Lợi thế của Bắc Vân Phong khi trở thành đặc khu hành chính kinh tế

07:27' - 03/12/2017
BNEWS Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong được quy hoạch xây dựng tại khu vực phía Bắc của Khu kinh tế Vân Phong, với diện tích dự kiến khoảng trên 110.000 ha.

Cùng với Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) dự kiến sẽ là một trong những khu hành chính - kinh tế đặc biệt, là nơi tạo đòn bẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ cho cả miền Trung.

Đòn bẩy phát triển kinh tế cho cả miền Trung

Theo các chuyên gia kinh tế, trên thế giới, mô hình đặc khu kinh tế (còn gọi là khu kinh tế đặc biệt) là mô hình phát triển cao hơn dựa trên các đặc trưng như có không gian riêng biệt, có môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Sự phát triển của các đặc khu kinh tế trên thế giới không chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế của riêng khu vực đó mà có ý nghĩa to lớn, đem lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế ở các góc độ như: tạo công ăn việc làm, thu hút các nguồn lực phát triển, mở rộng xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý, phát triển tổng hợp vùng.

Tinh thần chung của các chính sách đặc thù cho đặc khu kinh tế là giảm thiểu mọi hàng rào ngăn cản các dòng di chuyển các nguồn lực và đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Do đó, phần lớn các đặc khu kinh tế có tên tuổi trên thế giới đều nằm ở các vị trí ven biển hoặc những giao điểm giao thông lớn gồm cả đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không.

Vận dụng sáng tạo từ mô hình đặc khu kinh tế đã có trên thế giới, Việt Nam đang triển khai xây dựng 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại 3 miền của đất nước. Đó là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hoà).

Vịnh Vân Phong là một vịnh lớn, sâu, tương đối kín và chắn gió tốt. Tổng diện tích của vịnh khoảng 46.000 ha, bao gồm cả diện tích mặt nước và đất vùng bờ. Vịnh có độ sâu 20-25 m, thuận tiện cho khu cảng nước sâu, là một trong những vịnh tự nhiên tốt nhất vùng Đông Á.

Khu kinh tế Vân Phong được Chính phủ thành lập năm 2006, với tổng diện tích khoảng 150.000 ha, bao gồm 70.000 mặt đất, còn lại là diện tích mặt nước, thuộc thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, phía Bắc tỉnh Khánh Hòa.

Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kết hợp phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác…

Hiện tại Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 145 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 1,47 tỷ USD, vốn thực hiện là gần 630 triệu USD, đạt 42% vốn đăng ký.

Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong được quy hoạch xây dựng tại khu vực phía Bắc của Khu kinh tế Vân Phong, với diện tích dự kiến khoảng trên 110.000 ha.

Theo ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, động lực tăng trưởng của Vân Phong đến từ cảng nước sâu, kinh tế biển và đường hàng hải quốc tế. Do đó, Khánh Hòa định hướng phát triển đặc khu với 4 nhóm ngành nghề đặc thù: cảng biển và dịch vụ logistics; thương mại-dịch vụ tài chính quốc tế; trung tâm dịch vụ-du lịch vui chơi giải trí cao cấp, casino tầm khu vực và quốc tế; phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ cao, y tế, giáo dục, dịch vụ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sức hút của Bắc Vân Phong còn đến từ nguồn quỹ đất chưa sử dụng khá lớn. Điều này cho phép nhà đầu tư dễ dàng khai thác phục vụ mục đích phát triển sản xuất-kinh doanh, phát triển khu thương mại-tài chính-cảng biển tự do mà không gặp phải những vướng mắc, khó khăn liên quan tới giải phóng mặt bằng, đền bù...

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, quốc hội đã xây dựng dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, trong đó nêu lên nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại 3 đơn vị này.

Điển hình trong nhóm chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh là sự thu hẹp các ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành xuống còn 108 ngành, nghề. Cùng với đó, gỡ bỏ, hạn chế phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành nghề ưu tiên phát triển của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu, hải quan, lao động… được giải quyết đơn giản, nhanh gọn, tại chỗ tại Trung tâm hành chính công, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.

Đối với chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách đặc thù, nhà đầu tư được đề xuất hình thức đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo thông lệ quốc tế để Trưởng Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt hoặc Chủ tịch UBND Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt xem xét, quyết định.

Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cũng quy định nhà đầu tư đầu tư tại 3 Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được phép ứng trước vốn để thực hiện và lựa chọn các phương thức hoàn trả vốn ứng trước quy định tại Luật đối với các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư của nhà đầu tư mà chưa được bố trí vốn.

Đối với nhóm chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định áp dụng ưu đãi đầu tư với 2 mức. Trong đó, mức ưu đãi cao nhất là hưởng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế./.

>>> Cơ chế ưu đãi cho 3 đặc khu kinh tế có gì đặc biệt?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục