Lớp học đặc biệt trên bản

09:28' - 31/01/2024
BNEWS Để giúp đồng bào Ba Na nâng cao trình độ văn hóa, Trung úy Lê Tuấn Thành, một chiến sỹ Công an xã H’Ra đã đứng ra mở lớp học tình thương để truyền đạt kiến thức cho bà con.

Làng Kret Krot, xã H’Ra, huyện Mang Yang (Gia Lai) từng là địa bàn trọng điểm về an ninh, chính trị bởi tác động của hoạt động tà đạo Hà Mòn. Nơi đây, có khoảng 180 hộ dân, đa số là người dân tộc thiểu số Ba Na không biết chữ, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo.

 

Để giúp đồng bào Ba Na nâng cao trình độ văn hóa, Trung úy Lê Tuấn Thành, một chiến sỹ Công an xã H’Ra đã đứng ra mở lớp học tình thương để truyền đạt kiến thức cho bà con.

Trung úy Lê Tuấn Thành được vinh danh là một trong 20 gương “Thanh niên sống đẹp” toàn quốc, được người dân yêu mến và kính trọng. Lớp học do Trung úy Thành tổ chức vào tối thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, tại một phòng học nhỏ của điểm trường Tiểu học xã H’Ra. Hơn 40 học viên đặc biệt, đủ lứa tuổi đều đặn đến lớp mỗi tối để học con chữ và phép tính. Ngoài việc học văn hóa, các học viên này còn được xem các đoạn phim nói về chính sách của Đảng, Nhà nước, để hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Theo thống kê của xã H’Ra, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ lứa tuổi từ 20 trở lên trên địa bàn còn khá cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn và bất lợi. Không những vậy, trước đây, làng Kret Krot còn bị ảnh hưởng bởi hoạt động của tổ chức tà đạo Hà Mòn khiến cuộc sống của dân làng càng thêm khổ cực và lạc hậu hơn. Từ khi hoạt động tà đạo Hà Mòn được bóc gỡ vào tháng 3/2020, làng Kret Krot đã có nhiều thay đổi tích cực và trở thành Làng văn hóa vào năm 2022.

Để giữ vững và phát huy những thành quả đó, mục tiêu xóa mù chữ cho bà con là rất cấp thiết. Đó cũng chính là lý do mà Trung úy Thành trăn trở, quyết tâm mở lớp học tình thương với mong muốn truyền đạt kiến thức cho bà con.

Trung úy Thành chia sẻ, đây không chỉ là niềm đam mê và mong muốn được truyền đạt kiến thức tới đồng bào thiểu số của mình. Lớp học này còn là cầu nối giữa Công an cơ sở với nhân dân. Trong mỗi buổi học, anh không chỉ dạy chữ mà còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật kết hợp vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Anh hy vọng, lớp học sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chị Sen, 45 tuổi, một trong những học viên tiêu biểu của lớp cho biết "Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đến trường. Vì không biết chữ nên mỗi lần đi làm thủ tục, giấy tờ gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có lớp học do thầy Thành mở, mình đăng ký tham gia ngay. Giờ mình đã có thể viết được tên và biết tính toán. Mình vui, hạnh phúc lắm, cảm ơn thầy Thành rất nhiều".

Cùng hoàn cảnh với chị Sen, Chị Mah, 29 tuổi, ban đầu rất e ngại mỗi khi đến lớp nhưng nhờ sự kiên nhẫn, tận tâm và sự động viên nhiệt tình của thầy Thành, chị đã vượt qua được sự tự ti của bản thân. Chị hào hứng chia sẻ "dù còn chậm, nhưng tôi đã biết tính toán, biết được con chữ. Giờ tôi đi buôn bán cũng thuận tiện hơn rồi, không lo bị ép giá; đưa con cái đi khám, chữa bệnh cũng đã biết điền thông tin vào hồ sơ. Tôi sẽ cố gắng đi học đều để biết viết, biết đọc và tính toán thành thạo hơn".

Để hỗ trợ lớp học tình thương này, thầy Kưh, giáo viên của Trường Tiểu học H’Ra, đã xin phép nhà trường đồng hành cùng Trung úy Thành đứng lớp giảng dạy cho bà con. Thầy Kưh chia sẻ rằng, điều hạnh phúc nhất của những người dạy học là được thấy học viên của mình chăm chú nghe giảng, nắn nót từng con chữ để tiến bộ lên từng ngày. Vì vậy, thầy cũng như Trung úy Thành không ngừng tìm tòi, tối ưu hóa quá trình giảng dạy để bà con tiếp thu bài tốt hơn.

Tuy nhiên, lớp học này cũng còn nhiều khó khăn, thách thức do các học viên không cùng lứa tuổi, trình độ khác nhau, đặc biệt nhiều người còn chưa thành thạo tiếng Kinh. Do đó, Trung úy Thành đã rất kiên nhẫn, sáng tạo nhiều phương pháp khác nhau để giúp học viên nhớ được các chữ cái và con số.

Ông Dung, Phó Chủ tịch UBND xã H’Ra cho biết: Chính quyền địa phương đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của Trung úy Thành cũng như lớp học tình thương. Nhờ có lớp học này, bà con đã mở mang thêm kiến thức, dễ dàng tiếp cận với các văn bản, quy định pháp luật của Nhà nước để hướng đến nếp sống văn minh, dần xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để lớp học hoạt động tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.

Lớp học tình thương của Trung úy Thành là một ví dụ điển hình về tinh thần trách nhiệm của người chiến sỹ Công an nhân dân. Qua lớp học này, Trung úy Thành không chỉ giúp đồng bào Ba Na xóa mù chữ, mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó, kéo sơn giữa Công an với nhân dân, tạo niềm tin và sự ủng hộ cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục