Lợi thế pin điện của Trung Quốc có thể kéo dài bao lâu?

05:30' - 25/12/2023
BNEWS Ô tô năng lượng mới ở Trung Quốc phát triển nhanh chóng, đưa nước này trở thành thị trường ô tô năng lượng mới lớn nhất toàn cầu, trực tiếp thúc đẩy ngành công nghiệp pin điện tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo báo Liên hợp buổi sáng, đầu năm nay, hãng sản xuất ô tô Volkswagen của Đức đã cử gần 300 nhân viên đến doanh nghiệp pin điện Gotion High tech của Trung Quốc để học hỏi việc sản xuất pin điện, từ công thức hóa học pin điện cơ bản đến cách lắp ráp pin điện.  

Kể từ khi đầu tư vào Gotion High tech và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này vào năm 2021 đến nay, Volkswagen đã nhiều lần cử nhân viên đến Gotion High tech để học hỏi kinh nghiệm. Một kỹ sư làm việc gần 10 năm ở Gotion High tech nói với “Liên hợp buổi sáng” rằng, việc Volkswagen có kinh nghiệm sản xuất ô tô cả trăm năm cũng phải học hỏi các nhà máy pin điện của Trung Quốc đủ để cho thấy ngành năng lượng mới của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới.

Theo số liệu do tổ chức nghiên cứu thị trường SNE Research công bố, 10 công ty hàng đầu trên thế giới về khối lượng lắp đặt pin điện trong ba quý đầu năm nay lần lượt là: CATL, BYD, LG Energy Solution, Panasonic, SK On, CALB, Samsung SDI, Gotion High tech, Eve Energy, Sunwoda Electronic. Ngoại trừ LG Energy Solution, Panasonic, SK On và Samsung SDO, 6 công ty còn lại đều là của Trung Quốc, chiếm 62,9% thị phần pin lithium toàn cầu. Trong đó, chỉ riêng top 2 là CATL và BYD đã chiếm 52,6% tổng thị phần.

Chuyên viên nghiên cứu cao cấp Dư Hồng của Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore nói với “Liên hợp buổi sáng” rằng, pin điện Trung Quốc có lợi thế tích lũy về công nghệ, quy mô thị trường và chuỗi sản xuất, các nước khác khó bắt kịp trong ngắn hạn.

Cất cánh dưới sự thúc đẩy của chính sách

Pin điện chiếm 40% giá thành ô tô điện, lợi thế vượt trội của ngành pin điện Trung Quốc có liên quan trực tiếp đến sự thúc đẩy của chính phủ đối với ô tô năng lượng mới.

Bắt đầu từ năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ đối với ô tô năng lượng mới, không những trực tiếp trợ cấp cho các nhà sản xuất ô tô năng lượng mới, giảm thuế mua sắm, mà ô tô năng lượng mới còn là ngoại lệ ở các thành phố cấp một và thành phố thuộc tỉnh vốn đang hạn chế mua sắm và lưu hành.   

Ô tô năng lượng mới ở Trung Quốc phát triển nhanh chóng, lượng tiêu thụ năm 2015 đạt 330.000 chiếc, lần đầu tiên trở thành thị trường ô tô năng lượng mới lớn nhất toàn cầu, điều này đã trực tiếp thúc đẩy nhu cầu của pin điện.

Chính phủ Trung Quốc một lần nữa phát huy lợi thế chính sách, thực hiện chế độ “danh sách trắng” đối với pin điện. Theo đó, chỉ có ô tô năng lượng mới sử dụng pin điện trong “danh sách trắng” của chính phủ mới có thể nhận được trợ cấp. Chính sách này được thực hiện trong 4 năm, tương đương với việc tránh cạnh tranh trực tiếp giữa các công ty pin điện của Trung Quốc với các gã khổng lồ của Nhật Bản và Hàn Quốc, giúp xe điện và pin điện của Trung Quốc "đáp trên chuyến tàu cao tốc".

Chuyên gia Dư Hồng nhấn mạnh, sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc không những thể hiện ở chính sách và trợ cấp. Ngành pin điện ô nhiễm tương đối lớn, chỉ có ở Trung Quốc, dưới sự cho phép và hỗ trợ của chính phủ mới có thể phát triển. Nếu ở châu Âu sẽ gặp phải sự cản trở của các tổ chức bảo vệ môi trường và quy trình đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt.

Chuỗi cung ứng và lợi thế chi phí

Chuyên gia Dư Hồng cũng cho biết thêm, quy mô thị trường và chuỗi cung ứng hoàn thiện của Trung Quốc đã phát huy tác dụng quan trọng đối với sự phát triển của ngành ô tô năng lượng mới sau khi chính sách trợ cấp chấm dứt. Trong sản xuất và ứng dụng quy mô lớn, sản phẩm ô tô năng lượng mới đã hoàn thành việc nâng cấp công nghệ và hạ thấp giá thành. 

Ông Từ Quốc Hồng, Tổng Giám đốc quan hệ nhà đầu tư (IR) của Gotion High tech nói: "Ở Đồng bằng sông Trường Giang, trong thời gian nửa tiếng lái xe thì có thể tìm được nhà cung ứng các khâu cần thiết của pin điện như vật liệu cực âm và cực dương, màng ngăn, đóng gói… Mỗi bộ phận không chỉ một hay hai, mà có rất nhiều nhà cung cấp". 

Chuỗi cung ứng tập trung đã mang lại lợi thế chi phí. Theo Bloomberg, giá pin điện do Trung Quốc sản xuất là 127 USD/kWh, trong khi giá bình quân pin điện do Mỹ và châu Âu sản xuất lần lượt cao hơn 24% và 33%. Điều này đồng nghĩa với việc sử dụng pin điện của Trung Quốc có thể hạ thấp đáng kể giá thành của toàn bộ chiếc xe. 

Thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường JATO Dynamics cho thấy, giá bình quân một chiếc ô tô điện của Trung Quốc khoảng 32.000 euro, trong khi giá bình quân của châu Âu là 56.000 euro. Ông Bill Russo, cựu Chủ tịch khu vực Trung Quốc của Chrysler nói với tạp chí Financial Times: "Sai lầm của các nước khác về pin điện là ưu tiên cân nhắc hiệu năng thay vì giá cả, tuy nhiên các nhà sản xuất pin điện của Trung Quốc ưu tiên cân nhắc năng lực chi trả của người tiêu dùng. Thông qua hạ thấp chi phí, Trung Quốc đã chiến thắng". 

Lộ trình công nghệ pin điện chưa được quyết định. Nhưng đối diện với địa vị dẫn đầu của pin điện Trung Quốc, các nhà sản xuất nước ngoài đang nỗ lực tạo sức bật cạnh tranh. Theo chuyên gia Dư Hồng, hiện nay các nước khác khó theo kịp Trung Quốc về chuỗi cung ứng, giá thành và quy mô thị trường, nhưng có thể thông qua phát triển các lộ trình công nghệ khác để vượt lên ở khúc cua. 

Hiện nay, pin điện có thể chia thành hai lộ trình công nghệ hiệu năng cao và hiệu quả về mặt chi phí. Sản phẩm phổ biến của Trung Quốc là pin điện Lithium sắt photphat (LFP) tiết kiệm chi phí hơn, nhưng dung lượng tối đa chỉ 500 km. Ngành công nghệ ô tô điện châu Âu có khuynh hướng sử dụng pin điện Lithi nickel cobalt nhôm oxide (NMC) giá thành cao hơn, nhưng dung lượng có thể đạt 700 km. Tuy nhiên, loại pin điện này cần niken và coban, trong khi Trung Quốc phụ thuộc bên ngoài tới 80% đối với hai kim loại này.

Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) của một công ty khởi nghiệp về pin điện nói với “Liên hợp buổi sáng” rằng, bên cạnh khan hiếm vật liệu, các nhà sản xuất pin điện Trung Quốc không tích cực đối với với việc phát triển pin cao cấp, thị trường Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, các nhà sản xuất ô tô không muốn từ bỏ lợi thế giá cả, hơn nữa khắp nơi đều có thể nhìn thấy trạm sạc và điều này khiến cho người tiêu dùng Trung Quốc có yêu cầu thấp hơn về thời lượng pin.  

Vị giám đốc này nhấn mạnh, ở Mỹ và châu Âu do cơ sở hạ tầng sạc pin vẫn chưa hoàn thiện, nên người tiêu dùng thích pin có dung lượng cao, hơn nữa pin thể rắn và pin nhiên liệu cao cấp do các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc đang nghiên cứu nhiều khả năng sẽ trở thành phương hướng của thế hệ pin điện tiếp theo. Sau khi khi công nghệ này chín muồi, giá thành hạ xuống, các sản phẩm của Trung Quốc sẽ dễ dàng mất đi lợi thế. 

Thị trường Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, năng lực của doanh nghiệp bị hạn chế bởi cuộc chiến giá cả, không thể bình tĩnh tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ nên rất dễ bỏ qua cửa sổ cơ hội điều chỉnh lộ trình công nghệ. Về hiệu quả chi phí, hiện nay Trung Quốc không có rào cản công nghệ cao nào mà các công ty nước khác không thể vượt qua.

Áp lực từ châu Âu và Mỹ

Theo quan điểm của giới chuyên gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, cộng thêm năng lực sản xuất của ngành ô tô điện năng lượng mới dư thừa, chu kỳ đổi xe mới của người tiêu dùng vẫn chưa đến nên ô tô điện và pin điện của Trung Quốc sẽ cần đến thị trường quốc tế nhiều hơn. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt, áp lực xuất khẩu pin điện của Trung Quốc sẽ ngày càng lớn. Về dài hạn, Trung Quốc cũng khó hình thành lợi thế chiến lược không thể thay thế về phương diện pin điện.

Chuyên gia Subodh Mhaisalkar, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu năng lượng của Đại học công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng, các nước đang kiềm chế đà mở rộng pin điện ra nước ngoài của Trung Quốc. Họ dựa vào các biện pháp hạn chế thương mại, chính sách trợ cấp thuế, lựa chọn để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, khiến cho các nhà sản xuất pin điện của Trung Quốc mất đi lợi thế giá cả.

Chuyên gia Mhaisalkar nhấn mạnh, pin điện Trung Quốc sẽ dẫn đầu 5-10 năm. Nhưng các nhà sản xuất quốc tế có nhiều kinh nghiệm, cộng thêm chính phủ các nước vào cuộc để kéo dài thời gian cho doanh nghiệp trong nước, nên không quá khó khăn trong việc tách rời chuỗi cung ứng của Trung Quốc, ít nhất là ở thị trường trong nước của mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục