Lợi nhuận hoạt động của Samsung giảm mạnh nhất trong hơn 8 năm

07:38' - 01/02/2023
BNEWS Ngày 31/1, hãng điện tử Samsung Electronics cho biết, lợi nhuận hoạt động trong quý IV/2022 đã giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngày 31/1, hãng điện tử Samsung Electronics cho biết, lợi nhuận hoạt động trong quý IV/2022 đã giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2021, mức giảm lớn nhất trong hơn 8 năm, do suy thoái kinh tế toàn cầu "giáng một đòn mạnh" vào doanh số bán hàng điện tử và chip.

 

"Gã khổng lồ công nghệ" Hàn Quốc cho biết lợi nhuận hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 10-12/2022 đã giảm xuống 4.300 tỷ won (3,4 tỷ USD), giảm 69% so với một năm trước đó.

Sự sụt giảm này phù hợp với ước tính mà Samsung đưa ra hồi đầu tháng và đánh dấu sự sụt giảm lợi nhuận hàng quý tồi tệ nhất kể từ quý III/2014.

Samsung cho biết: "Môi trường kinh doanh xấu đi đáng kể trong quý IV/2022 do nhu cầu yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái". Doanh thu của Samsung trong quý IV/2022 giảm 8% so với cùng kỳ năm trước đó, xuống còn 70.460 tỷ won.

Samsung cho hay, nhu cầu yếu đối với chip nhớ khi lĩnh vực này bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá giảm và khách hàng tiếp tục điều chỉnh hàng tồn kho trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng bất ổn, đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của hãng.

Samsung Electronics là công ty con hàng đầu của Tập đoàn khổng lồ Samsung, hiện là tập đoàn lớn nhất trong số các tập đoàn do gia đình điều hành, thống trị hoạt động kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Sự sụt giảm lợi nhuận hoạt động trong quý IV/2022 là lần thứ hai liên tiếp biên lợi nhuận của Samsung bị siết chặt, sau khi chứng kiến lợi nhuận hoạt động giảm 31% trong quý III/2022.

Trong cả năm 2022 vừa qua, Samsung báo cáo đạt mức lợi nhuận hoạt động 43.380 tỷ won và doanh thu cao kỷ lục là 302.230 tỷ won.

Tính đến quý II/2022, Samsung cùng với các công ty công nghệ khác đã được hưởng lợi đáng kể từ nhu cầu mạnh mẽ đối với các thiết bị điện tử, cũng như các loại chip nhớ trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm lạm phát tăng vọt, lãi suất cao và chi phí năng lượng leo thang.

Theo công ty nghiên cứu công nghệ Gartner, doanh thu  từ chip nhớ toàn cầu đã giảm 10% vào năm ngoái do các nhà sản xuất thiết bị điện tử "bắt đầu xả kho bộ nhớ mà họ đa tích trữ khi dự đoán nhu cầu sẽ tăng mạnh hơn".

Andrew Norwood, Phó chủ tịch bộ phận phân tích tại Gartner, cho biết: “Người tiêu dùng cũng bắt đầu giảm chi tiêu, với nhu cầu về máy tính cá nhân (PC) và điện thoại thông minh giảm, trong khi đó các doanh nghiệp bắt đầu giảm chi tiêu với dự đoán suy thoái kinh tế toàn cầu, tất cả đều ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành bán dẫn nói chung”.

Samsung cho biết những bất ổn kinh tế vĩ mô dự kiến sẽ tiếp diễn vào năm 2023, đồng thời cho biết thêm: "Hãng dự đoán nhu cầu sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm nay"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục