian giữa hai khu vực định chế pháp lý, thì các khoản thanh toán chỉ có thể được xử lý trong khung giờ hoạt động của ngân hàng đại lý.

Với một mạng lưới phi tập trung, việc thanh toán trong kiến trúc mBridge sẽ bỏ qua bước thông qua các ngân hàng đại lý, từ đó giúp giảm chi phí và thời gian liên quan đến các giao dịch xuyên biên giới. Cấu trúc này dựa trên công nghệ “sổ cái phân tán tiên tiến” (DLT). Các ngân hàng từ các khu vực định chế pháp lý khác nhau cũng có thể tiến hành các hoạt động thanh toán bất kể ngày đêm. Với việc các lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng mở rộng, thanh toán bán buôn và bán lẻ quốc tế dự kiến sẽ gia tăng về số lượng và khối lượng với mBridge. 

Việc đơn giản hóa quy trình thanh toán xuyên biên giới có nghĩa là người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ phí giao dịch thấp hơn, thông quan nhanh hơn và thủ tục giấy tờ dễ dàng hơn. 

Đây là chìa khóa để giảm bớt những “xích mích” trong thương mại quốc tế do các hệ thống thanh toán cũ, lạc hậu. Những đổi mới công nghệ trong cấu trúc mBridge giúp thúc đẩy cả thanh toán kỹ thuật số và thương mại không cần giấy tờ, từ đó đẩy nhanh sự hợp tác của các nền kinh tế kỹ thuật số.

Dữ liệu được chia sẻ mà không vi phạm quyền riêng tư

Tuy nhiên, công nghệ DLT vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các cấu trúc như mBridge lại đòi hỏi phải có sự chia sẻ dữ liệu. Ngay cả các quốc gia láng giềng gần gũi nhất cũng có thể tiến hành áp dụng các quy định, tiêu chuẩn khác nhau rất nhiều về vấn đề chia sẻ dữ liệu. Câu hỏi quan trọng trong việc làm rõ hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên công nghệ DLT là việc khi đó thì thông tin sẽ được chia sẻ như thế nào mà không có sự vi phạm các quy định về dữ liệu tại các khu vực định chế pháp lý khác nhau. 

Trong cuộc hội thảo trực tuyến gần đây do ACI tổ chức với chủ đề “Thách thức và Cơ hội trong nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN”, sự phân tán, khác biệt lẫn nhau trong các quy định về dữ liệu cũng như các tiến trình “hiểu biết khách hàng” được cho là những vấn đề gây ra nhiều sức ép. Các vấn đề này cần phải được giải quyết nếu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiến hành các hoạt động hợp tác xa hơn nữa trong việc phát triển nền kinh tế số. 

Theo báo cáo của BIS, Dự án Inthanon-LionRock cũng sẽ đưa ra một giải pháp cho vấn đề chia sẻ dữ liệu. Các giao dịch thanh toán có thể được tiến hành mà không vi phạm các chính sách bảo vệ dữ liệu. Điều này có những tác động quan trọng đối với một nền kinh tế kỹ thuật số rộng lớn hơn. 

Trong các giao dịch xuyên biên giới, có sự cần thiết phải chia sẻ dữ liệu ngoài các thông tin thanh toán. Ví dụ, tất cả các bên có liên quan cần phải được xác định danh tính để đảm bảo sự hợp pháp của giao dịch đó. 

Trong bối cảnh này, giải pháp bảo vệ dữ liệu mà cấu trúc mBridge đưa ra sẽ là một bước tiến đáng kể hướng tới việc phát triển một sơ đồ nhận dạng xuyên biên giới khả thi trong hợp tác kinh tế kỹ thuật số. 

Sự hữu ích trong những lĩnh vực rộng lớn hơn

Ở mỗi khu vực sẽ có những các chính sách tiền tệ khác nhau. Theo Bộ Ba Kinh tế Vĩ mô kinh điển, một ngân hàng trung ương chỉ có thể lựa chọn hai trong ba mục tiêu chính sách, bao gồm dòng chảy vốn tự do, tỷ giá hối đoái ổn định và chính sách tiền tệ độc lập. 

Lấy ví dụ, Hong Kong cho phép các dòng chảy vốn tự do, nhưng Trung Quốc không cho phép. Điều này có nghĩa rằng các giao dịch xuyên biên giới liên quan đến đồng nhân dân tệ (NDT) và đồng đô la Hong Kong (HKD) phải tuân thủ các quy định kiểm soát dòng vốn của Trung Quốc Đại lục.

Bên cạnh các chuyển động dòng tiền nhanh chóng được hỗ trợ bởi công nghệ DLT, các CBDC cũng giúp các ngân hàng trung ương giám sát hiệu quả chuyển động của các quỹ trong và ngoài khu vực định chế pháp lý của họ. 

Nói cách khác, các giao dịch xuyên biên giới sử dụng CBDC cung cấp một nền tảng hiệu quả giúp các ngân hàng trung ương kiểm tra việc tuân thủ các nhiệm vụ chính sách tiền tệ trong phạm vi quyền hạn của các ngân hàng này. 

Việc mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới khiến cho các giao dịch sẽ diễn ra thường xuyên hơn, có nhiều phương thức và mục đích thanh toán hơn. Do đó, ngoài việc bảo vệ các hệ thống tiền tệ trong các khu vực pháp lý tương ứng, hoạt động giao dịch với các đồng tiền CBDC cũng sẽ hữu ích trong các lĩnh vực rộng hơn như thu thuế và chống rửa tiền, thúc đẩy sự phát triển có trật tự của kinh tế số.

Xu hướng hợp tác kinh tế kỹ thuật số trong ASEAN

Trong quá trình phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, các khu vực định chế pháp lý cần hợp tác với nhau để xây dựng các hệ thống thanh toán kỹ thuật số, các quy định về dữ liệu và các nền tảng cơ sở thương mại không sử dụng giấy tờ tương thích. Thanh toán kỹ thuật số là một điểm gây tranh cãi mạnh mẽ, vì dòng tiền di chuyển thông suốt là điều cần thiết cho hoạt động kinh tế, đặc biệt là giữa các đối tác thương mại thân thiết.

Các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí bắt đầu đàm phán về Thỏa thuận Khung Kinh tế kỹ thuật số vào năm 2025. Nghiên cứu tại ACI cũng cho thấy sự thiếu hụt của một hệ thống thanh toán kỹ thuật số có thể vận hành xuyên suốt là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển chậm chạp của nền kinh tế kỹ thuật số trong khu vực.

Tuy nhiên, đã có các phương tiện thanh toán song phương được thiết lập giữa Singapore và Thái Lan. Thêm nhiều sáng kiến như vậy cũng đang được thương lượng đàm phán. Một loạt các thử nghiệm CBDC đang trong quá trình triển khai - chẳng hạn như Dự án Dunbar, liên quan đến các nước Singapore, Australia và Nam Phi - đang tiếp tục mang lại điểm nhấn trong việc tìm kiếm một giải pháp thanh toán đa phương. Các thử nghiệm này được cho là rất có giá trị cho sự hợp tác trong khu vực.

Trong tương lai, những nỗ lực không ngừng trong việc thiết lập các hệ thống thanh toán tương thích ở ASEAN vẫn là một nhiệm vụ quan trọng. Khu vực này sau đó sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế số, dựa vào một mạng lưới thanh toán khu vực mạnh mẽ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục