Lợi ích kép trong sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm

08:20' - 18/06/2024
BNEWS CTCP Công Nông nghiệp Tiến Nông đã chuyển nguồn "rác nông nghiệp" thành phân bón hữu cơ, giúp cây trồng dễ hấp thụ dinh dưỡng, cải tạo môi trường đất và cải tạo hiệu suất sử dụng phân bón.

Việc tận dụng nguồn phụ phẩm cực lớn trong nông nghiệp, thủy sản và bã thải của sản xuất phốt pho vàng để sản xuất phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp giảm phát thải ra môi trường cũng như bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

 

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam, Tổng giám đốc CTCP Công Nông nghiệp Tiến Nông cho biết, cách đây hơn 10 năm, Tiến Nông đã nhận thấy tiềm năng to lớn từ việc tận dụng các chất dinh dưỡng, khoáng chất như phốt pho, kali, canxi, magie, silic có trong các phế thải nông nghiệp, thuỷ sản và bã thải sản xuất phốt pho vàng của doanh nghiệp tại Việt Nam để sản xuất phân bón hữu cơ và phân vi sinh khoáng.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm sản xuất phân bón, Tiến Nông đã tập trung nghiên cứu biến rác thải nông nghiệp thành nguồn nguyên liệu có ích. Cụ thể, bằng công nghệ hữu cơ vi sinh, Tiến Nông đã chuyển nguồn "rác nông nghiệp" như lá cây, rơm rạ thành phân bón hữu cơ, giúp cây trồng dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng, cải tạo môi trường đất và nâng cao hiệu quả sử dụng dinh dưỡng vô cơ, cải tạo hiệu suất sử dụng phân bón.

Bên cạnh đó, với việc tận dụng nguồn bã thải trong sản xuất phốt pho vàng, Tiến Nông đã chiết xuất được nguồn silic quan trọng để đưa vào sản xuất phân vi sinh khoáng. "Trước khi Tiến Nông sử dụng bã thải trong sản xuất phốt pho vàng để sản xuất phân bón, gần như toàn bộ nguồn bã thải này được các doanh nghiệp Hàn Quốc bao trọn như một nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế phục vụ sản xuất của họ", ông Nguyễn Hồng Phong cho biết.

Với việc tận dụng hiệu quả các phụ phẩm này, Tiến Nông đã sản xuất được nhiều dòng sản phẩm phân bón chất lượng. Ông Phạm Văn Xô, một nông dân canh tác 2 ha lúa ở xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa cho biết, phân bón NPK tổng hợp của Tiến nông có chứa silic nên cây lúa khỏe hơn, ít sâu bệnh.

Vì vậy, nông dân ở xã Hà Long rất chuộng sử dụng phân NPK chứa silic của Tiến Nông vì chỉ cần phun thuốc sâu một lần duy nhất  là lúa đã đảm bảo phát triển tốt, cho chất lượng gạo ngon và có giá bán cao hơn so với các vùng khác. Đặc biệt, nhờ giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác lúa, sức khoẻ của người nông dân cũng như người tiêu dùng lúa gạo cũng theo đó được cải thiện, ông Xô chia sẻ.

Việc tận dụng phụ phẩm như Tiến Nông đang triển khai không chỉ giúp giảm phát thải ra môi trường, giúp tiết kiệm tài nguyên khai thác mà còn giúp nâng hiệu quả kinh tế cho cả một chu trình và các chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Hiện nay, đối với phân chứa silic, Tiến Nông đã giải quyết được 10% nguyên liệu thay thế.

Đối với phân hữu cơ và hữu cơ khoáng, hữu cơ vi sinh, Tiến Nông đã thay thế được từ 20-25% nguyên liệu đầu vào và có thể nâng tỷ lệ này lên hơn 40-50% nếu sản phẩm phân đa hữu cơ vi sinh của Tiến Nông được công nhận và đưa ra thị trường vào năm 2025, ông Phong cho biết.

Theo Tiến sỹ Phùng Hà, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp Hội Phân bón Việt Nam, ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Mặt khác, ngành nông nghiệp cũng phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai sau ngành năng lượng sinh ra từ các quá trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý đất, trồng lúa nước. Vì vậy, việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong chính sách của Chính phủ về phát triển phân bón hữu cơ, Việt Nam đặt mục tiêu nâng năng lực sản xuất từ mức 2 triệu tấn hiện nay lên 5 triệu tấn phân bón hữu cơ vào năm 2035. Trong khi đó, với sản xuất phân hữu cơ, việc tận dụng nguồn nguyên liệu như phân gia súc gia cầm, phụ phẩm của ngành thuỷ sản, phụ phẩm của ngành dược liệu như các bãi thải atiso và các ngành khác… là rất quan trọng. "Chỉ có tận dụng triệt để như vậy, Việt Nam mới có thể đạt mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn phân bón hữu cơ vào năm 2035", ông Phùng Hà nhấn mạnh.

Hiện đã có hẳn một nghị định riêng về nông nghiệp hữu cơ, chương trình phân hữu cơ. Về mặt chính sách, Việt Nam gần như có các quy định, hướng dẫn nhưng để thực thi thì cũng cần có thời gian. Thực tế là phân bón vô cơ hiện phải tuân thủ quy định về khảo nghiệm, còn phân hữu cơ, phân vi sinh đã tạm thời bỏ qua việc khảo nghiệm để thúc đẩy sản xuất, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu phân bón hữu cơ cho nông nghiệp xanh, sạch. Hiệp hội Phân bón Việt Nam mong muốn  sẽ có nhiều biện pháp nữa để triển khai nghị định nông nghiệp hữu cơ và chương trình phân bón hữu cơ, ông Phùng Hà cho biết.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết ở nước ta năm 2020 đạt trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%), 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (chiếm 10,6%).

Theo Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để phát huy giá trị của các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, cần đổi mới hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư để khuyến khích và đủ hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia thông qua mặt bằng đất nông nghiệp sạch, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu trang thiết trị, công nghệ cao, công nghệ tiến tiến, công nghệ sinh học để đầu tư vào lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi… từ đó nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần ban hành thể chế, chính sách về khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, bao gồm tuần hoàn hở, gắn từng khâu khác nhau và tuần hoàn kín để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp, cần tăng cường nghiên cứu phát triển và nhập khẩu công nghệ các chủng vi sinh vật hữu ích có hiệu suất lên men cao để sản xuất các chế phẩm sinh học, ưu tiên cho công nghệ vi sinh vật trong nông nghiệp để xử lý hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục