Lợi nhuận tăng, ngành dầu khí toàn cầu bắt đầu đón những tin vui

10:38' - 08/05/2017
BNEWS Báo cáo kết quả kinh doanh nhìn chung khả quan của các tập đoàn dầu khí hàng đầu ở Mỹ và châu Âu trong quý đầu năm 2017 cho thấy tác động của sự hồi phục của giá dầu.
Lợi nhuận tăng, ngành dầu khí toàn cầu bắt đầu đón nhận những tin vui. Ảnh: EPA

Sau hơn hai năm đối phó với các vấn đề tài chính, các công ty dầu khí đã từng bước phục hồi. Hiện nay, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Royal Dutch Shell (Anh/Hà Lan), ExxonMobil (Mỹ) và Total (Pháp) đã có thể đảm bảo thanh toán cho các khoản chi đầu tư và cổ tức.

Tuy nhiên, ngành dầu khí vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trước mắt cũng như trong dài hạn. Điều này phần nào được phản ánh qua việc giá dầu thô gần đây giảm xuống dưới 50 USD/thùng, do thị trường lo ngại về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Thậm chí trong tuần qua, tập đoàn dầu khí BP của Anh đã thừa nhận rằng giá dầu rất có thể sẽ chỉ dao động quanh ngưỡng 50-55 USD/thùng trong năm 2017, trong bối cảnh lượng dầu mỏ tồn kho vẫn ở mức cao, còn các công ty Mỹ có chiều hướng gia tăng sản lượng.

Ông Anish Kapadia, chuyên gia phân tích của công ty Tudor Pickering Holt, cho biết nợ ròng của các công ty dầu mỏ lớn giảm chưa nhiều. Và thị trường vẫn đang chờ những tín hiệu đáng tin cậy về khả năng các công ty này có thể đảm bảo thanh toán cổ tức và chi tiêu đầu tư với mức giá dầu hiện tại.

Trong khi đó, các công ty dầu mỏ đã cố gắng trấn an các cổ đông và nhấn mạnh cam kết sẽ thực hiện các nguyên tắc đầu tư và kiểm soát chi phí.

Tập đoàn dầu khí Shell hồi tuần trước cho hay chi phí đầu tư của họ trong năm nay sẽ giảm khoảng 4 tỷ USD so với mức tổng đầu tư 25 tỷ USD trong năm 2016, trong khi tập đoàn dầu khí Statoil (Na Uy) cho biết đầu tư của họ sẽ được duy trì ổn định ở mức 11 tỷ USD.

Các khoản đầu tư mới của các tập đoàn dầu mỏ hiện chủ yếu tập trung vào nhóm dự án dầu khí ngắn hạn với triển vọng thu hồi vốn trong một vài năm, thay vì tập trung vào các dự án dài hạn tốn kém, nhiều rủi ro và thời gian hoàn vốn trên 10 năm.

Với chiến lược nói trên, tổng đầu tư của hai tập đoàn dầu mỏ của Mỹ là ExxonMobil và Chevron đã giảm mạnh so với năm 2014 dù rằng cả hai vẫn đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu đá phiến vốn có chi phí thấp hơn ở khu vực Permian Basin thuộc bang Texas và New Mexico của Mỹ.

Trong kế hoạch phát triển tới năm 2020, Chevron dự kiến sẽ đầu tư 17-22 tỷ USD mỗi năm, giảm tương đối nhiều so với mức đầu tư 41,9 tỷ USD hồi năm 2013.

Trong khi đó, hiện cũng có những dấu hiệu cho thấy các tập đoàn dầu mỏ đang đầu tư trở lại vào các dự án lớn hơn. Chẳng hạn, BP xúc tiến đầu tư vào dự án phát triển mỏ Mad Dog 2 trị giá 9 tỷ USD ở Vịnh Mexico.

Chuyên gia Angus Rodger thuộc Công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie cho hay số dự án mới được thông qua trong năm 2017 sẽ đạt con số 20, tăng so với số 9 dự án trong năm 2016, song mới chỉ bằng một nửa mức trung bình 40 dự án được thông qua mỗi năm trong thời gian từ năm 2010 đến 2014. Việc chưa thể khôi phục được mức đầu tư trước đây vào các dự án mới đã làm dấy lên những mối nghi ngại vào triển vọng của ngành dầu mỏ trong dài hạn.

Nhà phân tích Alastair Syme thuộc Citigroup lưu ý rằng Shell quá phụ thuộc vào việc gia tăng dòng tiền mặt và hạn chế đầu tư trong bối cảnh giá dầu thấp có nguy cơ khiến Shell đầu tư ít cho tương lai.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế tuần trước cảnh báo rằng đầu tư ở mức thấp lịch sử có nguy cơ dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung vào năm 2020. Nhà phân tích Kapadia thuộc Tudor Pickering Holt lưu ý rằng hạn chế đầu tư có thể dẫn đến chu kỳ giá dầu thô sụt giảm vào đầu năm 2020.

Yếu tố được nhìn nhận có thể tạo nên sự khác biết đối với các chu kỳ biến động của giá dầu trong các giai đoạn trước đây là sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.

Scott Sheffield, Giám đốc điều hành Pioneer Natural Resources, một trong những công ty sản xuất dầu đá phiến hàng đầu của Mỹ, tin rằng Permian Basin có thể sản xuất 8-9 triệu thùng/ngày, so với 2,4 triệu thùng/ngày hiện nay.

Ông dự báo rằng mức sản lượng này có thể khiến giá dầu toàn cầu trên đà giảm trong nhiều năm tới. Nhà phân tích năng lượng Philip Verleger cho rằng đây là tin không vui đối với các công ty sản xuất dầu mỏ lớn bên ngoài nước Mỹ vào thời điểm ngành dầu mỏ đối mặt với những mối đe dọa cạnh tranh mới trước sự phát triển của năng lượng tái tạo và ô tô điện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục