Long An vận động người lao động ở lại làm việc

17:12' - 09/10/2021
BNEWS Tỉnh Long An đang trong giai đoạn thực hiện kế hoạch khôi phục sản xuất, rất cần sự đồng hành và vận động người lao động ở lại làm việc để cuộc sống sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Dịch COVID-19 kéo dài khiến cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với người lao động xa quê phải tạm nghỉ hoặc bị mất việc trong thời gian giãn cách xã hội.

Song, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều công nhân đang thuê trọ trên địa bàn tỉnh  Long An đã cố gắng vượt khó, ở lại chờ ngày tái sản xuất.
Hơn 3 tháng nay, vợ chồng anh Trần Phong Nhã, quê tỉnh Sóc Trăng đành ở nhà chăm con gái hơn 3 tuổi do doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất. Anh là công nhân của một công ty bao bì nhựa thuộc xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc (Long An) được hơn 4 năm.

Vợ của anh Nhã làm việc trên địa bàn xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức. Thay vì về quê, vợ chồng anh vẫn nán lại nhà trọ chờ ngày được đi làm. Anh Phong Nhã cho biết, trước đây, hai vợ chồng anh đi làm thu nhập cũng ổn định.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, hai vợ chồng thất nghiệp không có việc làm. Qua xem báo, nghe đài thấy người đồng hương với bạn bè về quê, anh rất sốt ruột. Tuy nhiên, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, Công ty sắp hoạt động lại, do vậy, anh quyết định ở lại.

Trong 7 năm đến Long An tìm kế sinh nhai, đợt dịch này là lần đầu tiên anh Nguyễn Thanh Phong (quê ở Vĩnh Long), hiện đang ở Nhà trọ Bé Hai, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, phải nghỉ việc lâu. Lúc trước, thu nhập của hai vợ chồng anh tạm đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và gửi về quê nuôi con đang học đại học.

Anh Nguyễn Thanh Phong, chia sẻ: “Mùa dịch này, hai vợ chồng tôi quyết định không về quê. Nhờ được chủ nhà trọ hỗ trợ tiền thuê, vợ chồng đỡ vất vả. Đồng thời, được sự động viên của mẹ ở dưới quê, hai vợ chồng an tâm ở lại chờ ngày được đi làm lại”.
Hầu hết công nhân trên địa bàn Long An đã được ưu tiên tiêm vaccine và đều mong muốn sớm đi làm trở lại. Riêng những lao động tự do, việc làm không ổn định, họ sắp xếp về quê.

Thời gian qua, các chế độ chính sách liên quan đến Bảo hiểm thất nghiệp, gói an sinh và hoạt động hỗ trợ từ nhiều cá nhân, đơn vị và chủ nhà trọ cũng góp phần giúp công nhân ở lại nơi làm việc.

Hiện Long An có 1.223 doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh với hơn 81.740 lao động. Tỉnh đã tổ chức cho hơn 176.870 lao động được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (trong đó, có hơn 59.870 lao động đã được tiêm mũi 2).
Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh đã có kế hoạch về phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu kép (vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế để ổn định đời sống nhân dân).

Cùng với đó là góp phần đảm bảo quản lý tốt người lao động từ các tỉnh, thành phố đến làm việc trên địa bàn tỉnh không tự ý di chuyển về quê theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, từ ngày 30/9 đến nay, hơn 3.000 người dân đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Long An đã trở về các tỉnh, thành phố thuộc miền Tây. Số người hồi hương chưa có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Trước thực trạng này, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung củng cố tăng cường hoạt động của các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng; phát huy vai trò của trưởng các ấp, khu phố; động viên người dân tự kiểm soát, khai báo y tế và khai báo tạm vắng, tạm trú với chính quyền địa phương khi về từ vùng dịch để có biện pháp kiểm soát dịch tại nhà hiệu quả.
Vai trò của Tổ vận động công nhân, người lao động ở lại làm việc trên địa bàn tỉnh Long An và chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp được phát huy trong việc tuyên truyền, vận động người lao động ở lại làm việc để được tiêm đầy đủ vaccine, đảm bảo việc làm và phòng, chống dịch hiệu quả.

Tỉnh kịp thời hỗ trợ người lao động gặp khó khăn thông qua các túi an sinh, các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ,... tuyệt đối không để người lao động nào gặp khó khăn, cần hỗ trợ nhưng không được hỗ trợ kịp thời.
Tính đến ngày 6/10, Long An triển khai hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ cho trên 435.000 người thuộc các nhóm đối tượng, với tổng kinh phí trên 357 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn huy động các nguồn lực, thực hiện tốt các công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Hiện tỉnh thực hiện hỗ trợ cho 5.500 hộ nghèo, mỗi hộ được hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cần thiết; trên 153.000 công nhân tại các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh, mỗi công nhân được hỗ trợ 5kg gạo và 100 nghìn đồng tiền mặt... Tổng nguồn kinh phí trên 235 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người lao động không thể trụ được đã phải chọn cách về quê nương náu. Tuy nhiên, cùng với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, Long An đang trong giai đoạn thực hiện kế hoạch khôi phục sản xuất, rất cần sự đồng hành từ công nhân lao động để cuộc sống sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục